Nghiệt ngã.... đời “cave”

Kết quả khảo sát mới đây của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, trong nhóm đối tượng là gái mại dâm được phỏng vấn, có tới gần 25% đã từng từ bỏ hoạt động mại dâm, nhưng sau đó lại tiếp tục quay trở lại hành nghề; gần 38% vẫn muốn tiếp tục duy trì “công việc”. Có nhiều nguyên nhân khiến họ không muốn bỏ “nghề”, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do yếu tố về kinh tế.

Tâm lý sợ sự khinh miệt mình từng là gái bán dâm, không nghề nghiệp, về quê cũng chẳng biết làm gì… cũng là nguyên nhân khiến nhiều gái mại dâm chưa muốn “rửa tay gác kiếm”

Dòng đời đưa đẩy nhiều cô gái trẻ vùng cao sa kiếp “buôn phấn bán hương”. Triền miên trong những ngày tháng tủi buồn, quá khứ, hiện tại và cả tương lai là một bức tranh nhuốm màu u tối.

Về Xuân Thành (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) – nơi được coi là “thiên đường sung sướng” khét tiếng ở dải đất miền Trung, lòng ám ảnh với ánh mắt buồn của các cô sơn nữ…

“Thiên đường sung sướng”

Xuân Thành, địa điểm du lịch “nóng bỏng” thuộc dạng nhất nhì miền Trung. Hoạt động mại dâm tại đây diễn ra gần như công khai, thách thức chính quyền. Mặc cho những nỗ lực của cơ quan chức năng nhiều lần truy quét, nhưng được một thời gian, tình hình đâu lại vào đấy.

Dân chơi vẫn thường truyền tai nhau, “về Xuân Thành mà ăn “rau sạch”! Nhiều đại gia các tỉnh lân cận xem đây như “điểm hẹn”, thường kéo về “liên hoan” mừng những thương vụ thành công, hay “giải đen” sau những phi vụ làm ăn không như ý. Dù xui hay mừng, thì “món chính” mà các đại gia ưa thích vẫn là những cô sơn nữ “măng non” đến từ các huyện vùng cao. “Hàng” ở đây sẵn, đủ lứa tuổi, dung nhan, tha hồ cho “thực khách” lựa chọn!

Nhà nghỉ, khách sạn nằm san sát. Mỗi quán nuôi vài “em”, số lượng kể cũng nhiều. Đa số những cô gái hành nghề mại dâm chuyên nghiệp tại đây đều còn khá trẻ, là “hàng tuyển” từ các địa bàn miền núi của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Chỉ cần “yêu nghề”, chịu khó “cày”, tiền sẽ vào như nước. Nhưng, tiền liệu có mua được chút khoảng lặng tâm hồn bình yên!?

Muôn lý do

Diễm ngồi trong căn phòng nhỏ, đôi mắt vô hồn hướng về phía biển xa. Ngoài kia, sóng vỗ rì rào, nhưng lòng cô trống rỗng. Quá khứ buồn thương của những ngày tháng chưa xa ùa về thổn thức.

Quê Diễm tít mãi huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Cái xứ nghèo hun hút, tít tắp xa, nhưng tình quê ấm áp. Tuổi thơ êm đềm trôi đi bên những tiếng sáo, điệu khèn, những đêm trắng hò hẹn.

Ngày đó, Diễm đẹp lắm. Cái vẻ mặn mà, đôi mắt đượm buồn khiến bao kẻ ngày đên thương thầm trộm nhớ. Đám trai bản đêm đêm thập thò ngoài ngõ, mong lọt mắt xanh. Diễm chọn Phong, chàng trai tuấn tú ở bản bên có giọng nói nhẹ nhàng như rót mật. Ngày tháng cơ hàn trôi đi bình yên, mái nhà nhỏ đơn sơ không lúc nào nguôi những nụ cười vui tíu tít.

Rồi, chẳng hiểu từ lúc nào, cha Diễm sa đà vào rượu chè. Rượu nốc liên miên, người đàn ông từng là thần tượng, được vợ nể con thương, giờ chìm trong men say quên ngày tháng. “Ma men” biến ông thành một con người khác hẳn, cục cằn, thô lỗ.

Diễm và mẹ bị đánh liên miên. Những trận đòn roi vô cớ từ người cha nát rượu không thôi trút xuống đầu mẹ con người đàn bà tội nghiệp. Sách vở bị cha đốt sạch, không được đi học, Diễm ngày ngày nhìn chúng bạn cắp sách tới trường, mặt buồn rười rượi.

Mẹ Diễm chịu không nổi những trận đòn từ chồng, tinh thần u uất, ra đi vào một chiều đông. Hôm tiễn đưa người mẹ cơ khổ về với đất, Diễm nước mắt cạn khô, trong lúc người cha đứng bên miệng nồng nặc mùi men, vẫn không ngớt chửi. Cô bé mất mẹ, không thể hy vọng vào cha, giờ chỉ có bờ vai Phong là điểm tựa.

Yêu, tin Phong, Diễm đã không ngần ngại trao cho người yêu cái quý giá nhất của đời con gái. Cái thai trong bụng ngày một lớn lên, cô hạnh phúc đếm ngược thời gian chờ mong cái ngày mình được làm mẹ. Cô đi tìm Phong báo tin vui, thì hay tin chàng đã “quất ngựa truy phong” không một lời từ biệt.

Chán, Diễm quyết định xuống Vinh. Chuyến xe khách cuối ngày về xuôi trong chiều đông chở theo một trái tim buồn héo hắt. Đám cô hồn ở phố thấy cô bé thơ ngây, biết là “gà quê”, dàn trận đẩy cô vào ổ chứa. Cả tuần liền nhục nhã ê chề trong tổ quỷ, Diễm nhắm mắt buông tay, phó mặc cho số phận quăng quật đời mình.

Cái thai trong một lần ngã xe, không cứu được. Chủ nhà nghỉ thấy Diễm có vẻ không “yêu nghề”, mặt mũi lầm lỳ, sợ mất khách, nhanh chóng tống ra khỏi ổ. Diễm lang thang ở phố mấy ngày liền. Đi đâu? Đất khách quê xa, không người thân thích, chẳng còn ai mà bấu víu. Bước chân đưa cô xuống bãi tắm Xuân Thành. Diễm thuộc “biên chế” ở đây, thời gian “đầu quên” tính đến nay đã được hai năm có lẻ.

Nghiệt ngã.... đời “cave” - 1

Nước mắt đắng cay của các cô sơn nữ làm cave tuôn trào. (Ảnh minh họa)

My đẩy cửa bước vào. Xuân Thành mấy bữa mưa liên miên, “ế” khách, cô bé chui vào chăn nằm cùng bà chị, tán dóc cho hết buổi. My năm nay 19 tuổi, xinh xắn, phổng phao, nhưng đôi mắt lộ vẻ bất cần. Cô bé sinh ra ở huyện miền núi Nông Cống (Thanh Hóa) trong một thời gian ngắn đã nếm trải quá nhiều giông tố.

Bố My nghiện ma túy nặng. Mười năm theo “nghiệp” chích hút, gia sản tích cóp bao năm trời khánh kiệt. Đồ đạc trong nhà lũ lượt “đội nón ra đi”. Cung không đủ cầu, bí, ông liều mạng đi xách ma túy thuê cho một ông trùm người bản địa. Ngay lần đầu tiên “tác nghiệp”, bố My bị tóm tại một bìa rừng giáp khu vực biên giới. Án tù chung thân như chiếc đinh đóng sập, đời coi như vứt.

Từ dạo chồng vào trại, mẹ My ở nhà chán, cặp kè lăng nhăng. Bà theo chân ông bồ già đi buôn hàng con tít bên Lào, bỏ mặc con thơ, sống cảnh nay đây mai đó. My sống với bà nội tuổi cao sức yếu, đau ốm liên miên, leo lét như ngọn đèn trước gió.

Một dạo, có người phụ nữ ăn mặc sang trọng, đi ôtô mò tới tận nhà, thông báo cần “tuyển lao động”. “Lương tháng 4 triệu, bao ăn ở” – viễn cảnh vẽ ra như mơ. Đang chán cảnh nhà, My không nghĩ ngợi, theo chân người đàn bà xa lạ đến bãi biển Hòn Câu (huyện Diễn Châu, Nghệ An). “Lương” ở đây là những lần “đi khách” mà cô kiếm được. My thành “gái”. My khóc như mưa.
Một thời gian, khách chán, bà chủ đuổi My đi để “tuyển hàng mới”. Cô bé dạt khắp nơi, từ Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu), vào Voi (huyện Kỳ Anh) rồi “chốt hạ” ở bãi tắm Xuân Thành. “Đầu quân” sau Diễm, nhưng xem ra My có vẻ có duyên hơn với vùng đất mới! Khách tìm cô đông như đi hội!

Chung thân phận

Bao đêm trường bên gối chăn cạnh những người đàn ông xa lạ, nước mắt đắng cay trong đôi mắt các cô sơn nữ cứ tuôn trào. My bảo, biết là nhục nhã, xót xa, nhưng phía trước là biển, phía sau núi cao, chẳng còn đường đâu mà lùi nữa.

“Nhiều gã đàn ông bằng tuổi ông nội ở nhà, miệng nồng nặc men, đúng trước cửa phòng cười nắc nẻ. Nhiều ông thô bạo, lao vào quần tả tơi, xem mình như đồ vật. Chắc họ nghĩ, đã bỏ tiền ra mua vui thì phải tận thu không “phí của” – giọng Diễm chua chát.

Ngày có khi phải tiếp vài chục khách, mệt mỏi, chán chường, nhưng đã trót theo, “không yêu nghề không được”. Khách không vui, gọi vào “đường dây nóng” thì có mà ăn cám! Ngày “cày” còn nguôi, đêm xuống, nằm một mình đối diện với bốn bức tượng lạnh lẽo, cảm giác cô độc, tủi buồn xâm chiếm. Không bạn bè, không sự sẻ chia, không một lời trò chuyện. Nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ quê nhà kinh khủng. “Nhiều lúc muốn bỏ chạy thật xa khỏi cái chốn tủi nhục, tối tăm này. Nhưng đi đâu? Xóm giềng khinh miệt, coi thường, mặt mũi nào mà trở về quê nữa” – My tự hỏi, nhìn vào khoảng không, nén tiếng thở dài. Ngoài kia, mưa không ngớt rơi, gió biển lạnh lẽo như phủ thêm những tâm hồn đang băng giá.

Tiếng bà chủ nhà nghỉ gọi the thé. Một đoàn xe biển Hà Nội vừa phóng vào. Hai cô bé lau vội những giọt nước mắt, trang điểm qua quýt lao ra. Tương lai nào cho em? Câu hỏi của My khiến chúng tôi chua xót. Đường về của các em còn lắm gian nan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ Điền (Gia đình Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN