Người đàn bà cứu chồng khỏi kiếp nô lệ
Gần 30 năm sống quanh quẩn với nương rẫy, bản làng, chị Giàng Thị Dúa không ngờ có một ngày phải lội suối băng rừng, đi bộ hàng trăm cây số sang tận bên kia biên giới. Kể về hành trình cực nhọc, nguy hiểm ấy, chị Dúa bảo do không còn lựa chọn nào khác. Bởi nếu không mạo hiểm, chị có thể vĩnh viễn mất Hoàng Seo Hồ, người chồng vì muốn kiếm tiền nuôi vợ con mà rơi vào cảnh bị lừa gạt, bắt lao động như nô lệ ở Trung Quốc.
Một mình lập kế hoạch cứu chồng
Hơn một tháng đã trôi qua, nhưng chuyện chị Giàng Thị Dúa một mình qua biên giới tìm và cứu được chồng về vẫn được người dân trong thôn Xán Chải (huyện Si Ma Ca, Lào Cai) truyền tai nhau như một giai thoại tình yêu đầy cảm động. Trên con đường núi gồ ghề đá sỏi, người cán bộ xã dẫn đường cho phóng viên đến nhà chị Dúa bảo rằng: “Dạo ấy, nghe chuyện Dúa một mình sang Trung Quốc, chúng tôi chẳng ai dám tin. Bản tính bó bao lâu nay hiền lành, nhút nhát, chưa bao giờ đi xa khỏi bản làng. Vậy mà nghe tin chồng mất tích, Dứa lại dám liều lĩnh đến thế”.
Chiếc xe Minsk dừng trước cổng nhà chị Dúa khi trời chiều đã khuất sau rặng núi, chúng tôi cất tiếng gọi khi thấy chị đang lúi húi chẻ củi nấu cơm bên hông nhà. Nghe cán bộ xã bảo có nhà báo đến hỏi chuyện tìm chồng, chị Dúa cười tươi rói, mở cửa mời chúng tôi vào. Yên vị trên thềm ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, chị Dúa kêu đứa con trai xuống bếp phụ nồi ngô đang nấu dở rồi bắt đầu vào chuyện: “Tin anh Seo Hồ bị ép đi làm bên Trung Quốc bay về khiến gia đình tôi cứ như cơn ác mộng. Lúc đó, chỉ thấy thương, thấy nhớ Hồ mà cái chân nó thôi thúc mình phải đi tìm chồng”. Rồi không cần chờ chúng tôi hỏi thêm, câu chuyện ký ức được chị lần lượt gợi lại, rõ ràng, chi tiết như một thước phim quay chậm.
Chị Dúa kể, vợ chồng trước đây quanh năm sống nhờ bám nương, làm rẫy. Cuộc sống nghèo khổ và cực nhọc của hai vợ chồng cứ thế trôi qua cho đến khi các con lớn và đến tuổi đi học. Vì thương con, không muốn chúng nghèo khổ, thất học như mình, anh Hồ quyết định rời bản làng đi làm thêm kiếm tiền. Chị tâm sự: “Hồi ấy, tôi chỉ biết anh Hồ đi theo sự giới thiệu của một số người đồng hương. Họ nói sang Trung Quốc làm thuê được trả 40 nhân dân tệ/ngày (khoảng 140 nghìn đồng - PV). Số tiền ấy, nếu chỉ ở nhà làm nương, làm rẫy thì đúng là một giấc mơ. Vậy là sau Tết Nguyên đán, tôi động viên anh Hồ lên đường mà không hề biết, những ngày đen tối đang chờ chồng phía trước”.
Ban đầu, cứ làm được ít ngày thì anh Hồ còn về thăm gia đình. Chị Dúa chỉ biết địa chỉ khu chồng làm việc là ngã ba sông Trắng (giáp ranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc) và tại công trường bên kia còn 4 người cùng xã Sán Chải nữa. Thời gian đó, dù công việc vất vả, nhưng thấy anh Hồ nói lương bổng được trả đầy đủ, chị cũng tạm yên lòng. Nhưng thời gian trôi đi, thấy anh Hồ không về thăm nhà nữa, tin tức cũng bặt hẳn. Buồn bã, lo lắng, chị Dúa bỏ cả chuyện lên nương rẫy. Mỗi buổi chiều, trông theo bóng chim rừng có đôi, có cặp dìu nhau về tổ, chị lại rơi nước mắt tưởng tượng chuyện xấu nhất xảy ra với chồng.
Anh Hoàng Seo Hồ (ở giữa), người may mắn được giải cứu khỏi kiếp nô lệ nơi xứ người.
Rồi đến ngày gặp anh Thào Seo Nhà (người xã Nán Sán) chị mới hay chồng đã bị những kẻ xấu đưa sâu vào nội địa Trung Quốc. “Anh Nhà kể chính anh cũng bị bắt đến đó cùng chồng tôi. Tại đây, họ phải làm công việc cực nhọc mà không được trả một đồng nào. Hễ ai đòi trả lương, chúng dọa giết. Ai bỏ trốn bị bắt lại, chúng đánh đập vô cùng tàn nhẫn. Bản thân anh Nhà cũng chỉ may mắn trốn thoát, nhờ một lần chúng sơ hở canh phòng khi đưa về ngã ba Sông Trắng làm việc”, chị Dúa nhớ lại.
Cú lừa tàn nhẫn của gã lái trâu
Tối hôm ấy nằm trên giường trằn trọc, chị rơi nước mắt nhìn đàn con nhỏ nheo nhóc. Những suy nghĩ vẩn vơ “rồi các con sẽ ra sao khi không còn bố” khiến chị thấy tim mình như bị ai đâm muôn ngàn vết dao. “Giữa bao nhiêu suy nghĩ ùa về, tôi vừa tự nhủ sẽ thay anh Hồ trở thành trụ cột cho đàn con trông vào, vừa nung nấu quyết tâm phải đi tìm bằng được chồng. Chỉ nghĩ được đến thế, sáng hôm sau tôi dậy sớm đi bán con ngựa lấy 5 triệu đồng, bán thêm ít thóc được 500 nghìn đồng nữa làm lộ phí rồi quyết định đi tìm để đưa Hồ về”, chị Dúa bồi hồi kể.
Từ nhỏ đến lớn chưa một lần đi ra khỏi bản, chị Dúa phải nhờ bố đẻ dẫn đường đến khu vực biên giới với hy vọng tìm chồng. Mấy chục cây số đường rừng núi ghập ghềnh, biết bao lần người phụ nữ dân tộc đã phải gục xuống vì mệt mỏi, kiệt sức. Những lúc ấy, hình ảnh người chồng chưa biết tung tích lại hiện về động viên chị cố gắng gượng dậy tiếp tục hành trình. “Nhưng lần ấy, gần đến khu vực đồn biên phòng, chuẩn bị làm thủ tục qua biên giới thì một biến cố bất ngờ xảy đến. Ngay trên đường lớn gần cửa khẩu, cha con tôi tình cờ gặp một người cùng xã từng đi với chồng tôi sang ngã ba Sông Trắng làm công nhân lúc trước. Níu lại hỏi chuyện, người này thương tình cho tôi địa chỉ của một tay buôn trâu tên Diêu, người xã Cốc Phà (cách không xã nơi chị Dúa ở - PV) và bảo cứ tìm gặp hắn là có hy vọng tìm chồng. Mãi sau này tìm hiểu, tôi mới biết, Diêu chính là một trong những người Việt hiếm hoi có mối quan hệ thân cận, chuyên gom người sang làm việc cho gã chủ bên ngã ba Sông Trắng”.
Tức tốc quay ngược về xã Cốc Phà gặp Diêu, chị Dúa được hắn nối điện thoại cho gặp gã chủ. Điều khiến chị ngạc nhiên là hắn nói tiếng dân tộc của chị rất sõi. “Lúc đó, tôi hỏi qua điện thoại rằng”: “Có phải ông đã chuyển Hoàng Seo Hồ vào sâu trong nội địa làm hay không”. Chẳng cần giấu diếm, hắn xác nhận rồi dọa dẫm lại: “Bây giờ cô muốn gì? Nếu muốn đón chồng về thì coi như anh ta phá hợp đồng, chúng tôi sẽ bắt bồi thường”. Tôi vừa đồng ý thì hắn nói thẳng: “Muốn đón về, cô phải nộp cho tôi 5 triệu đồng”, chị Dúa vừa kể, vừa nhớ lại sự phân vân của mình trong khoảnh khắc quan trọng này. Lúc đó, dù chưa bao giờ tiếp xúc thế giới bên ngoài, chị cũng hiểu 5 triệu đồng ấy thực chất là khoản tiền hắn bắt chi ra chuộc anh Hồ. Nhưng trong tình thế ngặt nghèo, chị biết đây là hy vọng duy nhất để cứu chồng nên đành chấp thuận. Thỏa thuận xong, hắn yêu cầu tôi phải nộp tiền qua Diêu và không quên dọa dẫm: “Nếu không đủ tiền, đừng mong gặp lại chồng”, chị Dúa kể.
Không dám làm trái với ý của gã chủ, đúng 12h trưa hôm sau, chị mang 5 triệu tiền bán ngựa xuống nộp cho gã buôn trâu. Nhưng về nhà chờ đợi suốt hai ngày, chị cũng chẳng thấy bóng dáng chồng như tên chủ hứa hẹn. Sốt ruột quá, năm lần bảy lượt chị lại đến Cốc Phà tìm gã buôn trâu mình giao tiền những cũng chẳng thấy bóng hình. Bế tắc, tuyệt vọng, chị lại trở về nhà tự trách mình sao quá dễ tin người. Càng nghĩ, quyết tâm phải tìm bằng được chồng càng bùng cháy dữ dội. Còn hai thúng ngô giống để dành, chị Dúa quyết định đem bán nốt lấy hơn trăm ngàn rồi vay mượn thêm 5 triệu nữa lận lưng, đánh liều sang bên kia biên giới giáp mặt gã chủ một lần nữa.
Vào “hang cọp” cứu chồng
Rút kinh nghiệm từ lần mất tiền trước đó, chị Dúa nhờ bố ruột mình đưa đến ngã ba biên giới, làm thủ tục rồi lần theo địa chỉ chồng chị kể trước đây đến khu lao động ở ngã ba Sông Trắng. “Khi tới nơi, trời đã xế chiều nhưng tôi vẫn cố lân la dò hỏi để tìm gã chủ từng hứa hẹn thả chồng tôi về rôi thất hẹn. Tới khu nhà chỉ huy, thấy có hai bảo vệ dáng bặm trợn đứng gác trước cổng, tôi chắc mẩm đây chính là nơi chủ người Trung Quốc làm việc”, chị Dúa nhớ lại, Lúc đó, vì quá nôn nóng, hai cha con chị không kịp tính toán mà vội chạy lại. “Phải nhờ bố tôi trình bày một lúc, hai tên mới hiểu tôi muốn gặp ông chủ và đồng ý cho vào. Dù thế, để đảm bảo an toàn, chúng buộc bố tôi ở lại ngoài cửa. Thời điểm ấy, gã chủ đang đi vắng, tôi phải đứng đợi suốt một giờ đồng hồ bên ngoài hành lang. Khoảng thời gian dài như vô tận ấy, trong đầu tôi tự đặt ra hàng nghìn câu hỏi: Liệu hắn là người như thế nào (?), liệu hắn có hung dữ (?) hay có chịu chỉ chỗ chồng tôi đang làm việc hay không (?)… Còn đang suy nghĩ, thì tôi chợt thấy gã chủ lững thững tiến lại. Nhìn thoáng qua bộ dạng dữ dằn, bặm trợn ấy, tim tôi đập thình thịch”, chị Dúa kể.
Đối mặt với người vợ tội nghiệp, gã chủ hỏi thẳng chị Dúa tìm đến làm gì. Bao nỗi oan uất ức dồn nén bộc phát, chị òa khóc đòi hắn thả chồng mình về với gia đình. Nghe đến đấy, gã chủ lớn tiếng quát tháo, lặp lại yêu cầu chị phải trả 5 triệu đồng, nếu không dứt khoát không thả Hoàng Seo Hồ. Hắn còn một mực khẳng định: Mấy ngày qua chưa hề nhận được bất kỳ khoản tiền nào như chị Dúa hứa hẹn. Lời gã chủ với người phụ nữ tội nghiệp chẳng khác nào “sét đánh ngang tai”. Giờ phút này, chị cay đắng nhận ra tay buôn trâu gian xảo kia đã “nuốt trọn” số tiền bán ngựa của chị. Muốn cứu chồng, chị không còn cách nào khác là tiếp tục chi tiền cho gã chủ người Trung Quốc.
Nhận tiền xong, gã chủ lại bảo chị về nhà đợi và hứa một tuần sau sẽ thả người. Nhưng rút kinh nghiệm lần trước, chị Dúa nhất quyết đòi phải tự đi gặp mặt chồng. Lưỡng lự một chút, gã chủ mới đồng ý. “Hắn bảo tôi nghỉ lại một đêm dưới lán công nhân rồi hôm sau sẽ theo xe vào sâu trong nội địa. Nghe đến đó, tôi rất lo bởi lỡ như hắn ép mình vào đó rồi không cho về nữa thì những đứa con ở nhà đã không còn cha sẽ mất thêm cả mẹ. Nhưng “trót đâm lao phải theo lao”, tôi nhắn lại bố quay về trước. Trằn trọc cả đêm không ngủ, tờ mờ sáng hôm sau tôi cùng một số công nhân vượt hàng trăm cây số đường đất nữa đến một xưởng gỗ nằm sâu trong nội địa. Xưởng gỗ ấy giống như một nhà tù hơn là nơi sản xuất. Không chỉ kín cổng cao tường, tôi thấy phía ngoài lúc nào cũng có hai bảo vệ lăm lăm vũ khí canh gác. Những người công nhân bị ép đến đây làm việc ngày ngày phải xúc mùn cưa, bê gỗ, cắt xẻ… từ sáng sớm đến đêm khuya. Hôm tìm đến nơi cứu chồng, tậm mắt tôi nhìn thấy một người công nhân bị cai đánh đập dã man vì bỏ trốn. Cũng may là trường hợp của chồng tôi, lão chủ Trung Quốc đã giữ lời hứa”, chị Dúa cho biết. Sau khi đến nơi, chị được một tay quản lý dẫn vào phòng chờ và thông báo đã nhận điện thoại thả anh Hoàng Seo Hồ.
Giây phút vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chị Dúa rơi nước mắt khi thấy chồng đen đúa, gầy rộc vì làm việc quá sức. Lúc ấy, dù đã 21h đêm, hai vợ chồng vẫn nắm tay nhau chạy một mạch ra ngoài vì sợ “không may chúng đổi ý giữ lại”. Lạ lẫm nơi đất khách quê người, may nhờ anh Hồ biết chút tiếng Trung, hai vợ chồng mới hỏi thăm và biết đây vùng ven thị trấn Văn Sơn. Trong người không còn một chút tiền, họ cứ thế nhằm hướng Nam, vừa đi vừa hỏi dò suốt 5 ngày ròng rã mới về được đến đồn biên phòng cầu cứu.
Khép lại câu chuyện về một hành trình dài gian khổ, chị Dứa đúc kết: “Bây giờ, vợ chồng đoàn tụ và bình yên rồi. Cuộc sống sau này dù nghèo, vất vả, tôi cũng quyết không bao giờ để anh ấy sang Trung Quốc làm thuê nữa. Bám nương, bám rẫy, nếu thiếu ăn thì cố gắng chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Tôi tin vợ chồng mình có thể làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương”.
Nhức nhối lao động tự phát qua biên giới
Theo thống kê của Huyện ủy Si Ma Cai, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2003, toàn huyện có 395 người rời quê hương, trong đó có 210 người sang Trung Quốc làm thuê. Ông Lý Seo Vảng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Si Ma Cai cho biết: “Qua khảo sát và nắm tình hình thì những người đi làm thuê chỉ mang tính tự phát”. Cũng theo ông Vảng, vấn đề lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê bị lừa gạt, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là ở những xã biên giới. Ông nhấn mạnh: “Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quản lý dân chưa tốt, chúng tôi đã và đang chấn chỉnh vấn đề này”. |