Người chuyên bắt tội phạm "trên trời"

Sự kiện: Tin pháp luật

Là điều tra viên đầy kinh nghiệm của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), năm 2013 Thượng tá Ngô Minh An được lãnh đạo Công an TP Hà Nội bổ nhiệm làm lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CSPCTPCNC). Tại đây, anh cùng đồng đội đã phá nhiều vụ án lớn, bắt hàng loạt tội phạm cộm cán trên mạng Internet…

Trong hàng chục năm công tác tại Phòng CSHS, Thượng tá Ngô Minh An đã tham gia điều tra, phá nhiều vụ án thuộc loại “khó nhằn” như vụ sát hại 3 người bằng mìn tại Tiên Dược, Sóc Sơn xảy ra vào tháng 10-2003. Đặc biệt vụ án giết người đốt xác tại ngõ chùa Liên Phái (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Thượng tá An đã dày công thuyết phục khiến kẻ thủ ác buộc phải thú nhận tội ác ghê rợn.

Người chuyên bắt tội phạm "trên trời" - 1

Thượng tá Ngô Minh An.

Đêm ngày 7 rạng 8-2-2007, tại số nhà 16 ngách 68 ngõ chùa Liên Phái (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng) xảy ra một vụ hoả hoạn lớn. Trong đám tro tàn, người ta phát hiện một thi thể phụ nữ bị cháy đen. Nạn nhân nhanh chóng được xác định là bà Nguyễn Thị Minh Ngân (SN 1969, là hộ lý Bệnh viện Phụ sản Hà Nội).

Ngay sau khi vụ án xảy ra, một ban chuyên án đã được thành lập bao gồm lực lượng điều tra hình sự  Công an quận Hai Bà Trưng. Tiến hành khám nghiệm hiện trường và tử thi, cơ quan chức năng phát hiện trong phổi nạn nhân không hề có khói. Như vậy nhiều khả năng đây không phải là một vụ hỏa hoạn thông thường mà là một vụ giết người.

Suốt gần một tháng trời, hàng trăm trinh sát đã được tung ra rà soát khắp các khu vực tình nghi ở phường Ô Cầu Dền, dựng lại hành trình của bị hại và tất cả các đối tượng tình nghi vào trước đêm xảy ra vụ án… Cho đến ngày 7-3-2007 thì các trinh sát tìm thấy một “điểm sáng”. Đó mà mối quan hệ tưởng như mờ nhạt giữa nạn nhân và một bác sĩ làm việc tại Khách sạn Điện lực. Vị bác sĩ này là Trần Chí Công (SN 1965, trú tại số 9 ngõ 15 Lương Khánh Thiện, phường Tương Mai, Hai Bà Trưng).

Qua nghiên cứu kỹ hồ sơ của đối tượng, Thượng tá An nắm được năm 1978, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Công thi đậu Trường đại học Y Hà Nội. Ra trường, Công về quê công tác tại Sở Y tế Hải Dương. Đến năm 1986, Công chuyển lên Hà Nội, làm việc tại Viện Khoa học Lao động. Một năm sau, Công nghỉ làm xin đi lao động ở Đức.

Năm 2002, vợ Công qua đời vì bệnh ung thư, để lại cho Công 2 đứa con nhỏ. Cả 2 con của Công đều ngoan và học giỏi. Sau khi vợ mất, Công xin được việc làm ổn định tại  Khách sạn Điện lực Hà Nội. Tưởng như cuộc sống của ba cha con sẽ trôi đi một cách yên bình, hạnh phúc. Nhưng cũng kể từ đó, Công lao vào cờ bạc và những mối quan hệ bồ bịch, trăng hoa. Công mắc nợ và ở trong thế cùng quẫn…

Đặc biệt, điều tra viên phát hiện ra Công rất sợ… mất nhà - ngôi nhà hiện tại mà Công đang sống. Công sợ mình đi tù thì hai con sẽ bơ vơ, phải ra đường… Rõ ràng theo pháp luật thì Công phải chịu trách nhiệm về cái chết của chị Ngân, phải bồi thường những tổn thất về vật chất và tinh thần cho người thân của chị - song ngôi nhà Công đang ở hẳn nhiên là sẽ không thể bị kê biên.

Điều tra viên đã hứa với Công, thậm chí hứa trước mặt con gái Công rằng anh sẽ đứng ra bảo lãnh về chuyện căn nhà. Điều tra viên cũng nhờ người thân tác động tâm lý để Công hiểu được tội lỗi của mình gây ra, “sự thật luôn là sự thật” và sớm muộn gì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Một số trinh sát đã không thể chịu được bởi tính khí “sáng nắng chiều mưa” của Công. Tuy nhiên, Thượng tá An vẫn kiên trì với chiến thuật của mình. Thấy Công mặc áo phong phanh, anh cởi áo của mình mặc cho hắn; hai bàn chân Công tím ngắt vì lạnh, anh cúi xuống đi tất cho Công. 

Một vài giờ nữa trôi qua, Công vẫn trong tình trạng “đấu tranh tư tưởng” là khai hay không khai. Có lẽ vì thế mà huyết áp của Công tăng đột ngột. Công bủn rủn tay chân rồi nằm quay lơ ra đất. Điều tra viên vội gọi cho nhân viên y tế đến tiêm thuốc hồi sức cho Công, và Thượng tá An vẫn kiên nhẫn ngồi  đợi Công tỉnh.

Điều tra viên dùng khăn ấm lau chân lau tay cho Công, lại đi mua một bát phở nóng cho Công ăn. Ăn xong, có lẽ Công nghĩ không nên và cũng không thể che giấu tội ác của mình nữa. Công đã viết những dòng đầu tiên: “Tôi là Trần Chí Công. Tôi đã giết chị Ngân để nhằm cướp tiền…”. Như vậy là sau nhiều giờ đấu trí căng thẳng, Công đã phải khuất phục.

Tháng 8-2013, trên cương vị mới - Phó trưởng phòng CSPCTPCNC - anh đã cùng đồng đội làm tốt công tác tham mưu cho Công an TP về các vấn đề an ninh mạng, quản lý phòng ngừa đồng thời tổ chức điều khám phá xử lý tội phạm công nghệ cao. Nhiều đối tượng hoạt động trên mạng, tưởng “không bao giờ bị sờ tới” cuối cùng vẫn bị phát hiện, bắt giữ.

Tháng 4-2014, các trinh sát nhận được thông tin, trên địa bàn huyện Thanh Trì xuất hiện một nhóm người Trung Quốc thường la cà, gạ gẫm một số lái xe taxi các hãng có đặt máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng của ngân hàng gắn trên xe taxi) cho họ sử dụng thẻ tín dụng thanh toán khống cước taxi, sau khi rút được tiền sẽ “ăn chia” phần trăm cho lái xe.

Người chuyên bắt tội phạm "trên trời" - 2

Nhóm đối tượng người Trung Quốc chiếm đoạt tài sản bằng thẻ tín dụng giả bị bắt giữ.

Phối hợp điều tra, xác minh thông tin, tối 22-4 khi nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi rút tiền với phương thức trên đã bị cơ quan Công an bắt giữ. Ổ nhóm người Trung Quốc gồm: Phương Quảng Thuận (SN 1983), Dư Chí Hùng (SN 1989), Lâm Bằng (SN 1975) và Trần Sách Kiến (SN 1978).

Khám xét nơi ở của các đối tượng cơ quan Công an thu giữ nhiều thiết bị dùng để sản xuất thẻ tín dụng giả gồm: 1 máy laptop có chứa các thông tin “CC chùa”, 1 máy ghi dữ liệu lên dải từ phôi thẻ tín dụng, 1 máy dập nổi thông tin trên thẻ tín dụng, 109 thẻ tín dụng các loại.

Các đối tượng khai hoạt động từ tháng 2-2014. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, bọn chúng sử dụng thẻ tín dụng giả (thẻ Visa, Master có chứa thông tin tài khoản trộm cắp của người nước ngoài - “CC chùa”), thanh toán qua máy POS để rút tiền mặt chiếm đoạt.

Phối hợp với Ngân hàng Vietcombank kiểm tra, chỉ tính từ 16-4 đến khi bị bắt, cơ quan Công an phát hiện nhóm này đã thực hiện 95 giao dịch quẹt thẻ, trong đó có 56 giao dịch thành công, chiếm đoạt trên 54 triệu đồng.

Tháng 8-2015, Thượng tá An cùng đồng đội đã tổ chức điều tra, bắt giữ đối tượng Vương Trọng Sơn (SN 1990, trú tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) chuyên lừa đảo trong việc mua bán tài khoản Google Adsense. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, Sơn đã chiếm đoạt được nhiều tài khoản Google Adsense, gây một cơn "chấn động" không nhỏ đối với cư dân kiếm tiền trên mạng.

Việc đăng ký để trở thành đối tác quảng cáo cho Google (để có một tài khoản Google Adsense) đối với một blogger không phải là điều đơn giản. Và phải chờ ít nhất 3 tháng để Google xác nhận xem có cấp tài khoản Google Adsense cho chủ site đó hay không.

Cũng chính vì thế nên có không ít những chủ blog, website muốn "đi tắt" bằng cách mua lại tài khoản của người khác. Nhưng việc mua bán này luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người mua. Đầu tiên, nếu người mua không cẩn thận trong việc giao dịch, người bán hoàn toàn có thể sử dụng các phương thức khôi phục mật khẩu để lấy lại tài khoản Google Adsense từ tay bạn.

Tiếp nhận đơn trình báo của bị hại, Phòng PC50 đã tổ chức điều tra. Các trinh sát được lệnh theo dõi mọi di biến động của Facebook Hoàng Văn Sơn.

Cũng theo Thượng tá An, Sơn từng công tác tại một công ty viễn thông. Với những kiến thức về công nghệ thông tin, Sơn thường lập các website hướng dẫn các thủ thuật về mạng máy tính; website đăng tải các clip "hot" được nhiều người truy cập. Từ các website này, Sơn "apply" được tài khoản Google Adsense.

Cũng qua việc tham gia vào các group trên mạng xã hội, các diễn đàn tin học… Sơn biết được nhu cầu mua bán các tài khoản Google Adsense; đồng thời cũng biết được cách thức chiếm đoạt các tài khoản Google Adsense bằng việc sử dụng phần mềm Team Viewer. Sau đó, Sơn đã lập được một tài khoản tên "Shaiya50" và "chuyendungsony" để thực hiện hành vi phạm tội.

Có thể nói Sơn là kẻ rất lọc lõi trong việc giao dịch trên mạng Internet. Người mua bị Sơn lừa đã đành, kể cả người bán, người nhờ Sơn tư vấn để lập tài khoản, fix lỗi… đều bị Sơn chiếm đoạt. Ngoài vụ chiếm đoạt tài khoản Google Adsense của anh Phạm Văn G., Sơn còn gây ra nhiều vụ lừa đảo khác. Với những hành vi của mình, Sơn đã phải trả giá đắt.

Quá khứ lỗi lầm của người đàn ông 10 năm chạy xe ôm miễn phí

Suốt 10 năm qua, anh Nguyễn Văn Thuận đã lặng lẽ chở không biết bao nhiêu chuyến xe ôm miễn phí cho những người khách nghèo......

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Chi (An ninh thế giới)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN