Nam sinh lớp 12 quay lén cô giáo đi vệ sinh để tống tiền đối mặt hình phạt nào?

Sự kiện: Tin pháp luật

Câu chuyện một học sinh lớp 12 lắp camera trong nhà vệ sinh để quay lén cô giáo đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về đạo đức học đường hiện nay.

Công an huyện Mỹ Lộc (Nam Định) đang tạm giữ Lê Công H (SN 2003, học sinh lớp 12, Trường THPT Mỹ Lộc) về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 (BLHS 2015). Trước đó, cơ quan công an nhận được đơn tố cáo của cô giáo T.T.N.A (giáo viên Trường THPT Mỹ Lộc) về việc cô bị một người quay lén hình ảnh trong nhà vệ sinh của trường rồi gửi hình ảnh đe dọa, tống tiền. Vào cuộc điều tra, công an xác định Lê Công H là người đã gửi hình ảnh đe dọa, tống tiền cô giáo A.

Tại cơ quan công an, H đã thừa nhận hành vi đặt camera trong nhà vệ sinh của giáo viên nhà trường với mục đích quay lén hình ảnh khi đi vệ sinh của các thầy cô giáo để tống tiền.

H khai nhận, khi có được hình ảnh của cô A và một cô giáo khác, H lập tài khoản mang tên "Huyền Trần" rồi gửi cho hai cô giáo. H đưa ra yêu cầu mỗi người phải đưa 10 triệu đồng, nếu không sẽ "tung" hình ảnh nhạy cảm của hai cô lên mạng xã hội.

Chia sẻ về vụ việc này, luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: "Hành vi cài camera trong nhà vệ sinh nhằm thu thập những hình ảnh nhạy cảm để tống tiền cô giáo là vô giáo dục. Hành vi của H không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội "Cưỡng đoạt tài sản". Bởi vậy cơ quan điều tra tạm giữ hình sự, củng cố hồ sơ để xử lý học sinh này là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật".

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Cũng theo luật sư Thắng, học sinh này sinh năm 2003 nên cơ quan chức năng cần xác định đối tượng đã đủ 18 tuổi hay chưa. Trong trường hợp đủ 18 tuổi trở lên thì H sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường. Trường hợp học sinh này chưa đủ 18 tuổi thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

Theo quy định, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây là nguyên tắc định hướng, nội dung của nguyên tắc này là đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi tiến hành một hoạt động liên quan đến việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội cần bảo đảm rằng quyết định đó là tốt nhất cho trẻ em trong mối quan hệ hài hòa với các lợi ích khác cũng như bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Mục đích của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội là để giáo dục, giúp họ sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội chứ không đề cập trực tiếp đến mục đích trừng trị. Việc làm này sẽ giúp người chưa thành niên phạm tội nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc về hành vi của mình, có như vậy mới có thể giúp họ sửa chữa lỗi lầm và trở thành người có ích cho xã hội.

Căn cứ khoản 5 (Điều 91, BLHS 2015) quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau: "Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội". Theo đó, quy định mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

"Cho dù mức xử phạt như thế nào thì đây cũng là một vụ việc đáng lên án, gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng xuống cấp trong môi trường học đường hiện nay. Nếu học sinh này hoàn toàn bình thường về trí tuệ mà có hành vi trên là hành động không thể chấp nhận và phải xử nghiêm", luật sư Thắng nói.

Điều 170: Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Nguồn: [Link nguồn]

Nam sinh lớp 12 tống tiền 2 cô giáo bằng hình ảnh nhạy cảm

Hưng đã đặt camera quay lén hình ảnh nhạy cảm của cô A. và một nữ giáo viên khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hằng ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN