Mất tiền vì tin "tiến sĩ online" dạy đầu tư chứng khoán
Chỉ sau vài ngày tham gia lớp học chứng khoán do "tiến sĩ online" dạy miễn phí, nhiều người cứ ngỡ "làm giàu không khó” và liên tục xuống tiền để thu với lợi nhuận "khủng". Tuy nhiên, khi tiền đầu tư đã cạn, nạn nhân mới nhận ra mình "sập bẫy" lừa của kẻ gian.
Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai nhận nhiều đơn trình báo của nạn nhân về các vụ lừa đảo đầu tư chứng khoán qua mạng xã hội. Có người mất số tiền hàng tỷ đồng.
Mới đây, anh P.N.T (SN 1983, ngụ xã Trà Đa, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) đến cơ quan công an trình báo việc mình bị chiếm đoạt 2 tỷ đồng. Cụ thể, anh T. nhận được cuộc gọi điện thoại từ một đối tượng giới thiệu tên là Lý Hà Phương, nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông, mời anh tham gia đầu tư chứng khoán để kiếm thêm tiền.
Để tạo lòng tin, Lý Hà Phương kết bạn Zalo và cho xem các giấy tờ pháp lý, giấy chứng nhận thành lập quỹ đầu tư, giấy phép kinh doanh hoạt động... Mặt khác, Phương cũng cam kết đầu tư sẽ hưởng lợi nhuận cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, nếu đầu tư thua lỗ sẽ đền bù thiệt hại. Ngoài ra, mua các mã cổ phiếu thông qua các app, website sẽ được ưu đãi thấp hơn so với giá đang giao dịch trên các sàn chứng khoán.
Sau nhiều lần thuyết phục, anh T. đã đồng ý. Sau đó, T. được đưa vào nhóm Zalo do "tiến sĩ online" tên Nguyễn Trí Hiếu làm trưởng nhóm, trực tiếp hướng dẫn đầu tư chứng khoán. Hàng tuần vào lúc 19 giờ từ thứ hai đến thứ sáu, "tiến sĩ online" Nguyễn Trí Hiếu trực tiếp giảng dạy về kiến thức giao dịch chứng khoán, cách mua bán cổ phiếu. Trong nhóm cũng tràn ngập các tin nhắn khoe lời, mua nhà, mua xe, ăn uống ở nhà hàng sang trọng.
Các đối tượng còn hướng dẫn anh T. tạo tài khoản, cách thức nạp, rút tiền, mua bán cổ phiếu trên ứng dụng đã tải về trên điện thoại. Ban đầu, anh T. chuyển số tiền 60 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để đầu tư chứng khoán. Sau khi chuyển tiền đầu tư, tài khoản chứng khoán của anh T. trên ứng dụng có được lợi nhuận hơn 1,8 triệu đồng. Để tạo lòng tin, các đối tượng để cho T. rút toàn bộ số tiền lời về.
Một nạn nhân trình báo bị lừa đảo tại cơ quan công an
Lần thứ 2, anh T. tiếp tục chuyển 40 triệu đồng để tham gia tiếp thì được các đối tượng khuyên "đầu tư càng lớn, lợi nhuận càng cao". Tin tưởng, T. đã chuyển nhiều lần với số tiền cả gốc và lãi 1,8 tỷ đồng để tham gia. Lúc này, anh làm lệnh để rút toàn bộ số tiền trên ứng dụng về tài khoản ngân hàng của mình thì các đối tượng không cho rút. Bọn chúng yêu cầu anh phải đóng 15% hoa hồng trên lợi nhuận, đóng thuế thu nhập cá nhân mới được rút tiền. Tin lời, anh T. tiếp tục chuyển hơn 671 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của các đối tượng, nhưng vẫn không rút được tiền. Biết mình bị lừa, nạn nhân đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản thẻ ATM, đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định cho bất kỳ người nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch người đó. Người dân cũng cần cảnh giác các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán online; không làm theo những hướng dẫn, mời chào của các tài khoản cá nhân, nhóm trên Zalo, Facebook, Telegram...
Ngoài ra, tuyệt đối không kết bạn, nhắn tin với người lạ, đặc biệt những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn cùng lời chào mời đầu tư sinh lời cao... Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người phải nhanh chóng báo ngay với cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Nguồn: [Link nguồn]
Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mời gọi đầu tư tài chính dưới hình thức góp vốn hoặc chứng khoán bằng các mối quan hệ trên...