Người đàn bà mang bóng hình...thần chết (P.1)
Những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước liên tiếp xảy ra những vụ chết người không rõ nguyên nhân.
Trước khi chết họ đều có những triệu chứng giống nhau: chóng mặt, nhức đầu, cảm giác sợ hãi, co giật; nhịp thở chậm, yếu dần; nhịp tim rời rạc; chân tay lạnh, co cứng và... tử vong. Trong mấy năm trời, cơ quan CSĐT Bộ Công an và công an các tỉnh phối hợp điều tra và kết luận hung thủ sử dụng chất độc giết người, cướp tài sản. Có 13 người bị giết, hàng chục người khác thoát chết - một “kỷ lục” trọng án mà đến nay chưa lặp lại.
Hai cái chết bí ẩn
Sáng 28-6-2000, xe khách BS: 53L-3259 xuất bến tại Aeka, tỉnh Đắk Lắk về TPHCM. Dọc đường, bà chủ xe Trần Thị Xinh (SN 1950, ngụ xã Định Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) thấy trong người mệt mỏi, đau đầu và bị nôn ói. Khoảng 15 giờ cùng ngày, xe về đến TPHCM, bà Xinh mặt tái nhợt, chân tay lạnh, co rúm, phải vào cấp cứu tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Xác định bà Xinh bị “ngộ độc thức ăn”, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, cho bà nằm lại để điều trị và hôm sau, 29-6-2000 bà dần dần hồi phục. Thế nhưng sáng 1-7-2000 đến bến xe Miền Đông để đi viếng tang ông Nguyễn Văn Đông (SN 1955, ngụ Bình Dương) là tài xế lái thuê xe 53L-3259 thì bà Xinh lại gục xuống bàn, hôn mê ngay trước cổng bến xe và 9 giờ 15 phút cùng ngày bà đã qua đời ở bệnh viện. Có điều lạ là trước đó, vào 29-6-2000, khi tới Bệnh viện Nhân Dân Gia Định thăm bà Xinh, chính ông Đông cũng đột ngột quỵ, hôn mê. Các bác sĩ tập trung cấp cứu nhưng ông đã qua đời.
Làm giám định tại Phân viện KHHS
Tài xế Đông đang khỏe mạnh vào bệnh viện thăm bệnh nhân bỗng dưng bị ngất rồi tử vong, bà Xinh ra viện đi đám tang ông Đông cũng ngất xỉu rồi chết. Hai cái chết trùng hợp kỳ lạ tạo nên sự hoài nghi. Đặc biệt, lúc gia đình nạn nhân đang tang gia bối rối thì một phụ nữ là Lê Thanh Vân (tức Lee Ly Lan, SN 1956, trú P11Q10, TPHCM) đưa cho thân nhân bà Xinh một tờ giấy viết tay với nội dung bà Xinh đã bán cho Vân chiếc ôtô khách, hiệu Asia, BS: 53L-3259 với giá 200 triệu đồng 5 ngày trước đó. Theo một số người thì Vân thường đi xe 53L-3259, làm quen với bà Xinh, ông Đông và nhận bà Xinh là “mẹ nuôi”. Song thân nhân của bà Xinh nghi ngờ, cương quyết không chấp nhận bởi lẽ mọi chuyện diễn ra quá đột ngột và trước khi bà Xinh chết họ không hề được bà bàn bạc gì về việc bán “cần câu cơm” của gia đình. Do đó, ông Phạm Văn Thanh - chồng bà Xinh, đã làm đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, đề nghị điều tra làm rõ cái chết “bất đắc kỳ tử” của vợ ông, cũng như tài sản của gia đình là chiếc xe khách 53L-3259 lúc này Vân đã quản lý.
Truy tìm manh mối
Qua nắm tình hình, cơ quan CSĐT được biết tối 29-6, khi ông Đông vào bệnh viện thăm bà Xinh thì có Lê Thanh Vân ở đó và sáng 28-6-2000, trước khi xe xuất bến tại Aeka, tỉnh Đắk Lắk, bà Xinh cùng phụ xe Lê Nguyên Đính có ngồi uống nước với Vân, anh Đính uống cà phê, bà Xinh và Vân uống nước chanh muối; đồng thời bà Xinh cũng đã “ngất” khi cùng Vân ăn hủ tiếu tại bến xe Miền Đông, TPHCM... Liệu Lê Thanh Vân có “đánh thuốc mê quá liều” đối với các nạn nhân như “phù thủy gây mê” Trần Thị Chắc trước đó ở Bình Thuận? Để làm sáng tỏ, ngày 2 và 3-7-2000, CQĐT khám nghiệm tử thi hai nạn nhân, gửi mẫu đến Phân viện kiểm nghiệm của Bộ Y tế giám định. Tuy nhiên, việc giám định thường kéo dài trong lúc đối tượng nghi vấn có thể “biến mất” bất cứ lúc nào và biết đâu lại gây thêm án mới. Muốn đối tượng không trốn được, chỉ có cách là phải bắt giữ. Song dựa vào cơ sở nào để bắt giữ Vân mà không vi phạm pháp luật? Tình huống xử lý khó làm đau đầu Ban chuyên án. Họ nghiên cứu hồ sơ, đặt lên bàn mọi giả thiết bắt hay không bắt Vân. Với suy nghĩ “không để lọt kẻ gian nhưng không làm oan người vô tội”, các anh còn đề ra phương án “không bắt không được thì phải cương quyết bắt; bắt cũng được, không bắt cũng được thì cương quyết không bắt”. Chỉ bằng ấy chữ nhưng chẳng hề đơn giản chút nào, phải dựa vào những yếu tố khách quan, trong đó dấu hiệu của tội phạm là yếu tố hàng đầu.
Xác minh về nhân thân, Lê Thanh Vân có một quá khứ đáng sợ với một lô tiền án, tiền sự: tháng 12-1979 bị Công an Q10 bắt về hành vi giả danh đại úy quân đội để lừa đảo; tháng 3-1990 bị Công an Q5 bắt về tội giả mạo cấp bậc, chức vụ, giấy chứng nhận, tài liệu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, bị phạt 18 tháng tù và ngày 17-5-1993, Vân lại bị Tòa án Q10 xử phạt 4 năm tù về tội lừa đảo. Bản án này có thể đã nặng hơn nếu như có đủ chứng cứ chứng minh Lê Thanh Vân đầu độc giết chị Bùi Chung (ngụ tại P11Q10). Ngày 24-10-1992, chị Chung nấu mì gà để ăn cùng gia đình và mấy người bạn, trong đó có Vân là người hàng xóm. Ăn lần thứ nhất, mọi người không việc gì nhưng sau khi chị Chung cùng chị Nhung, chị Trinh, anh Huy ăn “tăng hai” thì bị đau bụng, phải vào bệnh viện cấp cứu, riêng Vân không ăn “tăng hai” nên không sao. Chị Chung là người bị nặng nhất nên vẫn phải ở lại bệnh viện. Thời gian này Vân thường xuyên vào viện chăm sóc chị Chung, nhưng vào lúc sức khỏe đã tiến triển khả quan thì chị Chung đột ngột tử vong. Ngay sau đó, gia đình chị Chung tố cáo Vân lừa đảo chiếm đoạt tiền và đầu độc giết chết chị Chung. Kết quả giải phẫu tử thi do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện, cũng xác định chị Chung chết trong trạng thái choáng nhiễm trùng, nhiễm độc. Nhận thấy tố cáo là có cơ sở, Công an Q10 đã đề nghị Phòng CSĐT Công an TPHCM phối hợp điều tra, nhưng do không đủ chứng cứ nên tòa án chỉ kết án được Vân về tội danh lừa đảo.
Ngoài ra, CQĐT cũng nhận được một số thông tin: tháng 5-2000, Vân đến nhà anh Lý Hồng Sơn ở tỉnh Đắk Lắk yêu cầu cho thị bán giúp 20 tấn cà phê với giá 15.000 đồng/kg trong khi giá thị trường chưa đến 10.000 đồng/kg nhưng anh Sơn không có cà phê. Ngày 19-5-2000, Vân đến nhà anh Dưỡng ở huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước, nói để thị bán giúp cà phê với giá 13.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá thị trường. Tin lời Vân, anh Dưỡng giao 1,2 tấn cà phê và Vân ôm tiền bỏ đi mất dạng.
Lê Thanh Vân
Bủa lưới bắt "phù thủy"
Từ những thông tin thu thập được, nhận thấy có khả năng đối tượng đang tiếp tục thực hiện hoạt động lừa đảo, ngày 7-7-2000 cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Dương mời Lê Thanh Vân đến làm việc. Thị khẳng định đã mua xe khách 53L-3259 của bà Xinh với giá 200 triệu đồng và trình bày về nguồn gốc số tiền mua xe. Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy thị hoàn toàn không có khả năng tài chính để mua ôtô và tờ “giấy bán xe” của bà Xinh được chuyển đến Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TPHCM giám định, được xác định là... giấy gian.
Các tình tiết trùng hợp cộng với kết quả giám định cho thấy khả năng Lê Thanh Vân có ý đồ chiếm đoạt chiếc xe BS: 53L-3259 rất có thể thị đầu độc nạn nhân. Tuy nhiên, do chưa có “cơ sở” đủ mạnh để chứng minh Vân giết người nên CQĐT tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong khi việc khám xét chưa hoàn tất, thị bỗng nằng nặc đòi cho đi vệ sinh. Không thể từ chối, trung tá Phạm Minh Thành - Phó thủ trưởng CSĐT (nay là thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) CA tỉnh Bình Dương, chỉ huy việc bắt, khám xét đành phải gật đầu nhưng dặn trinh sát phải giám sát để phòng ngừa thị tiêu hủy vật chứng hoặc làm điều gì đó bất lợi. Sự cẩn thận đó không thừa, qua khám xét, trinh sát phát hiện trong túi của Vân có một đôi bông tai vàng 18K của bà Xinh và một số hóa chất, thuốc tây. Nghi ngờ loại hóa chất này có thể dùng đầu độc ông Đông, bà Xinh, ngay sau đó CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Thanh Vân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cùng Phòng Kỹ thuật hình sự, đại diện VKSND tỉnh tiến hành thực nghiệm, pha 1,15 gam chất bột nghi vấn là độc chất thu được của Vân với nước cất, lấy 3ml bơm vào miệng một con chó. Khoảng 30 giây, con chó có triệu chứng ngộ độc và 7 phút sau thì nó ngừng thở, ngưng tim. Kết quả trực quan này cho thấy số hóa chất thu của Lê Thanh Vân là loại hóa chất cực độc nhưng để đưa “kết quả” đó vào hồ sơ vụ án như một chứng cứ đấu tranh với bị can thì phải có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, trong đó nêu rõ con chó chết vì ngộ độc hóa chất. Do vậy, xác con chó được giải phẫu và CSĐT CA tỉnh Bình Dương quyết định trưng cầu Phân viện kiểm nghiệm của Bộ Y tế giám định tìm độc chất.
Trong khi việc điều tra vụ ông Đông - bà Xinh mới khởi đầu, chưa có kết quả thì CQĐT ghi nhận thêm một cái chết tương tự khác có “dính” đến Lê Thanh Vân, xảy ra trước đó. Ngày 6-4-2000, anh Nguyễn Thanh Sơn (ngụ xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) cùng vợ chồng người em trai là Nguyễn Thanh Tuấn và vợ chồng người chị lên huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước khai thác cây rừng. Trời tối nên họ ngủ trọ tại nhà ông Sang ở ấp Sơn Lập, xã Thọ Sơn. Sáng hôm sau, anh Sơn quay về huyện Phú Giáo đón thêm người. Khi trở lên huyện Bù Đăng vào buổi chiều, Sơn dẫn theo một phụ nữ, giới thiệu tên là Lee Ly Lan. Sơn cho biết lúc ra đến chợ Bù Na, huyện Bù Đăng, anh gặp Lan, hai bên làm quen và anh rủ đi làm rừng chung. Lan đồng ý, hai người cùng về Phú Giáo ăn cơm rồi đón xe quay lại xã Thọ Sơn. Ở lại đây được một đêm, sáng hôm sau Lan nói phải về TPHCM để làm giấy bãi nại cho một người đã gây tai nạn giao thông với thị, chẳng rõ có thật hay không.
Vào trong rừng, nhóm của Sơn làm chòi ngủ qua đêm. Sáng 9-4, thấy ít cây lồ ô quá, họ đi ngược trở ra, cách nhà ông Sang khoảng hai cây số, họ gặp Lan đi nhờ xe tải vào, mang theo một giỏ đồ và một bịch nylon đựng mì gói, bún gói. Cùng nhau vào nghỉ ở quán bên đường, Lan để bịch mì, bún lên bàn và nói “ai ăn thì tự nấu”, bản thân thị cầm một gói bún đi nấu cho anh Sơn. Ăn xong, mọi người lại đi nhờ xe tải trở ra nhà ông Sang. Dọc đường đi anh Sơn bị ói mửa và kêu chóng mặt, nhức đầu. Vào nhà ông Sang nghỉ đến sáng 10-4, Sơn nói trong người không được khỏe nên mấy chị em đi trước còn anh và Lan ở lại, hẹn sẽ theo sau. Thế nhưng đến ngày 14-4, Nguyễn Thanh Tuấn nhận được tin Sơn đã chết, anh liền quay lại xã Thọ Sơn gặp Lan rồi cùng về Phú Giáo để lo đám tang cho anh mình.
(Còn tiếp)