Mất gần 5 tỉ đồng sau một tin nhắn
Mạo danh cán bộ các cơ quan Nhà nước, Chính phủ... đối tượng xấu yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo nhằm đánh cắp thông tin, trộm tiền trong tài khoản ngân hàng.
Thời gian qua, không ít trường hợp đã bị kẻ gian lừa cài đặt các ứng dụng giả mạo cơ quan nhà nước, trong đó có chứa các mã độc nhằm theo dõi, đánh cắp thông tin giao dịch, trộm tiền trong tài khoản ngân hàng...
Khi người dùng nhấn vào đường link hay tải ứng dụng giả mạo có chứa mã độc và cài đặt, ứng dụng giả mạo sẽ chạy ngầm trong điện thoại, thu thập các dữ liệu về thiết bị, tin nhắn, danh bạ, hoạt động của người dùng và gửi về máy chủ của nhóm tấn công. Trong quá trình thu thập đủ thông tin, đối tượng truy cập vào ứng dụng ngân hàng, tài chính và chiếm đoạt tài sản.
Người đàn ông bị mất gần 5 tỉ đồng từ cuộc gọi giả mạo cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường. (ảnh minh họa)
Ông L. V. T. (40 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể lại cho PV Báo SK&ĐS: "Chiều 26/9/2023, tôi có nhận cuộc gọi tự xưng là cán bộ làm tại cửa số 1 văn phòng đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai.
Đối tượng này đọc rõ tên, tuổi, nơi ở của tôi và yêu cầu tôi đến ngay Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường quận để cập nhật thông tin cá nhân và thông tin sổ đỏ.
Thời điểm đó, tôi đang bận và đề nghị để hôm sau đến làm việc. Sau đó đối tượng hướng dẫn tải link gdla.orgov.net có logo Tổng cục quản lý đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường về máy điện thoại Samsung S22 của tôi.
Đối tượng hướng dẫn chuyển 20.000 đồng vào quỹ từ thiện thông qua một số tài khoản. Khi chuyển thành công số tiền thì máy điện thoại của tôi bị "đơ" khoảng 40 phút.
Tôi nghi ngờ và đăng nhập vào app tài khoản ngân hàng nhưng đã bị chiếm quyền và không sử dụng được. Ngay lập tức tôi gọi lên Tổng đài ngân hàng và phát hiện ra số tiền trong 02 tài khoản bị mất gần 5 tỉ đồng".
Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. Có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Bộ Công an cũng khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cũng nên đọc kỹ thông tin, đừng vội đồng ý tất cả các điều khoản. Cùng với đó, người dùng nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, ghi âm cuộc thoại, lưu nhớ giọng nói, số điện thoại của đối tượng... nhanh chóng thông báo cho Cơ quan Công an để xác minh và xử lý vụ việc.
Nguồn: [Link nguồn]
Do nhẹ dạ cả tin, chị H. đã bị đối tượng xấu dùng thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng.