Người đàn bà đi tù vì... chồng nghiện

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Sợ chồng nghiện ra ngoài rồi sinh sự mà phải vào tù, Quý tình nguyện làm thay chồng. Bỏ con nhỏ ở nhà với chồng, cô đón xe khách đi mua ma túy.

Biết nghiện vẫn quyết tâm lấy

Nếu không khoác trên người bộ quần áo phạm nhân, chẳng ai nghĩ Hồ Thị Quý, sinh năm 1987 ở thành phố Hòa Bình là một kẻ đang cải tạo trong trại giam. Nước da trắng ngần, ở Quý vẫn toát lên vẻ thanh thoát, chỉ đáng tiếc là người phụ nữ đẹp ấy lại hạn chế về nhận thức, để rồi phải vào tù vì những suy nghĩ mù quáng, nông cạn.

Quê Quý vốn ở mảnh đất Nho Quan, Ninh Bình, bốn mùa phèn chua nước lợ. Nhà nghèo, học xong lớp 9, Quý dạt về Hòa Bình kiếm sống rồi vướng lưới tình một con nghiện vừa mới đi tù về. Nhớ lại ngày đó, Quý bảo một phần tại cô mê mẩn sự từng trải, nét mặt phong trần của người yêu, một phần nữa cũng vì suy nghĩ nông nổi của lứa tuổi 15 đã khiến cô mạo hiểm với cuộc đời mình khi nghĩ rằng sẽ cảm hóa được người yêu đoạn tuyệt với ma túy. Chính vì cái suy nghĩ thiếu thực tế ấy mà Quý gạt bỏ tất cả những lời khuyên can, sánh bước cùng người yêu nghiện lên xe hoa để rồi phải trả giá bằng sự lỡ một, lầm hai.

“Nhà chồng em ở thành phố, kinh tế khá giả nên chuyện anh ấy mỗi ngày hít vài tép heroin không đáng gì nhưng lỗi là tại em không kiên quyết, nhún theo chồng”, Quý tâm sự.

Về làm vợ khi mới 16 tuổi, Quý chỉ có sự ngoan ngoãn và dại khờ nên cô không đủ cương quyết và khéo léo động viên chồng cai nghiện thành ra mỗi khi bị chồng chửi mắng những khi lên cơn “vật” thuốc, cô chỉ biết khóc. Ý tưởng dùng tình cảm làm chồng biến chuyển thành người chồng lương thiện không còn đọng trong tâm trí người vợ trẻ. Cô quyết định mang thai và hy vọng đứa con sẽ làm chồng tỉnh ngộ nhưng lại một lần nữa Quý sai lầm. Đứa trẻ chỉ khiến cô thêm vướng bận còn người chồng nếu như không muốn nhờ cô xin tiền bố mẹ, buộc phải ra vẻ yêu con thì gần như không đoái hoài gì tới con cái. Quý chỉ biết khóc. Bố mẹ chồng an ủi, đứa con khiến cô nguôi ngoai và những khi bế con ra ngoài chơi, bắt gặp cảnh những tốp người mặc áo tù đi lao động, Quý bỗng thấy rùng mình. Nhìn họ, cô liên tưởng tới chồng mình và sợ …

“Em đọc báo nghe đài thấy nói nhiều người vì nghiện quá, không có tiền mà trở thành kẻ cướp, sát nhân nên cứ tự nhủ rằng đừng bao giờ để chồng phải đói thuốc”, Quý kể về lý do dẫn dắt mình trở thành kẻ phạm tội.

Sợ chồng vướng vào vòng luẩn quẩn của những kẻ nghiện nên tiền bố mẹ đưa cho để chi tiêu bao giờ Quý cũng dành dụm một khoản cất đi, đề phòng những khi chồng không xin được tiền bố mẹ thì đưa cho anh ta. Thế nhưng nhu cầu của người nghiện chẳng khác nào cái miệng của gã khổng lồ tham lam, có một lại muốn hơn nữa, hơn nữa thành ra Quý có dè sẻn chi tiêu bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng. Xót tiền lại lo chồng ra ngoài đói thuốc rồi sinh sự, cô tự đi mua ma túy cho chồng. Ban đầu cô mua của những kẻ nghiện mua đi bán lại để lấy lãi hút hít, sau đó cô tìm đến những đại lý lớn hơn, mua hẳn vài tép về cho chồng sử dụng. Chưa dừng lại ở mức đó, Quý còn muốn mua tận gốc cho rẻ và những lần đó, cô thường để con nhỏ ở nhà cho bố mẹ chồng trông nom, đón xe khách lên tận Sơn La tìm mua ma túy cho chồng. Đi đêm lắm rồi cũng có ngày gặp ma, trong một lần lên Sơn La mua ma túy về phục vụ chồng, Quý bị bắt. Mặc dù chỉ là mua để chồng sử dụng, không phải buôn bán song với mấy chục tép heroin trong người, Quý vẫn là người vi phạm pháp luật, bị kết án 42 tháng tù giam.

Nghĩ đến con để cải tạo tốt

“Tại em nhu nhược quá chứ bình thường chồng em cũng không đến nỗi nào. Trừ những khi lên cơn nghiện ra thì anh ấy hiền lành lắm, cũng rất thương vợ, quý con, cũng đi làm như người bình thường”, Quý kể. Chẳng biết có phải vì thấy chồng “không đến nỗi nào” ấy nên cô đã nhân nhượng để rồi thương chồng đến mức đi mua ma túy về phục vụ anh ta.

Vì đang nuôi con nhỏ nên Quý được hoãn thi hành án tới khi con trai tròn 3 tuổi. Nuốt nước mắt trao con cho bố mẹ chồng để vào trại giam, đến lúc đó Quý mới hiểu thế nào là bồng bột. Vì nhà ở gần trại giam nên mỗi khi được ra ngoài lao động, Quý lại trùm khăn kín mít, sợ người thân, nhất là con trai vô tình nhìn thấy thêm đau lòng. Ngày Quý mới đi tù, thương đứa cháu lên ba đêm nào cũng khóc đòi mẹ, bố mẹ chồng Quý phải nói dối là cô đi chữa bệnh, sắp về. Những thông tin về đứa con nhỏ, nhất là những khi vô tình thấy con thơ thẩn chơi một mình, Quý lại ứa nước mắt thương con, giận mình. Cô bảo từ ngày vào trại giam, được học kiến thức pháp luật, kỹ năng sống rồi qua trao đổi với các bạn tù, cô đã hiểu biết được rất nhiều, cũng vì đó mà càng quyết tâm cải tạo tốt.

Năm 2012, sau 2 năm tích cực cải tạo, Quý được xét giảm thời gian thi hành án được 4 tháng, tính ra chỉ còn khoảng hơn một năm nữa là cô mãn hạn trở về. “Tháng nào gia đình em cũng vào thăm, em biết chồng em cũng tu tỉnh hơn trước nhưng dứt khoát lần này về, em phải cương quyết bắt anh ấy đoạt tuyệt hẳn với ma túy. Chỉ có làm người lương thiện thì cuộc sống của vợ chồng và con em mới thanh thản được”, giọng Quý chắc nịch. Dường như sau những sai lầm của mình, người mẹ trẻ nhiều đêm không ngủ được vì nhớ con đã hiểu ra giá trị của cuộc sống, khao khát trở về sau với mái nhà thân yêu của mình.

Vẫn còn quá trẻ với cái tuổi 25, thời gian trong tù đã giúp Quý lớn lên nhiều về nhận thức, về cuộc sống và tình người và hình ảnh đứa con nhỏ sẽ là động lực thôi thúc cô có đủ nghị lực để phấn đấu, sớm trở về với cuộc sống thường ngày. Quý đã ý thức được lỗi lầm của mình và trên quãng đường cải tạo đang mong muốn được làm lại từ đầu. Chỉ có điều những mong muốn ấy, những trải nghiệm ấy rất cần một nghị lực và sự quyết tâm lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lam Trinh (Công Lý)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN