Một vụ xử kiện "kỳ lạ" ở Đà Nẵng
Người thân của nguyên đơn từng cho bị đơn ở nhờ, để rồi thửa đất được "hô biến" thành của bị đơn! Hồ sơ vụ án gần như đã rõ nhưng khâu giải quyết kéo dài không đáng có
Bà Nguyễn Thị Nữ (quận Tân Phú, TP HCM) là cháu thuộc hàng thừa kế thứ ba của cụ bà Phan Thị Trọng - vợ liệt sĩ Lê Láo (quê Điện Bàn, Quảng Nam). Năm 2004, cụ Trọng qua đời không để lại di chúc. Tài sản của cụ là mảnh đất 105 m2, thửa số 37, tờ bản đồ số 81, tại tổ 34, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng (số liệu về diện tích đất tranh chấp qua các năm sau này có khác nhau).
Năm 2007, tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Nữ (nguyên đơn) và ông Lê Quốc Dũng (bị đơn) xảy ra khi ông Dũng xây nhà kiên cố trên thửa đất số 37 mà cụ Trọng để lại.
Khai man thừa kế để chiếm riêng?
Theo hồ sơ từ tòa án, ông Lê Quốc Dũng (SN 1965, phường Hòa Cường Nam) là bộ đội xuất ngũ năm 1990, được cụ Phan Thị Trọng cho ở nhờ. Vợ chồng cụ Lê Láo - Phan Thị Trọng không có con chung, con riêng, con nuôi.
Ông Dũng trình bày với tòa: Khoảng năm 1990, địa phương có chủ trương cấp đất cho gia đình chính sách nên ông và cụ Trọng làm đơn, được phường Hòa Cường (nay là Hòa Cường Nam) cấp một lô đứng tên cụ Trọng. Ông Dũng là người ký nhận đất, nộp lệ phí trước bạ và thuế sử dụng đất. Ngày 24-12-1990, ông có đơn xin xây nhà cấp 4 trên thửa đất đó.
Cũng theo ông Dũng, từ năm 1990 đến khi qua đời (2004), cụ Trọng đi làm thuê khắp nơi nên nhà đất do ông quản lý. Ngày 14-9-2006, thể theo đơn xin và cam đoan "chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu phát hiện thông tin khai thừa kế gian trá" của ông Dũng, UBND quận Hải Châu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho vợ chồng ông này tại thửa đất số 37, tờ bản đồ số 81, diện tích 69,8 m2.
Năm 2007, phát hiện ông Dũng xây nhà kiên cố trên thửa đất số 37, bà Nữ cùng một đồng thừa kế ngăn cản. Ông Dũng vẫn xây, bà Nữ khiếu nại lên chính quyền. Ngày 10-4-2007, UBND quận Hải Châu ra quyết định thu hồi và hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Dũng.
Tiếp đến, bà Nữ gửi đơn kiện ông Dũng ra TAND quận Hải Châu với lý do thửa đất số 37 là tài sản thừa kế do cụ Trọng để lại; ông Dũng không thuộc bất cứ hàng thừa kế nào nên phải tháo dỡ nhà, trả lại đất.
Phải trả lại đất cho chính chủ!
Xét xử vụ án dân sự "Tranh chấp đòi di sản thừa kế" này, tại Bản án số 07/2018/DS-ST ngày 2-3-2018, TAND quận Hải Châu tuyên: thửa đất số 37 thuộc quyền sử dụng của cụ bà Phan Thị Trọng được để lại cho những người thuộc hàng thừa kế thứ ba, trong đó có bà Nguyễn Thị Nữ (bà Nữ được những người đồng thừa kế ủy quyền đứng tên nhận tài sản). Tòa tuyên giao toàn bộ tài sản trên đất là căn nhà 3 tầng, diện tích sử dụng 224 m2 cho bên bà Nữ sở hữu. Bên bà Nữ trích trả cho bên ông Dũng tiền xây nhà và bồi đắp đất hơn 855 triệu đồng.
Bản án buộc bên ông Dũng trả toàn bộ nhà và đất cho bên bà Nữ toàn quyền sử dụng và sở hữu, bên bà Nữ liên hệ chính quyền để xin cấp giấy chứng nhận.
Vị trí lô đất và quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng
Ông Dũng kháng cáo. Bản án xét xử phúc thẩm số 46/2018/DS-PT của TAND TP Đà Nẵng ngày 17-7-2018 quyết định: Công nhận diện tích đất 60,9 m2 thuộc thửa số 37, tờ bản đồ số 81, tại tổ 34, phường Hòa Cường Nam là di sản thừa kế của cụ bà Phan Thị Trọng để lại cho bên bà Nguyễn Thị Nữ.
Tuy nhiên, cũng tại bản án này, TAND TP Đà Nẵng lại tuyên giao toàn bộ lô đất số 37 cùng căn nhà 3 tầng (do ông Dũng xây) cho bên ông Dũng quản lý, sử dụng. Đáng nói là, theo bản án: Sau khi khấu trừ 30% là tiền công sức bảo quản, tôn tạo thửa đất thì bên thừa kế của cụ Trọng (tức bà Nữ) được hưởng 1.908.582.998 đồng; bên ông Dũng có trách nhiệm trả số tiền này cho bên bà Nữ rồi tiến hành làm thủ tục xin cấp sổ đỏ.
Nghĩa là, từ chỗ là thừa kế hợp pháp của thửa đất, cháu cụ Trọng "được thối lại" hơn 1,9 tỉ đồng. Bức xúc trước kết luận này, bà Nguyễn Thị Nữ làm đơn gửi Chánh án TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng, kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm.
Ngày 28-4-2021, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 11/2021/DS-GĐT, trong đó có hai nhận định quan trọng: Một, việc tòa án 2 cấp công nhận diện tích đất tranh chấp thuộc sở hữu của cụ Phan Thị Trọng để lại cho các đồng thừa kế là đúng; ông Lê Quốc Dũng không thuộc bất cứ hàng thừa kế nào. Hai, ông Dũng chỉ là người ở nhờ trên đất của cụ Trọng thì không thể căn cứ vào việc ông Dũng ở đó từ năm 1990 đến nay mà cấp quyền sử dụng đất như trường hợp sở hữu chung hoặc chia thừa kế; mà đối với trường hợp này, phải giao di sản thừa kế của cụ Trọng lại cho các đồng thừa kế.
Từ đó, HĐXX Giám đốc thẩm quyết định hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm đã ban hành trước đó; giao hồ sơ vụ án về cho TAND quận Hải Châu để giải quyết theo trình tự sơ thẩm.
"Đơn chuyển lên" khó hiểu của TAND quận Hải Châu Từ khi thụ lý giải quyết vụ án dân sự này, sau những lần tạm đình chỉ, giải quyết trở lại, rồi gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử..., mới đây, TAND quận Hải Châu bất ngờ có Văn bản số 01/2022/QĐST-DS chuyển vụ việc lên TAND TP Đà Nẵng giải quyết. Lý do, theo TAND quận Hải Châu, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn Ổi đã xuất cảnh sang Mỹ từ năm 2019. Vì vụ tranh chấp có đương sự nước ngoài nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP Đà Nẵng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Lê Văn Ổi là người bà con của ông Lê Quốc Dũng, ngày trước có bồi đắp đất cho thửa số 37, được ông Dũng trả tiền công thuê. Đáng nói, ông Ổi không thuộc bất cứ hàng thừa kế nào của cụ Phan Thị Trọng. Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm không hề nêu yếu tố ông Ổi có tham gia tranh chấp và quyết định của HĐXX Giám đốc thẩm cũng không đề cập gì đến vai trò, quyền lợi của ông Ổi. Vậy, cớ sao TAND quận Hải Châu "đề cao" vai trò ông Ổi và lấy lý do vắng đương sự (đã xuất cảnh) để chuyển hồ sơ lên TAND TP Đà Nẵng? |
Bên bán giao hàng không đúng chủng loại, nếu có vi phạm thì yêu cầu hủy hợp đồng và bồi thường thiệt hại chứ không phải phạt cọc.
Nguồn: [Link nguồn]