Một người muốn làm chứng vụ kỳ án vườn mít

Sự kiện: Kỳ án vườn mít

Bà Nguyễn Thị Hảo (ngụ xã Thanh Lương, thị trấn Bình Long, tỉnh Bình Phước) sẵn sàng ra làm chứng để minh oan cho Lê Bá Mai trong vụ kỳ án vườn mít.

TS Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Viện phó VKSND Tối cao - vừa gửi văn bản hỏa tốc đến Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị xem xét lại vụ Kỳ án vườn mít xảy ra ở tỉnh Bình Phước năm 2004.

Trước đó, ông Khiển nhận được thư của bà Nguyễn Thị Hảo (ngụ xã Thanh Lương, thị trấn Bình Long, tỉnh Bình Phước) cho biết sẵn sàng ra làm chứng để minh oan cho Lê Bá Mai. Cậy nhờ TS Khiển, bà Hảo mong muốn lá đơn của mình sẽ tới tận tay Viện trưởng VKSND Tối cao.

Theo nội dung bức thư, gần trưa 16/11/2004, bà Hảo thấy một số người dân đến nhà ông Điểu Ky, cha của nạn nhân Thị Út (11 tuổi), sau đó chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất đến vây đánh, rồi công an xã bắt giữ Lê Bá Mai trong khi Mai đang đi làm mướn trên đất của ông Dương Bá Tuân; nhóm thứ hai do ông Điểu Ky dẫn đầu đi đến vị trí có thi thể của Thị Út trong vườn mít của ông Tuân.

“Khoảng 19h ngày 15/11/2004, tôi đi ngang qua nhà ông Điểu Ky thì nghe có người nói là đến sáng mai cứ đổ cho thằng Mai hết, làm như vậy mới đuổi được ông Tuân ra khỏi đất này, nói bằng tiếng dân tộc S’tiêng. Chồng tôi là người S’tiêng nên tôi biết tiếng S’tiêng”, bà Hảo viết trong thư.

Sau khi án mạng xảy ra, ông Điền Bá Ngọc (hay còn gọi là Tư Quẹo) nói cho bà Hảo biết giữa đêm 15/11 rằng ông bắt gặp Điểu Ngôi (theo phát âm của người dân tộc là Điểu Nguôi) đi vào khu vườn mít của ông Tuân. Ông Ngọc hỏi “Mày đi đâu vào giờ này?”, Điểu Nguôi trả lời là “Con đi câu cá”. Khi ông Ngọc nói “Mày đi câu cá sao không mang cần câu” thì Điểu Nguôi không trả lời mà đi thẳng vào hướng vườn mít phía thi thể Thị Út nằm.

“Nhiều lần tôi hỏi Điểu Nguôi: “Vì sao mày giết con Út mà đổ tội cho thằng Mai?”, Điểu Nguôi trả lời: “Sao mợ biết?”. Tôi nói với Điểu Nguôi là: “Mày làm gì mà tao không biết”, rồi Nguôi nói: “... Mợ hỏi công an Sinh (Trần Văn Sinh - nhân chứng, nguyên công an viên xã An Khương, huyện Bình Long (cũ), nay là huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước - PV) chứ con đâu có đổ tội cho thằng Mai”, bà Hảo viết.

Đầu năm 2005, cán bộ điều tra vụ án đã mời bà Hảo lên UBND xã An Khương để lấy lời khai. “Tôi yêu cầu cho ghi âm buổi làm việc nhưng công an điều tra không đồng ý. Từ đó tới nay, công an không triệu tập tôi lên lấy lời khai nữa”, bà Hảo viết trong thư.

Sau đó, bà Hảo đã lập các nội dung mình biết về nghi phạm thành biên bản để luật sư bào chữa miễn phí cho Lê Bá Mai gửi tới tòa án với mong muốn HĐXX sẽ triệu tập bà tới làm chứng. Tuy nhiên, chưa một lần bà Hảo được tòa mời tới làm chứng.

Để xác minh thêm nội dung bà Hảo phản ánh, luật sư Nguyễn Việt Hà (Đoàn luật sư Hà Nội, tư vấn pháp lý cho ông Lê Bá Triệu - cha Lê Bá Mai - đi kêu oan) vừa trực tiếp vào tỉnh Bình Phước để tìm hiểu về Điểu Nguôi.

“Trong danh sách nhân khẩu lưu tại UBND xã An Khương có công dân Điểu Ngôi (Điểu Nguôi), sinh năm 1970. Đáng tiếc là người này đã mất cách đây vài năm. Chúng tôi cũng tìm gặp ông Tư Quẹo và được ông ấy xác nhận thông tin bà Hảo nói về Điểu Nguôi là chính xác”, luật sư Hà cho biết.

Theo TS Vũ Đức Khiển, việc bà Nguyễn Thị Hảo sẵn sàng đứng ra làm chứng công khai là một tình tiết cần phải được xem xét. Việc tòa án 2 cấp tuyên xử Lê Bá Mai về tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người với tổng hình phạt chung thân là không có cơ sở vững chắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Kha (Người Lao Động)
Kỳ án vườn mít Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN