Mượn danh "hiệp sĩ" để hoạt động bất lương

Sự kiện: Tin nóng

Nhiều nhóm hoạt động trên mạng xã hội với cái tên thể hiện mục đích rất tốt, thực tế đó chính là vỏ bọc cho các hành vi trái pháp luật.

Thời gian gần đây, công an liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều đối tượng tự xưng "hiệp sĩ đường phố" với mục đích dùng vỏ bọc này để phạm pháp.

Cưỡng đoạt tài sản

Mới đây nhất, ngày 25-7, Công an TP Thủ Đức (TP HCM) tạm giữ nhóm 6 người về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Các nghi phạm gồm Lê Tấn Phát, Nguyễn Ngọc Minh, Hồ Văn Tuấn Anh, Nguyễn Hoàng Lân, Lâm Chiến Thắng, Lương Văn Tuyên (tuổi từ 19 tới 32, quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Long An và TP Thủ Đức).

Cả 6 nghi phạm lập nhóm "hiệp sĩ đường phố" trên Zalo với Hồ Văn Tuấn Anh làm trưởng nhóm. Rạng sáng 22-7, các đối tượng đi lòng vòng trên địa bàn TP Thủ Đức, khi đến cây xăng trên đường Nguyễn Xiển (phường Long Thạnh Mỹ) thì phát hiện L.D.C và N.H.T.T đang dựng xe máy bên đường, trên tay cầm nhiều tờ rơi cho vay trả góp nên tiếp cận, dọa C. và T. rằng họ đang vi phạm pháp luật.

Các đối tượng sau đó khám người C., T. cùng nói sẽ "đưa về phường xử lý". Kiểm tra người anh T. có 900.000 đồng, cả bọn lấy rồi bỏ đi. Tương tự, Tuấn Anh cùng các đồng phạm áp dụng "chiêu" này với 2 người đi dán tờ rơi cho vay trả góp khác để cưỡng đoạt 700.000 đồng.

Do nghi ngờ sự bất chính của mấy "hiệp sĩ tự xưng" nên các nạn nhân đã báo công an. Truy xét nhanh, Công an TP Thủ Đức đã mời Tuấn Anh, Lân, Thắng, Tuyên, Minh, Phát lên làm việc, cả bọn thừa nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 3-6, Công an quận 12 cũng tạm giữ Nguyễn Ngọc Ngà và Triệu Hoàng Vỹ (cùng 17 tuổi) cũng về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Do cần tiền tiêu xài nên cả hai trang bị còng số 8 và "thẻ thành viên đội hiệp sĩ TP HCM", sau đó giả làm lực lượng phòng chống tội phạm tìm người đi đường để "kiếm tiền". Ngày 28-5, phát hiện C. (17 tuổi) chạy xe máy một mình nên Ngà và Vỹ bắt dừng, còng tay rồi yêu cầu lên xe chở về phường giải quyết. Cả hai sau đó bỏ C. ven đường, nói công an sẽ đến tiếp nhận. Đến lúc biết bị chiếm đoạt xe máy và điện thoại, C. cùng gia đình tới công an trình báo.

Mượn danh "hiệp sĩ" để hoạt động bất lương - 1

Nguyễn Ngọc Ngà và Triệu Hoàng Vỹ cùng tang vật gây ánTrang bị kỹ năng đối phó

Nguyễn Ngọc Ngà và Triệu Hoàng Vỹ cùng tang vật gây ánTrang bị kỹ năng đối phó

Trước việc liên tiếp phát hiện những vụ việc kẻ gian lợi dụng danh nghĩa "hiệp sĩ" để gây án, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND TP HCM - cho rằng hiện chưa có mô hình hiệp sĩ chính quy được quản lý bởi cơ quan chức năng.

Theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, đa số các đội, nhóm được lập ra hoạt động trên tinh thần tình nguyện nhằm phát hiện, ngăn chặn những vụ cướp giật, vi phạm pháp luật. Nghĩa cử cao đẹp như thế cần được tôn vinh. Tuy nhiên, gần đây người dân và lực lượng công an liên tục phát hiện những kẻ mượn danh để gây án nên điều này rất đáng lo ngại. "Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống vẫn cần mô hình hiệp sĩ để nhanh chóng phát hiện những vụ việc phạm pháp quả tang như cướp giật hoặc cưỡng đoạt tài sản. Nhưng hiện nay hoạt động này là tự phát nên việc quản lý không xuể, từ đó nhiều người xem đây là cơ hội để thực hiện ý đồ xấu" - bà Nhuệ phân tích.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, cho rằng các hành động trượng nghĩa thì rất tốt. Có điều, vì nhiều người xưng danh "hiệp sĩ" với ý đồ xấu nên các cơ quan chức năng cần có cách truyền thông hiệu quả để người dân cảnh giác. Trong đó, có cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của những người xấu này cũng như cách đối phó khi gặp những tình huống bị dàn cảnh, đe dọa.

Theo tìm hiểu, ngoài thủ đoạn xưng danh "hiệp sĩ", tội phạm còn hay mạo danh công an để uy hiếp người dân. Về vấn đề này, trung tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10, cho biết mỗi đơn vị trực thuộc Công an TP HCM có một thẩm quyền nhất định. Ví dụ CSGT chỉ được dừng xe nếu phát hiện lỗi vi phạm, còn cảnh sát hình sự có quyền dừng xe với mục đích phòng chống tội phạm. "Khi được kêu dừng xe, người dân có quyền yêu cầu xuất trình thẻ ngành công tác. Nếu người dân nghi ngờ là thẻ giả thì tiếp tục có quyền yêu cầu những người này đến công an gần nhất để giải quyết" - trung tá Thanh hướng dẫn. 

Đang xưng công an thì gặp ngay... công an

Công an quận Bình Tân (TP HCM) mới đây thụ lý vụ việc anh H.T (SN 2002, ngụ quận 10) bị nhóm người xưng là cảnh sát hình sự yêu cầu kiểm tra hành chính. Theo đó, ngày 12-4, anh T. chở bạn gái đi chơi thì gặp nhóm người tự xưng này. Các đối tượng nói đang nghi vấn anh T. gây ra vụ cướp giật. Anh T. yêu cầu xuất trình thẻ ngành công an thì cả nhóm không thực hiện. Cùng lúc này, lực lượng Công an quận Bình Tân đi tuần ngang đã đưa tất cả về trụ sở làm việc.

Tại công an, Thạch Ngọc Khánh (SN 2001) khai rằng mình lập nhóm Facebook "Đội tuần tra hỗ trợ về đêm - S.O.S. Bình Tân" rồi kêu gọi bạn bè tham gia, mục đích là truy bắt tội phạm. Đây là nhóm hoạt động tự phát nhưng tự trang bị cây dũ khúc, bộ đàm. Tối 12-4, nhận được điện thoại của một thành viên nói có 2 người giật điện thoại đang di chuyển trên Tỉnh lộ 10, nhóm Khánh đã ép xe anh T. với mục đích "chỉ kiểm tra chứ không cướp tài sản". Xác minh nhân thân, Công an quận Bình Tân xác định một người trong nhóm này có tiền án cướp giật tài sản...

Nguồn: [Link nguồn]

Nhóm xưng “hiệp sĩ đường phố”, cưỡng đoạt tài sản người dân khai gì?

Công an xác định, nhóm tự xưng “hiệp sĩ đường phố” do đối tượng Tuấn Anh cầm đầu đã gây ra nhiều vụ cưỡng đoạt tài sản của người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN