Người mang thân phận bị can oan 38 năm
Hôm qua (29/1), TAND quận 6 (TPHCM) cho hay, đơn vị này đã gửi thông báo cho Viện KSND quận 6, qua đó cho biết Tòa án đang thụ lý vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự” mà Viện KSND quận 6 là bị đơn, ông Trịnh Dân Cường (sinh năm 1956, ngụ TPHCM) là nguyên đơn.
Ông Cường khởi kiện yêu cầu Viện KSND quận 6 xin lỗi công khai, phục hồi danh dự, bồi thường thiệt hại cho ông về việc ông từng bị giam giữ oan gần 2 năm.
Bị bắt giam oan
Theo hồ sơ, khoảng 22 giờ ngày 27/2/1985, tại số 288B đường Bãi Sậy, phường 7, quận 6, TPHCM có xảy ra vụ mất trộm vàng. Công an quận 6 nghi vấn ông Trịnh Dân Cường, Hà Văn Được (anh vợ ông Cường), Trần Đức Ân (anh em cột chèo ông Cường) là những người thực hiện hành vi phạm tội, nên ra lệnh tạm giữ vào ngày 28/2/1985. Ông Cường bị giam tại Trại giam Chí Hòa từ ngày 28/2/1985, đến ngày 3/12/1986 thì được thả về với lý do: “Qua điều tra, xét thấy Trịnh Dân Cường tuy có quá trình xấu nhưng hành vi tiến hành không liên quan vụ trộm vàng ở nhà số 288B Bãi Sậy”. Ông Hà Văn Được chết tại trại tạm giam, còn ông Trần Đức Ấn sau đó cũng được thả ra và bị bệnh chết một thời gian ngắn sau đó.
Ông Trịnh Dân Cường mang thân phận bị can suốt 38 năm nay Ảnh: PV
Do bắt giữ người không đúng, một số cán bộ công an và Viện KSND quận 6 đã bị TAND TP HCM xét xử sơ thẩm năm 1989 và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xử phúc thẩm năm 1990, cùng tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Đô (nguyên Đội trưởng đội điều tra hình sự Công an quận 6) 5 năm tù cho các tội danh “Bắt người trái pháp luật”, “Giữ người trái pháp luật” và “Giam người trái pháp luật”. Ông Võ Tấn Sỹ (nguyên Phó Trưởng Công an quận 6) bị cảnh cáo về tội “Bắt người trái pháp luật”, “Giữ người trái pháp luật” và “Giam giữ người trái pháp luật”. Ông Nguyễn Kiên Trung (nguyên Trưởng phòng PC 14 Công an TPHCM) bị cảnh cáo về tội “Giam người trái pháp luật”. Nguyễn Tấn Đồng (nguyên Viện trưởng Viện KSND quận 6) bị cảnh cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhọc nhằn thu thập tài liệu, chứng cứ
Theo nội dung các bản án hình sự của TAND TPHCM và Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM, ông Cường, ông Được và ông Ấn là bị hại trong vụ bắt, giữ, giam người trái pháp luật do nhóm cán bộ công an và Viện Kiểm sát nêu trên gây ra. Ông Cường chưa được các cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can và xin lỗi công khai, bồi thường oan, sai. Sau khi tòa tuyên án, ông Cường gửi nhiều đơn thư khiếu nại đến các cơ quan tố tụng quận 6 và Công an TPHCM nhưng chưa được giải quyết triệt để. Hành trình gian nan tiếp theo là ông Cường nộp đơn khởi kiện Viện KSND quận 6 ra TAND quận 6, nhưng do vụ án kéo dài, thời gian xảy ra đã lâu, không được nhận các tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh là bị hại trong vụ án nên TAND quận 6 đã không thụ lý đơn kiện của ông Cường. Sau đó, ông Cường đã xin trích lục lại được 2 bản án của TAND TPHCM và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM liên quan đến việc xét xử các cán bộ gây oan cho mình. Ngoài ra, ông Cường cũng thu thập thêm tài liệu mới và gửi kèm vào đơn khởi kiện. Lần này, TAND quận 6 đã thụ lý đơn khởi kiện của ông Cường như nêu trên.
Ông Huỳnh Thanh Lam cho biết không gì có thể bù đắp được tổn thất mà ông phải gánh chịu do oan sai gây ra.
Nguồn: [Link nguồn]