Luật sư ngái ngủ tại tòa
Nhận lời bào chữa cho thân chủ nhưng tại tòa, luật sư như người ngái ngủ, không theo dõi diễn biến phiên xử, không nghe được tòa nói, đọc bài bào chữa chiếu lệ…
Ngày 8/10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đưa vụ án Phạm Minh Khoa giết người ra xử phúc thẩm. Hôm đó, luật sư ĐĐT (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) được gia đình bị cáo Khoa mời tham gia bào chữa cho bị cáo.
Trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa hỏi luật sư T.: “Luật sư T. có ý kiến gì về phần thủ tục phiên tòa và có đề nghị thay đổi ai trong số những người tiến hành tố tụng tại tòa không?”. Không có tiếng trả lời.
Chủ tọa hỏi lần thứ nhất, lần thứ hai rồi lần thứ ba nhưng vẫn không thấy có sự đáp trả nào từ phía luật sư. Nghe chủ tọa hỏi đến lần thứ tư, người ngồi cạnh luật sư T. có vẻ ái ngại nên lấy tay thúc nhẹ vào luật sư. Đến lúc này, luật sư T. mới biết là chủ tọa đang gọi mình. Luật sư T. đứng lên nhưng phải chờ chủ tọa nhắc lại câu hỏi lần nữa thì mới… nắm bắt vấn đề. Nghe xong, luật sư T. trả lời: “Tôi không có ý kiến gì”.
Cứ như thế, xuyên suốt cả phiên xử, các thẩm phán và đại diện VKS thay nhau hỏi bị cáo Minh về những tình tiết trong vụ án, nguyên nhân bị cáo gây ra cái chết cho người bị hại cũng như lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Xong, chủ tọa hỏi luật sư T.: “Luật sư có câu hỏi nào không?”.
Chủ tọa phải nhắc đến lần thứ tư mà vị luật sư vẫn không hề có phản ứng nào chứng tỏ có nghe thấy lời của chủ tọa. (Ảnh minh họa)
Cũng như lần trước, lần này câu hỏi của chủ tọa rơi vào khoảng không của phòng xử. Chủ tọa phải nhắc đến lần thứ tư mà vị luật sư vẫn không hề có phản ứng nào chứng tỏ có nghe thấy lời của chủ tọa. Lần này cũng vậy, người ngồi cạnh phải lấy tay thúc vào người thì luật sư T. mới giật mình đứng dậy. Tuy nhiên, vị luật sư vẫn chưa có phản ứng nào nên chủ tọa mới phải nhắc lại yêu cầu một lần nữa. Thật bất ngờ, luật sư nói: “Tôi không có câu hỏi nào”. Đến nước này chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhẹ: “Trong phiên tòa, đề nghị luật sư phải chú ý lắng nghe những gì diễn ra để bảo vệ cho thân chủ của mình”.
Đến phần tranh luận, chủ tọa cũng phải gọi nhiều lần mà luật sư T. vẫn không phản ứng. Chỉ đến khi người khác thúc vào người thì luật sư T. mới uể oải đứng lên. Dù bài bào chữa đã ghi sẵn ra giấy nhưng khi đọc, giọng vị luật sư này vẫn run run, nghe cứ như học sinh tiểu học cầm giấy đọc bài.
Kết thúc phiên tòa, do thành khẩn khai báo, từng phục vụ trong quân ngũ và gia đình đã bồi thường 140 triệu đồng cho người bị hại nên bị cáo Khoa được tòa giảm án, từ 20 năm xuống còn 18 năm tù.
Sau phiên xử, chúng tôi hỏi luật sư T.: “Có phải ông không nghe rõ những gì HĐXX nói nên mới vậy không?”. Luật sư T. thú thiệt: “Do tối qua tôi nhậu xỉn. Sáng dậy mệt, lại bị ù tai nên mới không nghe rõ. Hơn nữa, do ngày hôm qua mệt nên tôi không chuẩn bị tinh thần và những gì bào chữa trước nên… có hơi run”.
Tư cách “người phụ tá công lý” Xét về đạo đức nghề nghiệp, luật sư T. làm vậy là chưa hoàn thành trách nhiệm đối với thân chủ. Luật sư như người phụ tá công lý. Bởi vậy, khi đứng trước tòa, luật sư phải ăn mặc chỉnh tề, tư thế phải đàng hoàng, nghiêm túc. Người hành nghề luật sư không được nói lắp, không có những khuyết tật liên quan đến việc nghe, nói, nhìn thấy. Tại tòa, luật sư phải tôn trọng nội quy phiên tòa cũng như các luật sư đồng nghiệp. Trong quá trình xét xử, luật sư phải theo dõi diễn biến phiên tòa để đối đáp, tranh luận nhằm mang lại lợi ích và tình trạng pháp lý tốt nhất cho thân chủ. Nếu sức khỏe không đảm bảo thì luật sư phải xin hoãn phiên tòa hay ủy quyền cho luật sư khác bào chữa cho thân chủ (nếu thân chủ đồng ý), tránh việc tham gia phiên tòa chiếu lệ, tạo nên hình ảnh xấu trong giới luật sư như thế. Trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư càng không nên nhậu nhẹt say sưa, dẫn đến tình trạng đáng chê trách như trường hợp luật sư T. nói trên. Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM |