Người đàn bà mang bóng hình...thần chết (P.2)
Như cái kim tỏng bọc lâu ngày cũng lòi ra, chân tướng của nữ sát nhân "cực độc" dần lộ diện.
Ra khỏi trại giam là... có người chết
Nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm giết người, cướp tài sản, ngày 30-10-2000 CQĐT CA tỉnh Bình Dương ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội danh giết người, cướp tài sản. Ngặt một nỗi là viện kiểm sát chỉ gia hạn thời hạn điều tra vụ án, không gia hạn tạm giam bị can do “không thấy có căn cứ chứng minh Lê Thanh Vân có hành vi giết người, cướp tài sản nên không thể gia hạn”.
Các cán bộ điều tra buộc phải chấp nhận quyết định này của viện kiểm sát vì ngay kết luận giám định của Phân viện Kiểm nghiệm của Bộ Y tế cũng không “ủng hộ” họ. Kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự khẳng định số hóa chất thu giữ của Vân là cực độc, chỉ cần 0,15 đến 0,20 gram đã đủ giết chết một người lớn, nhưng Phân viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế trả lời không tìm thấy độc chất trong mẫu (phủ tạng ông Đông, bà Xinh). Không nản lòng, chiều 27-12-2000 CQĐT CA tỉnh Bình Dương lại cùng các cơ quan chuyên môn khác lấy một phần hóa chất thu được của Lê Thanh Vân hòa nước bơm vào miệng hai con chó và cả hai con đều chết. Một con chó được giải phẫu ngay lập tức để lấy phủ tạng; con thứ hai tẩn liệm cẩn thận như đối với người chết để đến ngày 29-12-2000 mới giải phẫu cho giống với trường hợp bà Xinh - ông Đông rồi gửi mẫu trưng cầu Phân viện Kiểm nghiệm của Bộ Y tế giám định. Dù tin tưởng chính Lê Thanh Vân đã đầu độc giết chết bà Xinh, ông Đông và anh Sơn nhưng CQĐT vẫn phải thay đổi biện pháp ngăn chặn, trả tự do, cho Vân được tại ngoại từ ngày 15-1-2001. Ngày 9-3-2001, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Dương ra quyết định phân công đại úy, điều tra viên Nguyễn Xuân Hậu trực tiếp điều tra vụ án Lê Thanh Vân giết người, cướp tài sản mà không có bị can “trong tay”.
Được tại ngoại, theo lẽ khi cơ quan điều tra triệu tập thì Vân phải đến làm việc nhưng thị chẳng thèm tuân thủ nguyên tắc này, nhiều lần phớt lờ “trát” gọi. Không thể để cho Vân coi thường luật pháp, tiếp tục nhởn nhơ ngoài xã hội, Ban chuyên án thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn nhằm phòng ngừa thị gây án mới. Rắc rối ở chỗ, trong bối cảnh lúc ấy, việc bắt giam Vân trở lại theo tội danh giết người, cướp tài sản là không ổn và viện kiểm sát cũng đã từ chối, không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam Vân về tội lừa đảo.
Bàn đi tính lại mãi, ngày 17-7-2001 CSĐT CA tỉnh Bình Dương quyết định khởi tố vụ án hình sự “tàng trữ trái phép chất độc” theo điều 238 BLHS, nhập vào vụ án giết người, cướp tài sản thành vụ án “giết người, cướp tài sản, tàng trữ trái phép chất độc” và ngày 14-8-2001, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Vân về tội “tàng trữ trái phép chất độc” và ra lệnh bắt tạm giam. Nhưng gần hai tháng sau, lệnh này mới được VKS phê chuẩn (ngày 9-10-2001) và cũng trong khoảng thời gian đó, thị đã kịp liên quan đến vụ chị Vi Thị Thanh (ở ấp 3, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị “mất tích”. Sáng 17-8-2001, chị Thanh đến tiệm trồng răng của Lê Thanh Vân và “chồng” Vân là Dìu Dãnh Quang ở ấp 3, xã Nghĩa Trung trám răng rồi biến mất. Trong khi đó, Vân tung tin chị Thanh bị đánh ghen đã bỏ đi Đắk Lắk, đồng thời đến nhà nói chị Thanh đã bán sạp quần áo, giày dép tại chợ ngã ba Sao Bọng thuộc xã Đức Liễu huyện Bù Đăng và mảnh đất 450m2 ở ấp 3 xã Nghĩa Trung cho thị... Do không được các con chị Thanh giao đất, Lê Thanh Vân viết đơn kiện nhờ công an và ban thanh tra ấp 3, rồi UBND xã Nghĩa Trung giải quyết...
Đấu trí với cao thủ giết người
Ngày 15-10-2001, Lê Thanh Vân bị bắt tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Đến thời điểm này, cùng với vụ ông Nguyễn Văn Đông, bà Trần Thị Xinh, anh Nguyễn Thanh Sơn, vụ chị Bùi Chung, CQĐT còn ghi nhận thêm những vụ chết người khác có liên quan trực tiếp đến Vân. Đó là vụ ông Nguyễn Trung Dzu ở Q. Bình Thạnh TPHCM; bà Đào Thị Có tức nghệ sĩ Kim Cúc, trú phường Cô Giang, Q1, TPHCM, tạm trú tại thị trấn Trảng Bom, huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Thời gian thấm thoắt, Vân đã “trở lại” trại, xét hỏi thuận lợi hơn nhưng do thị không khai nhận nên cả mấy tháng sau, việc điều tra vụ án vẫn không tiến triển và những cái chết bí hiểm vẫn chưa được làm sáng tỏ. Điều đó khiến cho BGĐ CA tỉnh Bình Dương như ngồi trên đống lửa.
Ngày 16-5-2002, Báo CATP đăng bài “Sáu cái chết và người đàn bà bí hiểm” viết về vụ án Lê Thanh Vân, nêu cái chết của các nạn nhân mà việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Ngay sau đó, CSĐT CA tỉnh Bình Dương nhận thêm nhiều thông tin về những cái chết bất đắc kỳ tử ở các nơi có liên quan đến Vân, trong đó đơn của chị Vũ Thị Nga ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Q3, TPHCM, cho biết: “... Gia đình tôi đọc Báo CATP thấy đăng tin Lê Thanh Vân liên quan đến nhiều cái chết đã bị CA tỉnh Bình Dương bắt. Tôi cũng có chồng là Trần Văn Khôi chạy xe ôm đi từ ngày 9-6-2001 đến nay không thấy về. Mong CSĐT CA tỉnh Bình Dương điều tra làm rõ sự việc...”. Ngoài ra, còn có những cái chết bí hiểm khác “dính” tới Lê Thanh Vân, như cái chết của anh Lê Văn Cẩm, SN 1963, ngụ P1Q8; ông Võ Hữu Khiêm ở phường 2, Q. Tân Bình; chị Hồ Thị Mộng Đào ngụ P1Q11... Thông tin liên quan nhiều nhưng Lê Thanh Vân vẫn trơ như đá, thời gian cho phép tiến hành điều tra thì không phải là vô hạn, CSĐT CA tỉnh Bình Dương đề nghị cho chuyển vụ án lên Bộ CA vì là án phức tạp, xảy ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều địa phương.
Tiếp nhận vụ án, đầu tháng 7-2002, thượng tá Nguyễn Thế Bình, Phó thủ trưởng CSĐT Bộ Công an ký quyết định phân công các điều tra viên Đặng Văn Chính, Nguyễn Đình Bằng, Nguyễn Thanh Bình, Đinh Gia Thế tiến hành điều tra, đồng thời trưng dụng điều tra viên Nguyễn Xuân Hậu thuộc CQĐT CA tỉnh Bình Dương và các điều tra viên của TPHCM, Bình Phước, Đồng Nai cùng tham gia. Yêu cầu được đặt ra là, cùng với việc điều tra Vân, cần làm rõ vai trò, mức độ tham gia của “chồng” Vân là Dìu Dãnh Quang (SN 1973, HKTT tại khu 8, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; ở xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Lê Thanh Vân trước và sau khi ra trại năm 1996, Dìu Dãnh Quang
Ngày 14-8-2002, căn cứ theo những tài liệu đã thu thập được, đặc biệt là trong vụ chị Vi Thị Thanh, cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định bắt khẩn cấp Quang. Bốn ngày sau, Quang bị khởi tố về hành vi “che giấu tội phạm”. Ngày 7-1-2003, CSĐT Bộ Công an sơ kết điều tra vụ án, đưa ra mọi chi tiết để xem xét, đánh giá, xác định có đủ cơ sở khẳng định Lê Thanh Vân liên quan trực tiếp đến cái chết của Bùi Chung, Lê Văn Cẩm, Hồ Thị Mộng Đào, Võ Hữu Khiêm, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Đông, Trần Thị Xinh, Đào Thị Có, Vi Thị Thanh và Trần Văn Khôi. Vấn đề khó khăn ở chỗ vẫn chưa tìm thấy xác anh Khôi và quá ít nhân chứng trong khi chất độc dễ mất, không thu được trong phủ tạng nạn nhân mà Vân thì lại quá lỳ lợm, thậm chí giả vờ bệnh để nhân viên điều tra không thể làm việc.
Cú đánh quyết định
Để Lê Thanh Vân không quên, không bị phân tâm, các nhân viên điều tra quyết định trước mắt chỉ làm việc với thị xoay quanh vụ chị Vi Thị Thanh. Tuy nhiên, phải hơn một tháng sau kể từ ngày được di lý đến nơi ở mới, Vân mới bị khuất phục, khai nhận vụ đầu tiên chính là vụ đầu độc giết chị Thanh. Với cái tên Lâm Anh Đào - “chôm” của con gái bà Đào Thị Có ở tỉnh Đồng Nai, Vân cùng “chồng” Dìu Dãnh Quang đến ấp 3, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước thuê nhà mở tiệm trồng răng và quen biết chị Thanh. Khoảng 9 giờ 30 sáng 17-8-2001, Thanh đến tiệm làm răng xong thì ở lại nói chuyện. Vân nảy sinh ý định giết chị Thanh, sau đó hợp thức các giấy tờ nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Thực hiện ý đồ độc ác này, thị mua cà phê mời chị Thanh uống, lợi dụng lúc chị Thanh không để ý, thị cho chất độc vào. Khi chị Thanh đã bị ngấm thuốc độc (có biểu hiện đau đầu, ói mửa), Vân lấy xe máy chở chị đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, khai là chị em bạn dì với bệnh nhân. Ngay tại bệnh viện, khi chị Thanh đang được cấp cứu, thị tranh thủ lấy của chị một đồng hồ đeo tay và 47.000 đồng. Khoảng 17 giờ 15 cùng ngày, thấy chị Thanh hấp hối, Vân chuồn khỏi bệnh viện và khoảng 30 phút sau đó, nạn nhân qua đời.
Phiên tòa xét xử Lê Thanh Vân và Dìu Dãnh Quang
Do Lê Thanh Vân khai địa chỉ ma khi đưa chị Thanh đến bệnh viện, không tìm được thân nhân nên sau khi khám nghiệm tử thi, CA tỉnh Bình Phước cho mai táng nạn nhân tại nghĩa trang Tân Hưng, huyện Đồng Phú. Biết được tin này, Vân tung tin chị Thanh bị đánh ghen nên phải bỏ xứ lên Đắk Lắk sinh sống, đồng thời giả mạo chữ viết, chữ ký của chị Thanh, viết một giấy có nội dung chị Thanh đã bán sạp quần áo, giày dép tại chợ ngã ba Sao Bọng thuộc xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng cho Lâm Anh Đào với giá 8,5 triệu đồng và một giấy có nội dung chị Thanh đã bán miếng đất 450m2 ở ấp 3, xã Nghĩa Trung cho Đào với giá 40 triệu đồng, đã nhận trước của Đào 13 triệu đồng. Đồng thời, Vân còn “làm giúp” người quá cố một lá thư gửi con chị Thanh tên Lý Cống Vành: “Má gửi Vành! Má nhờ con xuống cô Liên lấy 15 triệu đồng tiền mà cô Liên mua đất còn thiếu, đem về trả cho chú, thiếm Quang (tức Lê Thanh Vân - với cái tên Lâm Anh Đào và Dìu Dãnh Quang)”. Vân đem lá thư “tự biên” này đến nhờ chị Nguyệt ở cùng ấp: “Bà Thanh bị đánh ghen bỏ đi Đắk Lắk không về nữa, Nguyệt đem thư đến cho thằng Vành và khuyên nó đi nơi khác vì bà Thanh đã bán nhà cho tôi rồi...”.
Do người nhà chị Thanh kiên quyết phản đối nên Vân chỉ chiếm được sạp bán quần áo, giày dép trị giá khoảng 8,5 triệu đồng. Để chiếm nốt số tài sản còn lại của gia đình chị Thanh là miếng đất 450m2, Vân viết đơn kiện nhưng UBND xã Nghĩa Trung chưa kịp giải quyết thì thị bị bắt giam trở lại sau một thời gian được tại ngoại.
Khai xong vụ chị Thanh, Vân nhận thêm các vụ giết bà Xinh, ông Đông, bà Có, ông Dzu, anh Khôi. Ngày 25-4-2003, thị viết bản tự thú, nhận tội giết người nhưng lại đổ lỗi cho các nạn nhân. “Tất cả họ có làm phương hại đến tôi, thì coi như tôi bị stress”. Ít ngày sau, Vân viết bản thú tội khác, một lần nữa xác nhận đã giết các nạn nhân nhưng lại nêu lý do gây án là do hoàn cảnh khó khăn.
(Còn tiếp)