Bài 4: Nạn nhân của "cò mồi" đẻ thuê: Biết bị lừa vẫn chấp nhận
Chỉ cần thấy một tia hy vọng, nhiều cặp vợ chồng vẫn chấp nhận thử để có được một mụn con. Thực tế, cho thấy không ít người đã trở thành nạn nhân của những kẻ "cò mồi" lừa đảo. Đáng nói, dù biết rủi ro có thể gặp phải nhưng vì mong muốn có con, họ vẫn chấp nhận đánh đổi...
Đánh đổi để có con
Trong suốt hành trình thực hiện tuyến bài điều tra về các đường dây môi giới đẻ thuê, nhóm phóng viên đã tiếp xúc nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, những cặp đôi đồng tính khao khát có con, là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo nhận môi giới mang thai hộ. Các nạn nhân đã chuyển hàng trăm triệu đồng cho đối tượng môi giới để tạo phôi chờ người mang thai hộ. Nhưng nhận tiền xong chúng “cao chạy xa bay”, đến nay, họ biết rằng không thể đòi được tiền nhưng ngay cả phôi của mình cũng không biết đi đâu để đòi lại.
Khi trao đổi với phóng viên, các nạn nhân cay đắng kể lại, dù biết tất cả những rủi ro có thể gặp phải, thậm chí có những người đã bị "cò mang thai hộ" lừa hết lần này đến lần khác, nhưng chỉ cần thấy một tia hy vọng, họ vẫn sẽ chấp nhận để có được một đứa con "Người môi giới lanh lợi lắm, nói chuyện rất hiểu biết. Họ hứa hẹn chỉ cần đưa cho họ đủ tiền, họ sẽ làm. Vì vậy, các gia đình hiếm muộn cứ tin theo", một nạn nhân chia sẻ.
Mong muốn có con, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn dù biết rủi ro vẫn chấp nhận đánh đổi
Đánh giá về tội phạm mang thai hộ vì mục đích thương mại, Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Phòng 5, Cục CSHS, Bộ Công an chia sẻ, đây là loại tội phạm ẩn, rất khó phát hiện, đấu tranh. "Các đối tượng lợi dụng nhu cầu của các cặp vợ chồng hiếm muộn nhằm lôi kéo, dụ dỗ mang thai hộ, đồng thời cấu kết với nhân viên y tế tại một số cơ sở y tế tư nhân để thực hiện hành vi mang thai hộ trong một đường dây khép kín. Từ khâu dụ dỗ, tiếp cận, cấy ghép phôi, noãn đều được các đối tượng cấu kết với nhau một cách chặt chẽ. Đặc biệt là trước khi thực hiện hành vi phạm tội, hầu như tất cả các đường dây mang thai hộ đều làm giả các giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để có thể đưa các phụ nữ đẻ thuê thực hiện các thủ thuật cấy ghép tại các bệnh viện", Thượng tá Khổng Ngọc Oanh cho biết.
Lợi dụng kẽ hở của pháp luật
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có quy định về mang thai hộ, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong những nơi được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Bác sỹ tại đây cho biết, số người mắc các dị tật để được phép mang thai hộ chiếm một từ 1-3% và có nhiều quy định bắt buộc như: đã có một con rồi thì không được nhờ mang thai hộ dù đứa trẻ có bị khuyết tật. Điều này, khiến nhiều cặp vợ chống vô sinh hiếm muộn hoặc mong muốn có thêm con đã tìm đến các đường dây mang thai hộ.
Vì lợi nhuận, nhiều người đã bất chấp để móc nối người có nhu cầu mang thai hộ, nhân viên y tế và người được thuê mang thai.
Đẻ thuê trở thành một dịch vụ ngầm trong xã hội
Để tránh tình trạng làm giả hồ sơ mang thai hộ cũng như những vấn đề liên quan đến pháp lý, Bộ Y tế đã yêu cầu 6 bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải ký hợp đồng với các công ty Luật.
Một số bệnh viện trên cả nước được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Trung ương Huế. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của các bệnh viện này sẵn sàng tư vấn cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn muốn thực hiện biện pháp mang thai hộ. Một ca thụ tinh ống nghiệm chi phí khoảng từ 40-50 triệu đồng/ca.
(Còn nữa)
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra, nhóm phóng viên đã tiếp cận được một số trường hợp là người đẻ thuê và được họ trải lòng về công việc bất đắc dĩ...