Luật sư nói gì về vụ bắt Phó trưởng Công an và Phó Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư, Thái Bình?
Mới đây, CQĐT - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố, bắt Phó trưởng Công an và Viện phó Viện KSND huyện Vũ Thư, Thái Bình. Nhiều người đặt câu hỏi những cá nhân này sẽ phải đối diện với mức hình phạt nào?
Những người bị khởi tố, bắt giữ là ông Nguyễn Đức Tuấn - Phó Trưởng Công an huyện Vũ Thư, bà Phạm Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Vũ Thư và 1 Kiểm sát viên khác của huyện này.
3 người trên bị khởi tố, bắt giữ để phục vụ điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”, quy định tại Khoản 2, Điều 369 BLHS 2015.
Đây là diễn biến tiếp theo của vụ án “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” liên quan đến đàn em của Đường "Nhuệ” xảy ra tại CAH Vũ Thư mà CQĐT - Viện KSNDTC khởi tố trước đó.
Cơ quan điều tra - Viện KSNDTC tống đạt các quyết định, lệnh đối với các bị can (ảnh Viện KSNDTC)
Về Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, Điều 369 quy định, người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng; Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn; Dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị hại, nhân chứng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 2-7 năm…
Về cấu thành tội phạm, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, chủ thể của tội phạm này gồm Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; Viện kiểm sát. Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Điều tra viên; Kiểm sát viên…
Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là tội phạm không chỉ xâm phạm đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn xâm phạm đến nguyên tắc xử lý “mọi hành vi phạm tội phải bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh”. Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là tội cố ý bỏ lọt tội phạm và do đó còn xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, xã hội và của công dân.
Về mặt khách quan của tội phạm, người phạm tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội có thể thực hiện một trong các hành vi sau:
Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không kết luận điều tra vụ án, ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với người mà mình biết rõ là có tội. Điều tra viên không lập hồ sơ vụ án; không triệu tập bị can hoặc có triệu tập nhưng không tiến hành hỏi cung và những người tham gia tố tụng khác; không quyết định áp giải bị can…
Viện trưởng, Phó viện trưởng việm kiểm sát ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án…
Kiểm sát viên không kiểm sát việc khởi tố, không kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra…
Người phạm tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội thực hiện hành vi phạm tội của mình do lỗi cố ý.
Cũng theo Luật sư Thu, trường hợp CQĐT - Viện KSNDTC có căn cứ cho thấy hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội đối với nhóm đàn em Đường "Nhuệ” là bỏ lọt những tội phạm rất nghiêm trọng hoặc hành vi dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến ANTT thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 2-7 năm tù.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xem xét kỷ luật đối với cán bộ công chức, kỷ luật Đảng.
Theo Nghị định 122/NĐ-CP, các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm "Cố ý gây thương tích", điều tra viên và cán bộ điều tra Cơ quan...
Nguồn: [Link nguồn]