Luật sư kể về tuổi thơ của "sát thủ thuốc nổ"

Sát thủ thuốc nổ Nguyễn Đức Tiềm thường được biết đến là kẻ độc ác, mưu mô và giảo hoạt. Nhưng ít người biết rằng, bạn bè cùng trang lứa gọi Tiềm là thằng “cù lần”.

Cuối năm 2012, sát thủ thuốc nổ Nguyễn Đức Tiềm đã nhận mức án tử hình sau vụ ám sát chị dâu và cháu gái. Giọt nước mắt hiếm hoi của chuyên gia gài mìn đã rơi khi tòa đọc lời tuyên án.

Nguyễn Đức Tiềm là tác giả vụ nổ xe máy Honda Super Dream cướp đi sinh mạng của thai phụ Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1982, ở xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) và con gái 5 tuổi, cháu Nguyễn Khánh Vân. 

Khi Tiềm quay mặt về phía sau nói lời xin lỗi với các nạn nhân, không ít người dự tòa bĩu môi, cười mỉa. Tội ác của Tiềm quá dã man. Có lẽ vì vậy mà người ta không còn nhìn thấy chút thành thật nào trong con người của sát thủ thuốc nổ.

Với nhiều người, sát thủ Nguyễn Đức Tiềm là một kẻ táng tận lương tâm, mưu mô, giảo hoạt. Nhưng ít ai biết, bạn học của Tiềm vẫn coi hắn ta là kẻ “cù lần”, ít nói.

Điệu cười trừ của sát thủ

Chúng tôi vô tình được nghe câu chuyện từ chính vị luật sư từng bào chữa cho Tiềm. Sở dĩ luật sư Lê Văn Kiên (trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng công lý, Hà Nội) biết rõ về Tiềm bởi ông chính là bạn học của hắn. Không những vậy, nhà ông còn có họ hàng xa với nhà Tiềm.

Luật sư Kiên học cùng lớp với Tiềm suốt những năm tiểu học. Nhà Tiềm ở làng công giáo, cách khá xa trường. Ông Kiên vẫn nhớ hình ảnh người bạn thường lủi thủi cắp sách đến trường một mình mỗi ngày.

Luật sư kể về tuổi thơ của "sát thủ thuốc nổ" - 1

Luật sư Lê Văn Kiên

Hồi đó, Tiềm học kém, chậm chạp, lại ít nói. Đến lớp, Tiềm chỉ ngồi thu mình ở một góc, chẳng chơi cùng ai. Các bạn trong lớp cũng không ai thích chơi với Tiềm. Có khi cạy răng cả buổi, Tiềm mới mở miệng một hai câu. Ông Kiên nhẩm tính, Tiềm không có ai là bạn thân cả.

Học trò nhà quê thường tinh nghịch, nhiều bạn trong lớp thấy Tiềm “cù lần” nên thỉnh thoảng lại chọc quê, trêu đùa. Những lúc đó, Tiềm vẫn chẳng nói gì, chỉ cười trừ.

Luật sư Kiên vẫn nhớ nhất điệu cười trừ của Tiềm. Mãi đến những năm sau này, đôi khi gặp lại, Tiềm vẫn chỉ cười trừ. Thậm chí, nhiều lần bị bạn cùng trang lứa bắt nạt, đánh đau, Tiêm cũng... cười trừ.

Học với Tiềm hết cấp 1, ông Kiên và bạn bè chuyển lên cấp 2, chỉ riêng Tiềm ở lại lớp. Rồi ông Kiên cũng ít khi nhớ đến Tiềm. Ông mang máng, Tiềm còn học đúp thêm một hai lượt ở lớp dưới. Suốt thời trung học, thỉnh thoảng ông Kiên mới gặp lại Tiềm. Cả hai hỏi thăm nhau dăm ba câu rồi lại thôi.

Sau này, khi đi học ở Hà Nội, luật sư Kiên và Tiềm đã có một thời gian tiếp xúc nhiều với nhau. Tiềm vẫn là anh chàng “cù lần” như ngày nào.

Hồi đó, đang học đại học năm cuối, luật sư Kiên tình cờ gặp lại Tiềm. Hắn học đại học tại chức ở trường Sư phạm Ngoại ngữ. Liên lạc một vài lần rồi Tiềm rủ luật sư Kiên về ở trọ cùng mình.

Trong họ, luật sư Kiên vẫn gọi Tiềm là chú. Tiềm bảo: “Chú lên đây học, ở một mình. Đến ở cùng cho vui!”

Lúc đó, luật sư Kiên sắp ra trường, cũng muốn tự lập nên chuyển ra ở trọ cùng Tiềm gần Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội. Phòng rộng nên họ còn rủ thêm vài ba người bạn ở cùng. Tiềm vẫn giữ tính cách ít nói.

Luật sư Kiên còn nhớ, có một lần, không thống nhất về chuyện thuê phòng, ông đã lớn tiếng mắng Tiềm, Tiềm biết lỗi nên lặng im, không hé môi nói nửa lời. Sau đó, ông Kiên dọn ra ở cùng với 2 người em vừa thi đỗ đại học nhưng họ vẫn thường gặp nhau.

Ông Kiên không bao giờ thấy Tiềm có bạn gái. Cuối tuần, bạn cùng phòng kéo nhau đến phòng bạn gái chơi, Tiềm ở nhà một mình. Thậm chí gặp các bạn gái, Tiềm cũng chẳng nói chẳng rằng.

Giật mình khi gã “cù lần” giết người

Ra trường, ông Kiên hành nghề luật sư, còn Tiềm nghe nói xuống Quảng Ninh xin làm ở nhà hàng, khách sạn. Mải theo đuổi công danh sự nghiệp, hơn chục năm, luật sư Kiên ít gặp Tiềm. Ngày nghe tin Tiềm lấy vợ, cả ông Kiên lẫn đám bạn bè khá bất ngờ. Anh chàng cù lần ngày nào không biết tán gái giờ đã lấy được vợ.

Rồi bẵng đi mấy năm nữa, thỉnh thoảng, ông Kiên vẫn biết tin tức người chú họ. Nghe nói cuộc sống của gia đình Tiềm tương đối khó khăn vì vợ chồng Tiềm sinh được đứa con trai nhưng bệnh tật liên miên. Bản thân Tiềm, công việc cũng nhiều trắc trở. Nhưng cuộc sống với bộn bề lo toan nên bạn bè cũng chỉ biết vậy chứ không ai còn để ý đến Tiềm nữa.

Bỗng một ngày đầu năm 2012, ông Kiên giật mình khi đọc trên báo biết tin Tiềm chính là thủ phạm gài mìn vào xe Honda, sát hại chị dâu và cháu gái đang gây xôn xao dư luận. Bạn bè cũ đang sống trong miền Nam cũng gọi điện ra Hà Nội cho ông để hỏi chuyện. Họ hỏi ông: “Thằng Tiềm mà dám giết người á?”, “Nó cù lần vậy sao lại giết người”.

Luật sư kể về tuổi thơ của "sát thủ thuốc nổ" - 2

Trong phiên xử ngày 30/8, Nguyễn Đức Tiềm đã quay lại xin lỗi người thân nạn nhân (Ảnh: Hồng Phú/Khampha.vn)

Khi nhận lời bào chữa cho Tiềm, trong lòng luật sư Kiên luôn đan xen nhiều cảm xúc. Ông là luật sư, là người thân, cũng là người bạn của kẻ được cả xã hội mệnh danh “sát thủ thuốc nổ”, “chuyên gia bom mìn”.  Ông Kiên cho biết, quê ông hầu như ai cũng biết gài mìn bởi Xã Duy Tân có nhiều mỏ đá, công trường, nhà máy nổ mìn khai thác đá từ mấy chục năm nay. Trẻ con quê ông, đứa nào mà chẳng ra công trường chơi, nhặt mấy thứ phế thải đem về bán. Mấy trò đấu mìn, kích nổ, đám trẻ con cũng biết, đừng nói gì người lớn. Vì thế, Tiềm biết gài mìn là điều không quá khó hiểu.

Những lần vào trại tạm giam lấy lời khai, vị luật sư vẫn thấy Tiềm như người bạn học ngày nào. Vẫn lặng lẽ, ít nói. Luật sư hỏi gì, Tiềm trả lời nấy. Thỉnh thoảng Tiềm bày tỏ một vài lời tâm sự.

Có khi, ông Kiên tự hỏi, phải chăng cuộc sống nhiều trắc trở, nghiệt ngã đã khiến cho con người vốn “cô độc” như Tiềm ngày càng trở nên thống khổ, trầm mặc lẫn ức chế.

Luật sư còn nhớ, một lần, cán bộ trại giam giữ một số đồ đạc của Tiềm. Khi ông vào gặp, Tiềm nhờ ông nói với cán bộ trại giam cho xin lại quyển “kinh thánh” mà người nhà gửi vào. Nhận lại kinh thánh, Tiềm thoáng lộ một chút vui trong ánh mắt.

Sáng 1/12/2011, thai phụ Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1982, ở xã Nam Sơn - TP. Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh) chở con gái 5 tuổi Nguyễn Khánh Vân đi học trên chiếc xe máy Honda Super Dream. Vừa ra khỏi cổng, chiếc xe máy bỗng nhiên phát nổ. Chị Quỳnh tử vong ngay trong chiều cùng ngày, còn cháu Vân bị bỏng nặng được chuyển lên Hà Nội điều trị. Sau 10 ngày điều trị, do vết thương quá  nặng, cháu Vân không qua khỏi.

Hơn 1 tháng sau khi gây ra vụ giết người ám sát bằng thuốc nổ, Nguyễn Đức Tiềm bị bắt. Tiềm là chồng của chị Nguyễn Thị H. (em gái của anh Nguyễn Văn Quế, chồng chị Quỳnh). Năm 2008, Tiềm và chị H. kết hôn. Đến năm 2010, vợ chồng Tiềm dọn về ở nhờ nhà anh Quế. Khi gây án, Tiềm đang làm việc cho một khách sạn ở TP. Bắc Ninh.

Tiềm khai nhận, trong đời sống sinh hoạt, gã và chị Nguyễn Thị Quỳnh nảy sinh một số mâu thuẫn nhỏ nhặt. Tại tòa, Tiềm vẫn cho rằng gài mìn chỉ để "dạy cho chị Quỳnh một bài học". Trước đó, Tiềm từng dùng thủ đoạn tương tự làm cụt chân một người bạn khá thân là anh Lê Đức Trung (32 tuổi, cùng quê) vì nghi anh này quan hệ bất chính với vợ.

Tiềm còn bị phát hiện đã làm giả bằng tốt nghiệp đại học vào năm 2008.

Trên công đường, gia đình bố mẹ đẻ nạn nhân Quỳnh và luật sư của bị hại một mực cáo buộc rằng, Tiềm gây án có sự đồng lõa của vợ. Tuy nhiên tòa bác bỏ luận cứ này.

Sáng 21/11/2012, TAND tối cao tại tỉnh Bắc Ninh đã tuyên y án sơ thẩm, tử hình đối với Nguyễn Đức Tiềm.

Đón đọc Kỳ 3: Gặp luật sư của nữ sinh giết người tình trên xe Lexus trong loạt bài Gặp luật sư trong các vụ án chấn động vào 10h ngày 30/10/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Gặp luật sư trong các vụ án chấn động Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN