Luật sư cung cấp tình tiết mới chứng minh Hồ Duy Hải ngoại phạm

Chiều nay 3/7, luật sư Trần Hồng Phong người tham gia hỗ trợ gia đình tử tù Hồ Duy Hải và gia đình tiếp tục có đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải và cung cấp thêm tình tiết mới. Đơn này được gửi đến Chủ tịch nước, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Chánh án TAND Tối cao.

Trong đơn, luật sư Phong cho biết, thời gian gần đây, ông đã tiếp nhận được nhiều tài liệu, bản ảnh mới. Qua xem xét, đối chiếu nội dung, thứ tự bút lục, chữ viết, chữ ký, sự liên quan và thống nhất với các tài liệu trong hồ sơ vụ án cùng nhiều dấu hiệu khác, ông cho rằng đây là những tài liệu có thật, đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An thực hiện trong giai đoạn điều tra, đã được VKSND tỉnh Long An đánh số bút lục. Tuy nhiên sau đó đã bị rút, không đưa vào hồ sơ tố tụng chính thức.

Luật sư Trần Hồng Phong và gia đình Hồ Duy Hải.

Luật sư Trần Hồng Phong và gia đình Hồ Duy Hải.

Việc xác minh, làm rõ sự tồn tại của những tài liệu này là điều hoàn toàn khả thi, vì phần lớn những người có lời khai trong các tài liệu bị rút đều đang còn sống, có địa chỉ, thông tin rõ ràng.

Theo luật sư Trần Hồng Phong, qua những tài liệu mới xuất hiện, liên hệ với nội dung, bản chất và các tình tiết của vụ án, ông và gia đình Hồ Duy Hải cho rằng: CQĐT Công an tỉnh Long An đã có những hành vi có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, thể hiện ở những điểm chính sau đây:

Thứ nhất là không xác định, trưng cầu giám định giờ chết của hai nạn nhân. Theo quy định tại BLTTHS, trong chứng minh tội phạm, việc xác định chính xác thời gian vụ án xảy ra là có tính nguyên tắc, bắt buộc.

Trong vụ án này, ngay từ đầu CQĐT đã xác định được nguyên nhân chết của hai nạn nhân, đồng thời đã tiến hành chụp ảnh hiện trường, khám nghiệm, giám định tử thi…

Qua các tình tiết được ghi nhận và kết quả khám nghiệm, giám định, như: Tình trạng thức ăn trong dạ dày (thức ăn đã nguyễn, lượng ít), độ đông máu, độ co cứng tử thi, vết hoen, nhiệt độ cơ thể, màu da… có đủ cơ sở để có thể xác định được thời điểm chết của hai nạn nhân. Đây cũng chính là thời điểm hung thủ gây án.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.

Do vậy, việc CQĐT đã không trưng cầu giám định giờ chết của hai nạn nhân là bất thường và ảnh hưởng lớn đến việc xác định chính xác thời điểm hung thủ gây án.

Thứ 2 là có dấu hiệu cố tình làm sai lệch giờ hung thủ gây án, bỏ qua kết quả xác định nạn nhân Vân vẫn còn ở tiệm bán trái cây lúc 21h01.

Bên cạnh việc không giám định giờ chết của hai nạn nhân, còn có nhiều tình tiết thể hiện việc CQĐT đã cố tình làm sai lệch thời điểm hung thủ gây án. Cụ thể, luật sư Phong cho rằng, việc CQĐT xác định thời gian hung thủ ra tay sát hại hai nữ nạn nhân lúc khoảng 20h30 là quá sớm, không hợp lý.

CQĐT xác định thời gian gây án lúc "khoảng 20h30" là căn cứ vào lời khai của Hồ Duy Hải và chị Huỳnh Thị Kim Tuyền, người sống phía sau bưu cục Cầu Voi. Tại "Biên bản ghi lời khai" chị Tuyền ngày 29/3/2008 (BL 258), khoảng 20h30 phút tối 13/1/2008 chị có nghe tiếng la "ướt ướt" phát ra từ bưu cục.

Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án còn thể hiện có 3 bút lục khác về vấn đề này và có sự mâu thuẫn lớn với lời khai ngày 19/3/2008 của chị Tuyền.

Cụ thể, chị Nguyễn Thị Bích Ngân, là người bán trái cây cho Vân khai (biên bản ghi lời khai ngày 14/1/2008) như sau: "Vào lúc khoảng 20h45 – 21h ngày 13/1/2008 tôi đang bán trái cây thì có 1 cô gái ốm, cao mặc áo sơ mi màu trắng, tóc ngang vai đi bộ lại chỗ tôi mua trái cây. Tôi biết cô gái này làm ở Bưu điện Cầu Voi". Cô gái này chính là nạn nhân Vân.

Đặc biệt, hình ảnh do camera ghi lại tại cây xăng Cầu Voi lúc 21h01: Tại "Biên bản về việc xác định thời gian Nguyễn Thị Thu Vân đi mua trái cây trước khi bị sát hại" do CQĐT thực hiện ngày 16/1/2008 (BL 262) nội dung ghi rõ như sau:

"Anh Long (chồng chị Ngân, người bán trái cây cho Vân) cho biết: vào khoảng 20h50 ngày 13/1/2008 anh ở tại nhà, lúc này có Vân nhân viên bưu điện Cầu Voi đến mua trái cây tại nhà anh, vợ anh là Ngân ra bán trái cây cho Vân, cùng thời điểm này anh đi đến cây xăng Cầu Voi để bán xăng thì Vân còn ở tại nhà anh. Khi anh Long đi đến cây xăng Cầu Voi thì cây xăng Cầu Voi có ghi hình ảnh do chủ doanh nghiệp XD Cầu Voi có lắp đặt camera.

CQĐT đã mở máy quay phim ghi hình tại Cây xăng Cầu Voi xác định thời gian anh Nguyễn Thanh Long đến cây xăng đồng thời để xác định lại thời gian Nguyễn Thị Thu Vân đến mua trái cây tại nhà anh Long. Qua kiểm tra, máy quay phim tại cây xăng Cầu Voi thì anh Long đi đến cây xăng Cầu Voi để bán xăng là lúc 21h1'40'' ngày 13/1/2008. Khoảng cách từ nhà anh Long đến cây xăng Cầu Voi là khoảng 50m. Khi anh đi đến cây xăng thì Vân còn tại nhà anh".

Tiếp đó, theo vị luật sư, trong số những tài liệu bị rút khỏi hồ sơ vụ án mà ông vừa phát hiện, có Biên bản lấy lời khai của chị Tuyền ngày 14/1/2008, tức ngay sau đêm xảy ra vụ án (BL 113 – VKS đánh số). Theo biên bản này, chị Tuyền khai nghe tiếng kêu "ái ái" còn sớm hơn: Lúc 20h.

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải.

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải.

Qua những tài liệu trên, cho thấy có sự chênh lệch lớn (30 -60 phút) giữa 2 lời khai của chính chị Tuyền và lời khai của chị Ngân. Nếu xác định thời điểm chị Tuyền nghe tiếng kêu "á á" 20h30 là lúc hung thủ gây án thì sẽ vô lý, vì lúc 21h01– tức là 30 phút sau đó, nạn nhân Vân vẫn còn đang ở tiệm trái cây bên ngoài bưu cục.

Xét về mặt logic, thời điểm Vân mua trái cây phải được xem là quan trọng hơn rất nhiều so với thời gian chị Tuyền nghe tiếng kêu. Vì nạn nhân Vân không thể bị giết rồi sau đó 30 phút lại đi mua trái cây.

Từ những phân tích trên, luật sư Trần Hồng Phong cho biết, theo quy định tại BLTTHS, khi có những tình tiết/lời khai mâu thuẫn, CQĐT phải tiến hành xác minh, đối chất làm rõ. Thế nhưng trong vụ án này CQĐT đã không cho đối chất, mà thậm chí còn rút bớt một bản khai của chị Tuyền và không sử dụng thông tin rất quan trọng trong 2 bút lục còn lại.

Việc xác định thời gian gây án sai hoàn toàn có thể dẫn đến khả năng bỏ lọt hung thủ thật sự. Vì trong vụ án này, thời gian gây án có thể chỉ diễn ra trong vòng 5-10 phút.

"Một người từ TP.HCM, có thể gây án lúc 22h, sau đó quay về lại TP.HCM ngủ và được người quen xác nhận là tối qua ngủ ở nhà. Hoặc một đối tượng tình nghi nhưng chứng minh được đang ở quán cà phê lúc 21h lại có thể được xem là có tình tiết "ngoại phạm" trong trường hợp CQĐT xác định giở gây án không chính xác" – ông Phong diễn giải về một giả thiết.

Nguồn: [Link nguồn]

Ban Nội chính T.Ư tham gia nghiên cứu về vụ án Hồ Duy Hải

Ban Nội Chính Trung ương tập trung nghiên cứu, tham mưu Ban Bí thư về vụ án Hồ Duy Hải, vốn được dư luận quan tâm sau phán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Việt ([Tên nguồn])
Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN