Người 16 năm "vác tù và" trong vụ án Huỳnh Văn Nén

"Khi Nén ra khỏi trại, Nén đến ôm tôi, tôi nghẹn lời… tôi không nói được gì cả. Cảm giác cho đến bây giờ vẫn lâng lâng...", ông Nguyễn Thận, người cùng gia đình ông Huỳnh Văn Nén đi tìm sự thật trong vụ án.

Ước muốn 15 năm…

Chiều 22.10, ông Huỳnh Văn Nén (54 tuổi, nghi can trong vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra vào năm 1998 tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) được tại ngoại sau hơn 17 năm bị giam giữ.

Khi ông Nén bước ra khỏi cổng trại giam của Công an tỉnh Bình Thuận, một trong những người đầu tiên ông chạy tới ôm thật chặt là ông Nguyễn Thận - Chủ tịch xã Tân Minh vào thời điểm vụ án xảy ra. Ông Thận là người "vác tù và" trong vụ án Huỳnh Văn Nén, bởi suốt 16 năm, ông đã gác việc gia đình, đi kêu oan cùng với cha ông Nén - không họ hàng thân thích gì với mình.

Người 16 năm "vác tù và" trong vụ án Huỳnh Văn Nén - 1

Ông Nguyễn Thận - người 16 năm theo đuổi kêu oan trong vụ án Huỳnh Văn Nén.

Kể lại với phóng viên Infonet về giây phút đó, ông Thận vẫn chưa hết xúc động. “Vụ án kéo dài từ khi tôi còn làm chủ tịch xã. Vì nó xảy ra trên địa bàn nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm của người chủ tịch. Phần khác cũng vì tôi nắm bắt được các thông tin mà có những thông tin biểu lộ dấu hiệu oan sai, đặc biệt là các đơn thư tố cáo chưa được làm rõ” - ông Thận nói.

Chính vì những khúc mắc mà ông nắm được, cuối năm 1999 ông đã “khởi động làm vụ án vườn điều và vụ án Huỳnh Văn Nén”. Sau đó “vụ án vườn điều” đã bị đình chỉ điều tra, 3 cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã phải tổ chức xin lỗi công khai 8 người bị kết án oan (riêng ông Nén vẫn phải thi hành án ở vụ giết bà Lê Thị Bông).

“Hôm qua, khi đứng trước trại giam chờ đón giây phút Nén được thả, phải nói rằng cảm giác của tôi khó tả… không diễn tả được… Dù theo thông tin mà cơ quan điều tra cho biết thì sẽ được bảo lãnh nhưng vụ án vẫn còn tiếp tục” - ông Thận kể lại.

“Khi Nén ra khỏi trại, khi Nén đến ôm tôi, tôi nghẹn lời… tôi không nói được gì cả. Cảm giác cho đến bây giờ vẫn lâng lâng, anh hỏi cảm giác bây giờ tôi cũng không biết nói sao…” - ông Thận vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại.

Vì sự kiện bất ngờ đó đến hai đêm sau ông Thận vẫn không tròn giấc mà theo ông là vì “sung sướng quá, vì ao ước có một ngày mà công lý được sáng tỏ”. Ông cho biết mình như trút được gánh nặng sau bao nhiêu năm đeo đuổi với biết bao khó khăn, cực nhọc.

“Nén là một con người yếu thế, chỉ là một người bình thường vẫn làm thuê bốc xếp, nhưng khi thân phận pháp lý của Nén được tháo gỡ, tôi cảm thấy sung sướng không thể tả được” - ông Thận tiếp tục.

Và cũng chính từ hàng chục lần lần ngược xuôi vào Nam ra Bắc gửi đơn khiếu nại giữa ông và gia đình Huỳnh Văn Nén dường như đã trở thành ruột thịt. “Tôi và gia đình Nén không phải bà con, nhưng gần như đã hòa trộn với nhau rồi” - ông nói.

Nhắc đến cụ Huỳnh Văn Truyện - người cha 91 tuổi của ông Nén, ông Thận cũng xúc động đến trào nước mắt.

Theo ông Thận, ngay sau khi biết tin ông Nén được tại ngoại, cụ Truyện đã lọ mọ một mình bắt xe từ Cà Mau khi trời đã khuya và đến 9h ngày 23.10 thì có mặt ở xã Tân Minh để gặp con trai.

“Bao nhiêu năm sát cánh cùng với cụ, tôi biết rất rõ rằng cụ không sợ chết, nhưng vì vợ cụ đã qua đời cho nên ao ước của cụ là ngày còn sống sẽ được đón Nén về trong vòng tay của mình. Đến bây giờ cụ Truyện và Nén đang ngồi ở nhà tôi thì đó là mơ ước bao năm nay, một cảm giác khó nói bằng lời” - ông Thận thuật lại.

Người 16 năm "vác tù và" trong vụ án Huỳnh Văn Nén - 2

Cụ Huỳnh Văn Truyện - cha ruột ông Nén. Ảnh: Nguyễn Thận

Về tình hình sức khỏe của ông Nén, theo ông Thận thì có lẽ việc được tại ngoại đã làm tinh thần ông Nén phấn chấn hơn rất nhiều do đó thần sắc rất tươi, phấn khởi. “Theo tôi cảm nhận thì sức khỏe ông Nén không có vấn đề gì, chỉ có con mắt bên phải mờ hẳn, nhưng bác sĩ nói có thể mổ được và không sao” - ông Thận vui vẻ cho biết.

“Rõ ràng hiện nay ông Nén mới chỉ được tại ngoại và vụ án chưa kết thúc. Bây giờ khi được hỏi ông Nén vẫn kêu oan và khẳng định không có liên quan gì trong đó. Do vậy, tới đây tôi sẽ tiếp tục cùng gia đình ông và các luật sư theo đuổi cho đến khi ông Nén được minh oan” - ông Thận nói về những dự định sắp tới.

Án chồng án

Nãm 1993, bà Dương Thị Mỹ (ngụ xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị giết chết tại một vườn điều gần nhà. Tuy nhiên sau đó do không tìm ra thủ phạm nên Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ vụ án.

Ðêm 23.4.1998, tại xã Tân Minh lại xảy ra một vụ giết người, nạn nhân là bà Lê Thị Bông. Tới tháng 5 ông Nén bị bắt giam và sau đó khai nhận hành vi giết bà Bông, ngoài ra còn cho biết mình và 8 người khác trong gia đình đã sát hại bà Mỹ.

Vụ án bà Mỹ được phục hồi điều tra, tuy nhiên sau đó tiếp tục bị đình chỉ do cơ quan điều tra không tìm được chứng cứ buộc tội. 8 người trong gia đình được xin lỗi và bồi thường công khai. Tuy vậy ông Nén vẫn phải thụ án trong vụ bà Lê Thị Bông.

Người 16 năm "vác tù và" trong vụ án Huỳnh Văn Nén - 3

Ông Nén và vợ sau ngày được tại ngoại. Ảnh: Nguyễn Thận

Hồ sơ vụ án bà Lê Thị Bông cho thấy, tối 23.4.1998, ông Huỳnh Văn Nén đi uống rượu cùng hai người bạn. Ðến khi ra về thì ông này nảy sinh ý định đến nhà bà Lê Thị Bông trộm tài sản.

Khi tới nơi, ông Nén dùng dây siết cổ bà Bông đến bất tỉnh và lột chiếc nhẫn vàng rồi đi chỗ khác nằm ngủ. Tuy nhiên, sáng hôm sau ông Nén phát hiện số vàng cướp được đã mất.

Ngày 31.8.2000, ông Nén bị tuyên án “chung thân”. Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã quyết định đình chỉ vụ án. Cũng trong thời gian này, một người khác đã làm đơn tố cáo danh tính của hai người mà anh này cho rằng đó mới là hung thủ sát hại bà Bông.

Cuối tháng 10.2014, VKSND Tối cao kháng nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND Bình Thuận và đề nghị TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm vụ án.

Trong thời gian bị tạm giam ông Nén cho biết mình đã bị đánh đập, ép cung nhiều lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Cường (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN