Mối tình kỳ lạ của "tiểu thư" với trùm giang hồ

Lê Thừa Dương Hùng, từng là “ông trùm” trong giới đòi nợ thuê, đã đoạn tuyệt kiếp giang hồ để làm lại cuộc đời. Ngọc Thủy, cô gái xinh đẹp xuất thân từ một gia đình khá giả gốc Sài Gòn. Tình cờ nghe câu chuyện hoàn lương ngoạn mục của Hùng, Thủy đã đem lòng thầm thương trộm nhớ, rồi quyết định chọn anh làm chỗ dựa đời mình. Vượt qua bao sóng gió, đến nay họ đang có một gia đình hạnh phúc viên mãn.

Trong những tháng ngày chênh vênh giữa lằn ranh thiện ác, anh gặp Lê Lam, đại ca giang hồ khét tiếng đất Quảng Trị, từng phiêu bạt trong giới ngầm ở Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản. 15 tuổi, Lê Thừa Dương Hùng lần đầu tiên vào trại vì tội cố ý gây thương tích. Ra trại, Hùng tiếp tục lún sâu vào con đường sai lầm của mình, có lần còn cắt cả tai của đối thủ làm chiến lợi phẩm mang về khoe với đại ca. Bị bắt lần hai, Dương Hùng trốn trại, lang bạt khắp nơi rồi cuối cùng dừng chân ở đất Sài Gòn, gia nhập băng nhóm đòi nợ thuê ở khu vực An Sương. Khi đại ca của băng nhóm đòi nợ thuê này gặp nạn, Lê Thừa Dương Hùng đã được đám đàn em tôn lên cầm đầu băng. Dưới trướng của Hùng có cả chục đàn em lúc nào cũng sẵn sàng xả đao kiếm.

Từ cậu bé bất hạnh đến ông trùm đòi nợ thuê

Người đàn ông trung niên Lê Thừa Dương Hùng (SN 1973, Quảng Trị), hiện là chủ cơ sở mộc – chạm khắc nổi tiếng nằm bên hông chùa Hoằng Pháp (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP. HCM). Đây là xưởng mộc đặc biệt, chuyên sản xuất những sản phẩm gỗ chuyên về chủ đề Phật giáo vục vụ cho các đền, chùa, miếu… ở khắp mọi miền cả nước. Thế nhưng, có lẽ đặc hơn vì ông chủ cơ sở là người từng có “số má” trong giới giang hồ, là con nghiện ma túy, đôi tay từng cầm dao, kiếm thực hiện những cuộc đòi nợ thuê gây không biết bao kinh hãi cho những con nợ ở TP. HCM cách đây gần 10 năm.

Bằng giọng trầm của vùng đất nắng gió Quảng Trị, Lê Hùng kể về những hành trình trượt vào những lỗi lầm một thời “chọc trời khuấy nước” của mình. Lê Hùng cho biết, tuổi thơ của anh là những ngày tháng ngập đầy bất hạnh. Xuất thân từ một gia đình nghèo miền biển cát phỏng bàn chân thuộc xã Hải Khê (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) nên luôn phải sống trong nghèo khổ. Khi biết khôn thì cha mất, mẹ đi bước nữa, không may gặp phải người đàn ông nát rượu, ngày qua ngày mẹ con Hùng bị ông ta hành hạ. Không chịu nổi cuộc sống tù bức, cậu bé Hùng quyết định bỏ nhà tìm vào TP. Huế sống lang bạt. Tại mảnh đất cố đô, ngày ngày Hùng bám theo những bến xe, ga tàu để mưu sinh, đêm về chui gầm cầu ngủ, cậu làm bất cứ việc gì, kể cả trộm cắp, đánh nhau để được cái ăn. “Tôi không được đi học, nên những tháng ngày cho đó trường của tôi là cuộc sống, đói ăn dạy cho tôi cách tồn tại”, Hùng ngậm ngùi nói.

Mối tình kỳ lạ của "tiểu thư" với trùm giang hồ - 1

Anh Hùng bên cạnh bức tượng Phật do anh tự làm.

Thuở nhỏ là cậu bé hư, thiếu niên vào trại giáo dưỡng và tuổi thanh niên anh tham gia những băng đảng giang hồ. Nhờ gan lì, nhanh nhẹn, Hùng luôn khẳng định mình trong những cuộc đánh nhau giành lãnh địa, trộm cắp, cướp giật… do đó được giới giang hồ nể phục. Sau khi phiêu bạt vào TP. HCM, Hùng gia nhập băng đảng đòi nợ thuê, bảo kê nhà hàng, khách sạn và các khu mại dâm. “Tôi từng cắt tai, chặt tay đối thủ, đánh sẩy thai con nợ thuê là thai phụ, chạc tài sản người mắc nợ, đẩy họ vào bước đường cùng. Những tội lỗi ấy tôi phải trả giá bằng tháng năm trong song sắt và những ám ảnh, ân hận cho đến tận bây giờ”, Hùng ngậm ngùi kể lại.

Không chỉ là kẻ đâm thuê chém mướn đòi nợ thuê có máu mặt trong giới đòi nợ thuê, Hùng còn là một con nghiện nặng. Hồi còn làm giang hồ cách đây 10 năm, mỗi ngày anh phải chích, hút ma túy giá trị lên đến bạc triệu, bạn bè không ít kẻ xanh cỏ vì sốc thuốc, Hùng không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ dứt được “mối tình” với “nàng tiên nâu”. Thế nhưng, vào một ngày anh nhìn lại bản thân, quyết định đoạn tuyệt kiếp giang hồ, cai ma túy thì phép màu đã đến. Hùng nói: “Tôi vốn là dân giang hồ nhưng ma túy mới là thứ hủy hoại cuộc đời tôi tàn tệ. Rất may tôi đã dừng lại trước khi quá muộn. Cuộc đời không có đường cùng, khi cửa này khép, cánh cửa khác lại mở ra, đó là thứ kỳ diệu của cuộc sống”. Đoạn tuyệt giang hồ, quy y nhà Phật, quyết định làm lại cuộc đời từ con số không, sự màu nhiệm đã đến với anh.

“Đổ gục” khi giang hồ kể chuyện hoàn lương

Những đó là chuyện của một thời dĩ vãng, hiện tại anh là ông chủ, đồng thời là giáo viên ngày ngày tỉ mỉ chỉ từng nhát búa, lưỡi đục cho những trẻ em có hoàn cảnh neo đơn mà anh tự nguyện cưu mang. Cổ tích đang hiển hiện với một người từng ở đấy vũng lầy tội lỗi. Anh bảo, có được những gì ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của anh thì không thể không kể đến vợ, người phụ nữ mà anh ví như phên dậu vững chãi để anh viết tiếp tiểu thuyết cuộc đời. “Không có cô ấy chắc tôi chẳng có ngày hôm nay”, Lê Hùng nói về Vợ bằng niềm tự hào. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy (SN 1974, TP. HCM), một người phụ nữ đẹp cả diện mạo lẫn tâm hồn. Chị nhẫn nhục, biết hi sinh, dám vượt qua dư luận, đến với anh khi “án tích” một thời đâm chém, nghiện ngập còn chưa gột rửa hết.

Lê Hùng ví vợ là món quà của Chúa ban cho, anh bất ngờ đến nỗi, khi có được chị trong tay mà vẫn ngỡ đó là giấc mơ. Ngày đó chị Ngọc Thủy vốn xinh đẹp, lại con nhà khá giả, gia giáo ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh nên được bao người đàn ông thầm thương trộm nhớ. Vốn bản tính nhân từ, thích học theo những điều Phật dạy ở đời, chị thường tìm đến chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP. HCM) để được nghe giảng đạo. Như thường lệ, cứ vào mỗi chiều thứ ba hằng tuần, chùa Hoằng Pháp lại tổ chức chương trình “Phật pháp nhiệm màu”, nói về cuộc sống của những con người tu thân dưỡng tính. Nhân vật chính ngày hôm đó là Lê Thừa Dương Hùng, hoàn lương quy y cửa Phật với pháp danh Tịnh Tín.

“Tôi còn nhớ, đó là ngày 21/10/2008, đứng trên sân khấu anh ấy kể về những góc khuất cuộc đời, cả khán phòng rộng lớn hàng ngàn người ai nấy đều cảm động, tôi cũng không giấu được nước mắt. Với một cuộc đời bất hạnh, từng sa chân vào tội lỗi, nghiện ngập và quyết định hoàn lương khiến tôi không khỏi thán phục và mến mộ. Thế rồi tôi yêu anh lúc nào không hay”, chị Ngọc Thủy nhớ lại.

Một ngày nọ khi nghe lời tỏ tình của chị Thủy, Lê Hùng như lạc tai, bởi dù sao vết đen quá khứ vẫn còn đó. Anh thấy tủi phận vì mình chỉ có hai bàn tay trắng nên nghĩ người con gái không bình thường mới tìm đến anh. Biết chuyện, phía gia đình chị Ngọc Thủy một mực phản đối, thậm chí cấm hai người liên hệ nhau. Mẹ chị từng tuyên bố rằng: “Thà tao gả mày cho thằng xe ôm, bán vé số, không thì cho ở giá suốt đời, chứ không bao giờ gả cho thằng bụi đời”. Thế rồi, dù xã hội đàm tiếu, gia đình ngăn cách nhưng cả hai đã vượt qua tất cả, thuyết phục bằng tình yêu thương của mình.

Chị Ngọc Thủy vẫn không thể quên những ngày tháng chất ngất khó khăn khi hai vợ chồng bắt đầu với đôi bàn tay trắng. Lúc đó chị phải vay tiền cha mẹ mua đất, dựng nhà, anh Hùng lại mở xưởng chạm khắc mộc, cưu mang trẻ em cơ nhỡ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chị nhẫn nhục làm những công việc khác để anh yên tâm chuyên vào việc nuôi dạy học viên và phát triển xưởng điêu khắc của mình. Những lúc khó khăn chị lại động viên để chồng có thêm quyết tâm phấn đầu. Được hậu thuẫn từ vợ hiền đảm đang, sự quyết tâm gây dựng cuộc sống mới, chẳng mấy chốc cơ sở mộc chạm khắc của anh nổi tiếng với những sản phẩm chuyên về chủ đề Phật giáo được nhiều chùa trong và ngoại tỉnh đặt mua.

Từ hai bàn tay trắng gã giang hồ ngày nào giờ đã có cơ ngơi vững chãi, một gia đình hạnh phúc. Trong suốt buổi trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc viên mãn của Lê Hùng. Anh bảo, giờ thì giấc mơ đã hoàn toàn trở thành hiện thực, gia đình bên vợ thay vì ngăn cấm thì càng yêu thương anh hơn. Khi nhắc đến những gì hiện tại và tương lai, ông chủ cơ sở luôn nhấn mạnh vai trò của người vợ hiền như một sự khẳng định, chị là phên dậu vững chãi để anh viết tiếp cuốn tiểu thuyết cuộc đời mình với những chương hoan ca ở phía trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương Linh (Đời sống & Hôn nhân)
Những "bóng hồng" trong cuộc đời trùm tội phạm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN