Lừa đảo chiếm đoạt tiền qua online vay 100 triệu đồng, mất 3 tỷ đồng

Lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu vay tiền của người dân để tiêu dùng và phục vụ kinh doanh tăng cao nên các đối tượng tăng cường thực hiện hoạt động cho vay tiền qua app (vay tiền online) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công an các đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã liên tiếp tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo các đối tượng dùng thủ đoạn hoạt động cho vay tiền qua app để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 01-02-2023, bà T.X.C (SN 1983, ngụ TX.Chơn Thành, H.Chơn Thành, Bình Phước) đến cơ quan công an trình báo: trước Tết, bà có lên mạng đăng ký vay 100 triệu đồng qua app, trang https://www.fcomvn.com (đây là app giả mạo trang https://fccom.com.vn của công ty tài chính TNHH MTV Cộng Đồng).

Trong quá trình giao dịch, những đối tượng trong vai hướng dẫn hoặc thẩm định cho vay đã liên tiếp đưa ra rất nhiều thông báo đến bà T.X.C như "sai tên người hưởng thụ”, yêu cầu bà "đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang chữ in hoa", thông tin bà cung cấp "thiếu số điện thoại người thân để tham chiếu", rồi là "tài khoản của bà bị hack", "không đủ điều kiện vay"... cuối cùng nếu bà "không nạp kích hoạt sẽ mất tiền", "tài khoản phải có đủ 1 tỷ mới giải ngân"... với rất nhiều lý do đó, mỗi lần nhận thông báo, đối tượng yêu cầu người vay phải nộp tiền vào một tài khoản mà các đối tượng chỉ định, từ đó số tiền nộp cứ tăng dần theo mỗi lần nộp vào. Do tâm lý nộp tiền vào rồi sẽ muốn rút được tiền ra, nên khi kẻ lừa đảo báo xảy ra lỗi trong giao dịch, cần phải nộp thêm tiền vào mới rút được tiền thì bà T.X.C tiếc số tiền đã nộp nhưng chưa rút được, nên tiếp tục nộp tiền vào.

Với chiêu lừa đảo này, các đối tượng đã yêu cầu bà T.X.C nhiều lần chuyển tiền với tổng số gần 3 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định. Chỉ đến khi biết bà T.X.C hết tiền, đối tượng liền cắt liên lạc, trên app bà T.X.C vay tiền hiện thông báo "đang treo". Lúc này bà T.X.C mới tỉnh ngộ, biết mình bị lừa nên đến Công an tỉnh Bình Phước để trình báo.

Bẫy đầu tư kinh doanh ảo

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Tây Ninh đã nhận được đơn tố cáo của nhiều người dân bị lừa hàng tỷ đồng khi tham gia vào trang giao dịch đầu tư tiền trên mạng xã hội, mạng internet.

Anh N.V.N (SN 1986, ngụ H.Bến Cầu, Tây Ninh) là một trong những nạn nhân bị lừa hơn 2 tỷ đồng trình báo trong đơn: Cuối năm 2022, khi tham gia vào trang giao dịch "Paxful" trên internet, lần đầu tham gia, anh N. chỉ nộp 500.000 đồng/đơn đăng ký và được nhà mạng cấp cho anh một mã số điền vào tạo "ví tiền". Sau đó anh N.V.N rút ra được 30% lợi nhuận trên số tiền đóng vào, một vài lần chơi tiếp theo, số tiền gốc và lãi đều rút được về tài khoản của mình khiến anh càng tin tưởng. Những lần chơi sau, họ yêu cầu nộp tiền ngày càng nhiều với lý do anh N. là người mới tham gia, anh N. không biết cứ nộp tiền theo yêu cầu của họ, chỉ trong thời gian 1 tuần, anh N. đã nộp tổng cộng số tiền gần 1,5 tỷ đồng!

Lừa đảo chiếm đoạt tiền qua online vay 100 triệu đồng, mất 3 tỷ đồng - 1

Lừa đảo chiếm đoạt tiền qua online vay 100 triệu đồng, mất 3 tỷ đồng - 2

 Một số giao diện được kẻ lừa đảo sao chép

 Một số giao diện được kẻ lừa đảo sao chép

Đến khi anh N. muốn rút bớt tiền trong ví để chuyển qua tài khoản cá nhân thì họ thông báo nhiều lý do "nghe có vẻ hợp lý” để yêu cầu anh N. nộp tiền thêm mới rút tiền trong ví ra được. Lần sau cùng, họ yêu cầu anh N. nộp thêm gần 500 triệu đồng nữa mới đồng ý duyệt số tiền hơn 2,1 tỷ đồng chuyển về tài khoản của anh N. Tới lúc này anh N. mới phát hiện mình bị lừa, anh N. chua xót: "Do mình nhẹ dạ, cả tin và thêm phần trong lúc thực hiện các giao dịch được nhiều người phối hợp rất tinh vi, làm mình bị cuốn vào trò lừa của họ mà không hay biết!".

Một trường hợp khác là bà L.T.M (SN 1950, ngụ TP.Tây Ninh) cũng bị lừa trên 3,6 tỷ đồng. Bà M. cho biết, vào đầu tháng 12-2022, bà vào trang quảng cáo "Đầu tư thông minh" trên Facebook tham gia với hình thức đầu tư đồng Bitcoin, ngay sau đó bà được các chuyên gia tư vấn riêng qua tin nhắn Telegram và kết quả bà M. bị lừa chuyển khoản trên 3,6 tỷ đồng.

Theo lời bà M. trình báo với cơ quan công an thì ban đầu, nhóm người tư vấn có chuyển hợp đồng gói đầu tư siêu lợi nhuận để tạo lòng tin, đứng tên trong hợp đồng là Công ty cổ phần Chứng khoán Việt Nam có địa chỉ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cùng hình ảnh các chuyên gia tư vấn đặt lệnh, tư vấn dịch vụ khách hàng. Bà M. đã nhận lời tham gia gói đầu tư 30 triệu đồng, ngay lập tức bà được thông báo gói đầu tư phát sinh lợi nhuận lên đến 390 triệu đồng! Đồng thời chuyên gia kêu bà M. vào nhóm kín (group) trên mạng xã hội Telegram. Khi bà M. vào trong nhóm, họ kêu đang nhập vào website "bit.ly..." để đầu tư chuỗi thương mại Trade Chain và giao cho bà M. một tài khoản với mật khẩu đăng nhập (trong tài khoản có số tiền 390 triệu đồng).

Trong thời gian này, bà M. đặt lệnh theo hướng dẫn của chuyên gia từ gói sinh lời 390 triệu đồng, nhưng khi bà M. yêu cầu rút tiền vốn cũng như một phần tiền lời trong số 390 triệu đồng thì hệ thống không trả lại mà đưa ra nhiều lý do... dẫn dụ bà M. nạp thêm tiền vào 4 tài khoản khác với tổng số tiền lên hơn 3,6 tỷ đồng!

Hiện nay, nhiều người vì thấy việc tham gia đầu tư thu lợi nhuận quá lớn nên tham gia mà không hiểu rõ đây là một hình thức giao dịch tiền ảo. Sàn giao dịch tiền ảo nói chung và các loại tiền ảo nói riêng trên thị trường Việt Nam hiện nay vẫn không được Nhà nước công nhận và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Công an Tây Ninh khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn, trả theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán đầu tư tiền ảo trên internet, mạng xã hội để tránh bị tiền mất, hận mang...

Cảnh báo của cơ quan công an

Hiện nay các đối tượng lừa đảo luôn tìm cách tiếp cận người cần vay tiền thông qua các hình thức gọi điện, nhắn tin đến số điện thoại hoặc đăng tải các bài viết trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... để quảng cáo, cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, thủ tục online. Sau khi đã tiếp cận được người cần vay tiền, đối tượng sẽ thực hiện các bước như với bà T.X.C nêu trên và quan trọng nhất là chúng luôn yêu cầu người vay phải đóng một khoản tiền phí để đảm bảo, xác minh, hỗ trợ duyệt vay. Khi người vay đã nộp phí trên thì các đối tượng sẽ có vô vàn lý do yêu cầu phải tiếp tục nộp thêm tiền để khắc phục các lỗi sai trên, và hứa sẽ hoàn trả cho khách hàng sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định để rồi... chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Vì vậy trước khi quyết định vay tiền qua app, người dân nên cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực tính minh bạch của công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục tài chính, vay mượn tiền bằng cách gọi điện thoại đến các số hotline của các công ty, kiểm tra xem xét kỹ các đường link trang web trước khi truy cập. Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (CMND, CCCD, địa chỉ...) khi chưa xác định chính xác app trang Web và danh tính tư vấn viên. Không chuyển tiền để đóng phí giải ngân khoản vay qua tài khoản cá nhân, không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hay mã OTP do ngân hàng cung cấp cho bất kỳ ai.

Triệt phá nhóm lừa đảo gần 60.000 bị hại ở 40 tỉnh thành

Công an thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) vừa triệt phá, bắt giữ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông với gần 59.300 bị hại ở 40 tỉnh thành cả nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Khánh ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN