Ly kỳ truy bắt tên cướp Sáu Thẹo (P.1)

Với khẩu súng AK luôn đầy đạn, hắn bắn chết một phụ nữ, hãm hiếp hàng chục cô gái và có tài xuất quỷ nhập thần bất cứ nhà nào để trộm cướp tài sản. Sau khi bị lực lượng công an còng tay, hắn bị kết án tử hình. Trong khi chờ ngày thi hành án, hắn đã cùng tên tử tội khác khoét hầm buồng giam trốn thoát, tiếp tục gieo kinh hoàng cho người dân. Các lực lượng công an, quân đội đã tốn bao công sức truy bắt nhưng nhiều cuộc bao vây truy lùng đều thất bại. Nhưng cuối cùng hắn đã bị các tay súng thiện xạ của Công an Tây Ninh tiêu diệt.

Truy quét tàn quân phản động

Trong những năm đầu giải phóng, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các tỉnh miền Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng khá phức tạp. Các đảng phái phản động nổi lên hoạt động chống phá chính quyền ở nhiều nơi. Các lực lượng vũ trang Tây Ninh và Công an Tây Ninh phải vượt qua bao khó khăn gian khổ để bảo vệ chính quyền còn non trẻ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Đến khoảng năm 1979 -1980 thì các tổ chức đảng phái phản động đã bị tiêu diệt, phá rã hầu hết, chỉ còn lại một ít tàn quân sống vất vưởng ở vùng rừng núi, sông hồ, đêm đêm đi cướp bóc tài sản, đe dọa tống tiền. Lãnh đạo Ty Công an Tây Ninh quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm với quân số lên đến cấp đại đội, được trang bị các loại súng, máy truyền tin PRC25, thực hiện nhiều biện pháp truy quét bọn tội phạm nguy hiểm này. Địa bàn chúng hoạt động trải dài từ khu vực Núi Cô, Núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng xuống đến Bến Củi (Dương Minh Châu), Bà Nhã (Trảng Bàng), men theo vùng sông Sài Gòn và rừng rậm ở khu vực này.

Đại tá Ngô Quang Nghĩa - Trưởng ty Công an Tây Ninh, nguyên là Chánh văn phòng Trung ương cục miền Nam giao nhiệm vụ cho đại tá Sáu Huệ (Phó ty) Tổng chỉ huy, Phó chỉ huy thường trực Tư Minh, Út Trọng (Trần Bình Trọng, Phó công an huyện Dương Minh Châu), Út Bình (Nguyễn Thanh Bình, Trưởng công an Hồ Nước) cùng nhiều cán bộ chỉ huy an ninh, cảnh sát từng có kinh nghiệm diệt ác phá kềm trong kháng chiến chỉ huy lực lượng truy lùng.

Ngoài Ban chỉ huy tiền phương đóng tại Công an Hồ Nước, mũi truy kích chính cắm quân tại Núi Cậu (vùng hậu cứ kháng chiến xưa), các mũi còn lại được rải dọc theo các tuyến lòng hồ, ven sông Sài Gòn xuống Trảng Bàng với phương châm bám dân mà sống, bám rừng đánh địch. Cuối cùng nhiệm vụ cũng hoàn thành xuất sắc, lần lượt bọn tàn quân phản động bị tiêu diệt, số thì ra đầu hàng. Còn tội phạm hình sự vẫn lén lút hoạt động. Với các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, lực lượng đặc nhiệm đã khám phá hầu hết các băng nhóm tội phạm hình sự trộm cướp, tống tiền.

Ly kỳ truy bắt tên cướp Sáu Thẹo (P.1) - 1

Khu vực lòng hồ - nơi Sáu thẹo hoành hành 

Một nhiệm vụ mới khó khăn gấp bội, đó là việc xuất hiện tên cướp độc hành Nguyễn Văn Sáu, chuyên trộm cướp, hiếp dâm, hắn đã gây bao kinh hoàng trong nhân dân, khiến nhiều gia đình ban đêm không dám để đàn bà con gái ở nhà mà phải đưa đi ngủ nhờ ở vùng an toàn. Tuy nhiên, xét thấy không cần thiết phải huy động quân số cấp đại đội cho việc truy lùng Nguyễn Văn Sáu, Phó công an huyện Dương Minh Châu Trần Bình Trọng đề xuất thành lập một trung đội trinh sát truy bắt tên cướp dâm đãng này. Đề xuất của ông được lãnh đạo Ty Công an Tây Ninh chấp thuận. Nhưng với quy mô của chuyên án, đại tá Sáu Huệ vẫn giữ vai trò Trưởng ban, các phó ban thường trực tổ chức truy lùng gồm: Tư Minh, Út Trọng, Út Bình và Trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Công an Hồ Nước vẫn là nơi đóng quân thường trực của Ban chỉ huy chuyên án.

Chân dung tên cướp độc hành

Nguyễn Văn Sáu (SN 1948, quê thôn Ngoại Trạch, xã Tam Hiệp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là trinh sát đặc công thời chống Mỹ. Sau ngày miền Nam giải phóng, Sáu đóng quân ở biên giới Tây Ninh - Campuchia. Chiến tranh biên giới vô cùng ác liệt, hắn sợ chết nên đào ngũ về sống lang thang tại huyện Dương Minh Châu và Tân Châu, Tây Ninh. Tháng 9/1978, Sáu bị Tòa án Quân sự Quân đoàn tuyên phạt 18 tháng tù về tội “đào ngũ”. Trong thời gian cải huấn ở Trại giam K55, Sáu làm công việc chăn bò, thường xuyên thả bò ra khu vực dân cư gần trại nên có quan hệ quen biết rộng rãi với người dân nơi đây, được nhân dân cho ăn uống, ngủ trưa, giúp hắn sớm hoàn lương. Nhưng sau này khi trở thành kẻ cướp hắn vẫn không tha những gia đình đã từng cưu mang hắn.

Ngày 22/12/1979, mãn hạn tù, Sáu tiếp tục bám trụ vùng đất biên giới này để mưu sinh. Không nghề nghiệp, chỉ làm thuê cuốc mướn nhưng không chí thú làm ăn nên cuộc đời hắn chẳng làm nên cơm cháo gì, túi lúc nào cũng rỗng tuếch. Sau bao đêm trằn trọc, Sáu chợt nghĩ chỉ có đi cướp mới mong thay đổi cuộc đời. Quyết định rẽ lối bất lương đã thôi thúc hắn ngày đêm tìm cơ hội. Muốn đi cướp phải có súng, hắn nghĩ và hành động ngay lập tức. Vào một đêm mưa gió bão bùng, hắn trở lại “viếng thăm” Trại giam K55 và lấy cắp khẩu súng AK bá cây làm “bùa hộ mạng” cho hành động cướp bóc, hãm hiếp của mình. Ban ngày hắn mặc đồ công nhân hoặc đồ bộ đội, đội nón cối đi chặn đường những người mua bán dầu ở khu vực lòng hồ Dầu Tiếng để tống tiền.

Thời điểm này lòng hồ Dầu Tiếng đang thi công, giới tài xế xe tải, xe xúc đất lén bán bớt dầu định mức để kiếm thêm thu nhập, tạo nên một thị trường buôn bán dầu lậu nhộn nhịp. Nắm được nhược điểm của những người buôn bán dầu lậu mỗi khi gặp công an hay bảo vệ công trường, Sáu đã giả danh Công an Hồ Nước (lực lượng công an bảo vệ khu vực hồ Dầu Tiếng) hoặc xưng là bảo vệ công trường để bắt giữ, hù dọa bỏ tù họ và đòi tiền hối lộ từ 10 đồng đến 50 đồng. Dĩ nhiên với cách ăn mặc hơi giống công an, bộ đội, như bảo vệ công trường cộng với khẩu súng AK trong tay, hắn đã khiến mọi người lầm tưởng là công an thật hay chí ít cũng là bảo vệ công trường như lời hắn nói, còn người quen thì dư sức biết hắn làm càn. Ban đêm, hắn đột nhập vào nhà dân trộm cắp. Lúc bấy giờ nhà cửa người dân còn sơ sài tạm bợ, hơn nữa với tài trí và bản lĩnh của một trinh sát đặc công năm xưa, hắn có thể đục tường khoét vách đột nhập chẳng mấy khó khăn.

Ly kỳ truy bắt tên cướp Sáu Thẹo (P.1) - 2

Di ảnh chị Trần Thị Quây

Ông Nguyễn Thành Phương, nguyên là Bí thư Chi bộ xã Bến Củi, nói rằng lúc bấy giờ nghe đến Nguyễn Văn Sáu thì ai cũng khiếp sợ. Hắn vô nhà lấy tài sản như không. Nhiều khi vừa thấy hắn người ta đã vội có gì thì lo đưa, không thì hắn bắt đàn bà con gái dẫn đi hãm hiếp càng khổ hơn. Hắn hoành hành dữ lắm. Nhiều gia đình phải đưa đàn bà con gái sang Dầu Tiếng lánh nạn. Mặc dù đã được công an, chính quyền phát động nhắc nhở nhưng nhân dân không ai dám đánh kẻng gõ mõ dù tên Sáu vừa mới ra khỏi nhà, bởi trước khi lui gót hắn không quên đe dọa nếu muốn cả nhà đi theo ông bà ông vải thì cứ báo công an.

Một đêm cuối tháng 7/1979, mưa rơi lất phất, Nguyễn Văn Sáu vào một căn nhà hãm hiếp bà X. và lấy một số tài sản. Những đêm tiếp theo hắn tiếp tục gây kinh hoàng bằng những vụ trộm cướp và hãm hiếp khác. Ban ngày hắn để ý bà vợ nào, cô gái nào thì ban đêm hắn vào dùng súng khống chế lấy tiền vàng, rồi “mượn” các bà vợ, các chị đi chơi vài tiếng đồng hồ. Có cô bị hắn “mượn” đi mấy ngày liền mới trả nhưng chẳng ai dám tố cáo vì sợ hắn trả thù và sợ mang tiếng thất trinh. Có vụ hắn hãm hiếp xong rồi ngồi hút thuốc và nói vọng ra ngoài “mấy thằng ngoài kia có muốn chơi thì vô đây”. Thực ra chẳng có đồng bọn nào, hắn nói vậy cốt để bị hại tưởng có đồng bọn của hắn bên ngoài sẽ không dám kháng cự. Thủ đoạn gian manh xảo quyệt trên đã giúp hắn hoành hành trong một thời gian dài mặc cho lực lượng công an, quân đội tốn nhiều công sức truy bắt.

Vào một đêm cuối năm 1979, hắn cùng tên Trần Văn Tân vào Xí nghiệp cơ giới công trường Dầu Tiếng lấy trộm máy F10, bị phát hiện truy bắt nhưng chỉ tên Tân “rớt lại”, còn Nguyễn Văn Sáu thì biến nhanh vào rừng.

Mặc dù có một trung đội trinh sát thiện chiến của Ban chuyên án cùng công an, du kích các xã, Huyện đội Dương Minh Châu ngày đêm truy lùng mai phục mà vẫn không tìm thấy bóng dáng hắn. Hắn thoắt ẩn thoắt hiện vào thời điểm bất ngờ nhất nên khi lực lượng truy lùng hay tin thì hắn đã cao chạy xa bay.

Biệt danh Sáu thẹo và tội ác tày trời

Sáng 17/1 âm lịch năm 1980, chị Trần Thị Quây (38 tuổi, ngụ ấp Suối Hùng, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, nay là xã Lộc Ninh) cùng chị Châu Thị Măng (30 tuổi) và cô bé Trần Thị Phượng (11 tuổi) đi mua 3 can dầu lậu, dùng xe đạp đẩy từ khu vực lòng hồ về. Đẩy đi hơn 15 cây số đường rừng nên đến 17 giờ cùng ngày mới về cách nhà khoảng 4 cây số thì gặp Nguyễn Văn Sáu. Thấy hắn giơ súng AK chặn đường, hai chị mua dầu lậu tái xanh mặt mày dừng xe lại. Chị Quây nhanh miệng hỏi “chú Sáu hỏi chuyện gì hả?”. “Mấy bà đi buôn dầu lậu có biết tội gì không? Muốn đi thì đưa đây hai chục đồng”. “Tôi biết chú Sáu đâu phải là người đi bắt dầu lậu đâu, chú cho chị đi đi mà”, chị Quây nói với hắn. “Không nhiều lời. Không đưa tiền thì bắt giao công an”, hắn gắt.

Trước tình thế khó, chị Quây bảo chị Măng: “Chị ở lại, em dẫn bé Phượng về và kiếm tiền đem vô đưa cho chú Sáu”. Chị Măng đi rồi, chị Quây ở lại nói chuyện phải quấy với Sáu. Thấy chị Quây xinh đẹp sắc sảo, lòng hắn gợi lên máu dâm dục nhưng hắn chưa hành động thô bạo mà chỉ mở lời bóng gió. Nghe tiếng tên cướp dâm đãng đã lâu nay lại gặp, chị Quây lo sợ sẽ nạp mạng cho hắn nên nghĩ cách thoát khỏi tay hắn. Khi Sáu vồn vập muốn chuyện tình cảm thì chị Quây bảo “chú Sáu coi giùm bánh xe tôi sao mềm quá, đẩy dầu đi không nổi”. Tên Sáu tưởng thật nên cúi xuống đưa tay bóp bánh xe thì ngay lập tức chị Quây giơ ống bơm xe đạp lên giáng mạnh xuống đầu và trán hắn mấy phát toét da phun máu. Sau giây phút bị choáng, tên Sáu kịp trấn tĩnh và nổi điên quay súng vào chị Quây nhã đạn. Bị bảy phát đạn vào người, chị Quây chết tức khắc.

Lâu nay nghe tiếng tên cướp dâm đãng Nguyễn Văn Sáu hoành hành, bao nhiêu lời đồn thổi về hắn khiến nhiều người hoang mang lo sợ, nhất là đàn bà, con gái. Nhưng chuyện hắn làm cũng chỉ mới trộm cướp, tống tiền ngang nhiên mà thôi. Đến khi hắn giết chết chị Quây thì hắn chính thức nhúng tay vào tội ác. Không thể để cái ác tồn tại mãi được nên ngay sau khi được tin vụ giết người do Nguyễn Văn Sáu gây ra, lực lượng đặc nhiệm lập tức bủa vây truy lùng. Nhưng thật trớ trêu, khi công an dàn quân truy lùng trong rừng và cứ ở dưới đất mà tìm thì hắn ung dung ngồi trên ngọn cây. Sau nhiều ngày tìm kiếm không kết quả, công an rút quân nhưng hắn vẫn ở mãi trong rừng vì không biết đường ra. Đến ngày thứ tư hắn mới ra được khu rừng rậm và tiếp tục hành trình cướp bóc, hãm hiếp. Và cũng từ đó trên trán hắn xuất hiện vết thẹo do chị Quây để lại. Hắn có biệt danh Sáu Thẹo từ đó.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nghị (Công An Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN