Mẹ chồng nàng dâu: Hết tình còn nghĩa

Tấc đất, tấc vàng nhưng không ai có thể mang theo tài sản qua thế giới bên kia. Từng là vợ chồng, mẹ chồng - nàng dâu, dẫu hết tình thì vẫn còn nghĩa...

Nhìn bà cụ hơn 80 tuổi lụm cụm đi cùng con trai đến tòa án để giải quyết vụ tranh chấp căn nhà với cô con dâu cũ, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Phiên tòa phúc thẩm hôm ấy được mở theo đơn kháng cáo của người con dâu.

Tranh chấp 160 lượng vàng

Theo trình bày của bà cụ trước tòa, năm 1979, con trai bà nên duyên vợ chồng với một nữ đồng nghiệp làm cùng công ty và về sống chung với gia đình bà trong căn hộ chung cư nhỏ. Đến năm 1998, khi con gái được 18 tuổi, vợ chồng người con trai cùng đứng tên vay mượn của bà 160 lượng vàng SJC để mua căn nhà trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, hiện đang cho thuê).

Thương con, bà đem số tiền cả đời tích cóp được cho vợ chồng con trai mượn. Bà yêu cầu họ phải viết giấy thỏa thuận mượn tiền, ghi rõ vào hằng tháng hoặc hằng quý mỗi năm, vợ chồng họ phải trả cho bà ít nhất 10% tổng tiền mượn, hạn chót 10 năm phải trả đủ 160 lượng vàng SJC. Khi chưa trả dứt tiền mượn, chỉ được sử dụng căn nhà để ở và kinh doanh, không được chuyển nhượng, phân chia tài sản hoặc đem thế chấp cho người khác, giấy tờ chủ quyền nhà bà tạm giữ để làm tin. Quá thời hạn 10 năm, nếu không đủ khả năng chi trả số tiền đã mượn, phải chuyển quyền sở hữu căn nhà này lại cho bà.

Đầu tháng 3/2000, người con dâu âm thầm làm thủ tục đi du lịch thăm em gái tại Pháp rồi ở lại đó cho đến nay dù con trai bà nhiều lần liên lạc thăm hỏi và yêu cầu vợ trở về. Sau đó, do thời hạn được cấp visa du lịch tại Pháp hết hạn, người con dâu thuyết phục chồng đồng ý ký đơn ly dị để có thể kết hôn với người bản xứ, được hợp pháp định cư. Vì thế, năm 2005, họ ra tòa ly hôn và được tòa án giải quyết.

Sáu năm sau, khi con trai bà đã lập gia đình mới, người con dâu cũ ủy quyền cho luật sư, khởi kiện yêu cầu con trai bà trả 1/2 giá trị căn nhà và 1/2 số tiền cho thuê nhà là 192 triệu đồng. Lúc này, bà cũng làm đơn yêu cầu vợ chồng con trai trả số tiền nợ cho mình.

TAND TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên xử bà được nhận căn nhà trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) để cấn trừ số nợ 160 lượng vàng mà vợ chồng người con trai đã mượn nhưng chưa trả bà đồng nào; đồng thời, buộc con trai bà có trách nhiệm hoàn trả cho vợ cũ số tiền thuê nhà là 192 triệu đồng. Người con dâu cũ kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng tiền mua nhà là của vợ chồng tích lũy được. Còn về việc giấy thỏa thuận mượn tiền có chữ ký của vợ chồng là do thời điểm đó vợ chồng mâu thuẫn, mẹ chồng đã làm giấy đó nhằm ràng buộc con trai và con dâu, không cho cả hai ly hôn (?!).

Thắng hay thua đều mất mát

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà cụ ngồi chăm chú lắng nghe đại diện ủy quyền của con dâu cũ trình bày rồi run run đứng dậy, nghẹn ngào cho biết: “Tôi là mẹ, tình mẹ thương con bao la, không lý gì tôi lại đặt điều, giấy trắng mực đen còn đó, có cho mượn tôi mới dám nói. Tôi sống đến ngần tuổi này rồi, chưa bao giờ nghĩ rằng mình phải ra tòa vì chuyện tranh chấp trong gia đình như thế này.

Tôi xấu hổ, đau xót lắm… Thực ra, thỏa thuận ngày xưa tôi buộc các con ký cũng chỉ để chúng chí thú làm ăn, tích lũy chứ không mong muốn hay nghĩ đến sẽ có ngày lấy lại hoặc tranh chấp với các con... Chỉ là bây giờ ra như vậy, tôi mới buộc lòng kiện lại...”.

Lúc này, luật sư đại diện cho người con dâu cũ nêu nguyện vọng của thân chủ là sau khi lấy lại được số tiền, sẽ dành 80% cho người con gái chung của cả hai, 10% cho người con riêng của chồng cũ, phần mình nhận 10%.

Sau khi nghe hai bên trình bày, vị chủ tọa nói: “Dù sao trước đây cũng từng là vợ chồng, mẹ chồng - nàng dâu, hết tình thì còn nghĩa. Vẫn biết tấc đất, tấc vàng nhưng không ai có thể mang theo qua thế giới bên kia. Cái còn lại là tình nghĩa giữa những người trong gia đình, thôi thì chuyện gì nói được thì ngồi lại nhẹ nhàng nói với nhau.

Phán quyết của tòa chỉ dựa theo chứng cứ, suy cho cùng người thắng hay người thua đều bị tổn thương, mất mát...”. Cũng vì vậy, HĐXX đề nghị tạm hoãn phiên tòa để hai bên cùng ngồi lại thỏa thuận với nhau một cách nghĩa tình. Trường hợp không tự thỏa thuận được, hai bên phải tìm thêm chứng cứ để chứng minh lập luận của mình.

Bà giục con trai rời phòng xử. Cho dù có thế nào thì với một người ở tuổi gần đất xa trời, tài sản, sĩ diện hay những gì đại loại như thế không thể sánh bằng tình cảm con cháu gắn bó, yêu thương dù có thể bà sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Nhìn ánh mắt suy tư, hiền hậu của bà, người ta có thể tin vào một kết thúc có hậu từ vụ kiện này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kha Miên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN