Mất tiền vì nhân viên tài chính dỏm tư vấn mở thẻ

người dân đã bị mất tiền bởi các nhân viên tài chính dỏm, giả mạo nhân viên của ngân hàng, công ty tài chính tư vấn để mở thẻ tín dụng…

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc cho biết hiện nay xuất hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo, giả mạo nhân viên của các công ty tài chính, ngân hàng (NH) tư vấn để mở thẻ tín dụng, sau đó chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Các đối tượng lừa đảo ban đầu tiếp cận những người có nhu cầu mở thẻ tín dụng qua mạng xã hội hoặc gọi điện thoại qua số điện thoại để tư vấn. Sau đó, yêu cầu người dân cung cấp mã OTP. Tài khoản của người dân bị trừ tiền ngay lập tức sau khi người dân cung cấp mã OTP cho các đối tượng là nhân viên tài chính dỏm này.

Tài khoản bị trừ tiền trong tích tắc

Chị NTV (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết thời gian qua chị có sử dụng một số thẻ tín dụng của vài NH. Các khoản chi tiêu dùng được thanh toán đúng hạn nên điểm tín dụng của chị V rất tốt. Do đó, việc nhân viên của NH hay nhân viên của công ty tài chính gọi điện thoại tư vấn để mở thêm thẻ tín dụng với chị V không còn xa lạ. Tuy nhiên, chị V không có nhu cầu mở thêm thẻ tín dụng nên chị đã từ chối nhiều cuộc gọi.

 Một số nạn nhân dù đã rất am hiểu về quy trình mở thẻ tín dụng nhưng vẫn bị nhân viên tài chính dỏm lừa đảo do thiếu cảnh giác. Ảnh: HUỲNH THƠ

Một số nạn nhân dù đã rất am hiểu về quy trình mở thẻ tín dụng nhưng vẫn bị nhân viên tài chính dỏm lừa đảo do thiếu cảnh giác. Ảnh: HUỲNH THƠ

“Tuần trước, cũng có một số điện thoại gọi đến giới thiệu là nhân viên của NH V, người này tư vấn tôi mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi. Lúc đó, do đang có thời gian rảnh, không làm gì nên tôi đồng ý lắng nghe tư vấn, chứ bình thường là tôi tắt máy rồi vì không cần mở thẻ nữa. Nghe một hồi thấy có nhiều quyền lợi hấp dẫn quá nên tôi cũng đồng ý mở thẻ. Theo hướng dẫn, tôi cung cấp thông tin cá nhân, đọc luôn cả thông tin tài khoản NH đang sử dụng.

Sau đó, người này nói tôi cung cấp mã OTP của NH gửi đến, tôi cũng cung cấp luôn. Vừa đọc xong thì mới chợt nhớ là mã OTP này đâu thể cung cấp cho ai, mà lúc nhớ ra thì tài khoản đã bị trừ 10 triệu đồng trong tích tắc. Ngay sau đó tôi gọi điện thoại lại cho bên tư vấn thì đầu dây bên kia cũng khóa máy, gọi lại thì không liên lạc được. Lúc này, tôi ân hận thì cũng muộn rồi” - chị V nói.

Tương tự, chị NTĐ (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng cho biết do đang có nhu cầu mở thẻ tín dụng nên chị có lên mạng tìm hiểu và để lại số điện thoại của mình. Ngay sau đó, một số điện thoại gọi đến giới thiệu là nhân viên của Công ty tài chính H, hỏi chị có nhu cầu mở thẻ tín dụng phải không và tư vấn nhiều gói hấp dẫn, đặc biệt mở thẻ tín dụng chỉ sau 30 phút với thủ tục đơn giản.

Sau khi tư vấn, họ kết bạn với chị Đ qua Zalo và gửi cho chị một đường link, yêu cầu chị điền thông tin vào đó. Do thấy đường link hiện ra trang web giống như của Công ty tài chính H nên chị không nghi ngờ gì mà điền thông tin họ tên, địa chỉ, chụp ảnh CCCD, tài khoản NH, các giao dịch chuyển tiền gần nhất… Điền xong thì họ gọi điện thoại lại thông báo hồ sơ của chị Đ đã hoàn tất, chị sẽ được mở thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu đồng. Tuy nhiên, chị phải nạp vào tài khoản NH vừa cung cấp 10 triệu đồng để chứng minh tài chính.

“Cũng không nghĩ nhiều nên tôi mượn của người thân nạp vào tài khoản NH 10 triệu đồng. Sau đó, họ tiếp tục gọi và yêu cầu tôi cung cấp mã OTP để xác thực tài khoản. Nhưng khi cung cấp mã OTP thì tài khoản của tôi bị trừ 10 triệu đồng, họ cũng lập tức tắt máy và chặn hết mọi liên lạc với tôi. Tôi gọi điện thoại lên tổng đài của Công ty tài chính H để hỏi thăm thì mới biết mình bị lừa” - chị Đ nói.

Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho biết tình trạng giả mạo nhân viên của NH, công ty tài chính gọi điện thoại tư vấn cho người dân mở thẻ tín dụng, sau đó chiếm đoạt tài sản hiện xảy ra rất nhiều.

Để phòng tránh thủ đoạn lừa đảo này, người dân phải thật cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ cá nhân, tổ chức, cơ quan nào dù người đó xưng là nhân viên của NH hay cơ quan công an. Mã OTP được xem là lớp bảo mật thứ hai, sau mật khẩu của một tài khoản NH. Một khi có mã OTP sẽ hoàn thành giao dịch chuyển tiền, do vậy mã OTP rất quan trọng trong việc quản lý, bảo mật tài khoản.

“Không một ai có quyền được biết mã OTP, ngoại trừ chính chủ tài khoản. Sẽ không có một nhân viên NH hay nhân viên công ty tài chính nào yêu cầu người dân cung cấp mã OTP cho họ” - TS Hiếu nói.

TS Hiếu cũng cho biết thêm khi người dân có nhu cầu mở thẻ tín dụng nên đến trực tiếp các NH hoặc công ty tài chính để được tư vấn, hướng dẫn. Vì các công ty tài chính, NH khi thực hiện thủ tục mở thẻ tín dụng, dù mở thẻ online, qua app thì bước cuối cùng người dân cũng phải đến trực tiếp để hoàn tất các bước như cung cấp thông tin, chứng minh thu nhập, công việc, chữ ký… và toàn bộ quá trình mở thẻ trực tiếp sẽ được ghi hình để đảm bảo an toàn.

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết nếu đã bị lừa mất tiền, người dân cần liên hệ với NH mình có tài khoản để yêu cầu ngăn chặn các giao dịch, sau đó trình báo vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Luật sư Sơn chia sẻ thêm với hành vi lừa đảo trên, các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021, phạt tiền 2-3 triệu đồng với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản… Ngoài ra còn bị áp dụng xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017, với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp (đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm…) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù 2-7 năm; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân…

Kiểm tra kỹ trước khi làm thủ tục mở thẻ tín dụng

Trước đó, Công an TP.HCM cũng có khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của mình. Khi có nhu cầu mở thẻ tín dụng, cần liên hệ trực tiếp với các chi nhánh NH để được tư vấn, hướng dẫn.

Kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng... của công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục mở thẻ tín dụng.

Tham khảo thêm ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục. Không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản NH, mã OTP cho người lạ; không chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ; trình báo công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

PV

Lập website và app để lừa đảo gần 40 tỉ đồng

Hai người đàn ông đã lập app và website để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên gần 40 tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUỲNH THƠ ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN