Lừa “chạy án” và những chiêu bài “bán giời không văn tự”

Đánh vào tâm lý của những người vướng vào vòng lao lý, muốn được giảm án hoặc để được cải tạo không giam giữ, không ít đối tượng đã tiếp cận, “nổ” mình có nhiều mối quan hệ, có thể “chạy án”. Tuy nhiên, sau khi tạo được lòng tin và chiếm đoạt tiền của bị hại, các đối tượng này đã sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.

Liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng

Đầu năm 2021, bà Nguyễn Thị X. (SN 1979, trú tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tham gia sát phạt đỏ đen với nhóm người trong xã, bị Công an huyện Quỳnh Lưu bắt quả tang, sau đó bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Năm tháng sau, TAND huyện đưa vụ án ra xét xử, bà X. bị tuyên phạt 9 tháng tù giam. Lo lắng khi phải đi thi hành án, một mặt bà X. làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm xin giảm hình phạt, mặt khác chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm người kết nối nhờ để “chạy án”.

Nguyễn Văn Bắc vướng lao lý, mất hết sự nghiệp

Nguyễn Văn Bắc vướng lao lý, mất hết sự nghiệp

Biết chuyện, Hoàng Ngọc Hạnh (SN 1996) trú tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tìm cách tiếp cận, “nổ” với bà X. về việc mình có nhiều mối quan hệ rộng ở tỉnh, có thể giúp bà này giảm từ hình phạt tù giam xuống tù treo (cải tạo không giam giữ). Đang trong lúc hết sức lo lắng, gia đình bà X. đã tin tưởng giao cho Hạnh số tiền 350 triệu đồng (trong tổng số 450 triệu theo thỏa thuận) để lo việc “chạy án”. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, thay vì lo công việc như đã hứa hẹn, Hạnh lập tức vào các tỉnh miền Nam ăn chơi, sử dụng số tiền này để tiêu xài cá nhân. Việc duy nhất mà Hoàng Ngọc Hạnh làm là hướng dẫn cho bà X. viết đơn xin tạm hoãn xét xử để có thời gian “chạy án”, song thực chất là kế hoãn binh mà đối tượng tự nghĩ ra nhằm qua mặt gia đình bị hại.

Một số đối tượng lừa “chạy án” gần đây bị Công an Nghệ An bắt giữ

Một số đối tượng lừa “chạy án” gần đây bị Công an Nghệ An bắt giữ

Ngày 22-10-2021, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên toà phúc thẩm và xét xử vắng mặt đối với bà X., tuyên phạt y án sơ thẩm. Biết chuyện, nhưng tối cùng ngày, Hoàng Ngọc Hạnh vẫn gọi điện cho bà X. thông báo đã “chạy án” xong, tòa án đã áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo để nhận nốt số tiền 100 triệu còn lại. Gần nửa tháng sau đó, bà Nguyễn Thị X. nhận được thông báo về việc phải đi thi hành án phạt tù mới biết mình bị lừa, nên đã nhiều lần liên lạc đòi lại tiền nhưng bất thành. Vào cuộc điều tra theo tố giác tội phạm của bị hại, ngày 18-3-2022 Công an huyện Diễn Châu đã bắt giữ, và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để mở rộng điều tra vì có thêm nhiều nạn nhân tố cáo việc Hoàng Ngọc Hạnh nhận tiền để “chạy án” nhưng bất thành.

Cũng trong tháng 3-2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Thị Liên (SN 1973), trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) để điều tra liên quan đến việc “chạy án”. Đây là đối tượng thuộc thành phần bất hảo, chồng đang thụ án 20 năm trong tù về tội liên quan đến ma túy, bản thân Liên từng bị tù giam về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả. Gần đây, Liên thường xuyên tìm hiểu thông tin về những vụ án bị lực lượng Công an triệt xóa hoặc các vụ tranh chấp đất đai, có khởi kiện dân sự để tiếp cận các nạn nhân. Sau đó, đối tượng tự giới thiệu bản thân quen biết nhiều cán bộ có chức vụ trong lĩnh vực tố tụng, ngành tòa án, có khả năng "chạy án" cho các bị can, bị cáo được tại ngoại hoặc hưởng án treo, giúp họ thắng kiện trong các vụ án dân sự. Kèm theo thỏa thuận, các nạn nhân phải chi trả số tiền hàng trăm triệu đồng.

Hoàng Ngọc Hạnh lừa “chạy án” để nhận 450 triệu đồng tiêu xài cá  nhân

Hoàng Ngọc Hạnh lừa “chạy án” để nhận 450 triệu đồng tiêu xài cá  nhân

Cuối tháng 9-2021, biết Võ Thị N. (SN 1993) trú tại huyện Yên Thành vừa bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” nhưng đang được tại ngoại vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Liên đã tiếp cận, làm quen và hứa hẹn sẽ “chạy án”, để khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, N. được giảm ít nhất là 3 năm tù. Bù lại, người này phải chi số tiền 300 triệu đồng cho Liên.

Tháng 2-2022, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên phúc thẩm, tuyên án Võ Thị N. y án sơ thẩm là 5 năm tù. Lúc này, Liên mới thừa nhận là không có khả năng chạy án, số tiền chiếm đoạt đã tiêu xài cá nhân hết nên bỏ trốn khỏi địa phương. Sau một thời gian theo dõi, tối ngày 24-2-2022, phát hiện Liên đang lẩn trốn tại nhà chồng ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở và ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Liên.

Nhận hàng trăm triệu đồng nhưng các đối tượng “chạy án” chỉ để lại những tờ giấy viết tay nhằm tạo lòng tin cho các nạn nhân

Nhận hàng trăm triệu đồng nhưng các đối tượng “chạy án” chỉ để lại những tờ giấy viết tay nhằm tạo lòng tin cho các nạn nhân

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hằng năm trên địa bàn Nghệ An, lực lượng công an các cấp đã thụ lý, điều tra hàng chục vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có không ít tội phạm liên quan đến “chạy án”. Lợi dụng tâm lý của người phạm tội hoặc thân nhân đối tượng, khi có hành vi vi phạm pháp luật thường sợ phải thụ án tại các trại giam nên tìm đủ mọi cách để xin giảm từ tù giam xuống cải tạo không giam giữ, hoặc rút ngắn thời gian thi hành án phạt tù, nhiều đối tượng đã “nổ” có nhiều mối quan hệ quen biết với các lãnh đạo cấp cao để “chạy án”. Thực tế cho thấy, đa phần các đối tượng sau khi chiếm được lòng tin của bị hại, nhận được tiền rồi đều sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân chứ không có động thái giúp đỡ để được giảm án.

Người dân cần cảnh giác

Theo phân tích của Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, trong trình tự tố tụng, khi cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ, chuyển viện kiểm sát phê chuẩn và tòa xét xử thì hồ sơ đã khép kín, không thể can thiệp. Khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, cũng có trường hợp kháng cáo, phúc thẩm được giảm án, nhưng không phải là do “chạy án” mà quá trình xem xét lại hồ sơ, có thể bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ mà tại phiên sơ thẩm chưa xem xét kĩ lưỡng, hoặc bị cáo bổ sung thêm một số tình tiết có lợi cho bản thân, hội đồng xét xử phiên phúc thẩm sẽ hội thẩm để giảm hình phạt cho bị cáo. Trên thực tế, vẫn có những trường hợp đối tượng khoe “chạy án” thành công khi bị cáo được giảm án tại phiên phúc thẩm thật, nhưng như trên đã phân tích, đây là những trường hợp “xẩm vớ được gậy”, chứ thực tế không có chuyện “chạy án”.

Đối tượng Nguyễn Thị Liên “ôm” 300 triệu đồng nhưng không lo được cho bị hại giảm án

Đối tượng Nguyễn Thị Liên “ôm” 300 triệu đồng nhưng không lo được cho bị hại giảm án

Nguyên nhân dẫn đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “chạy án” vẫn tồn tại, và có xu hướng ngày càng tăng, theo Luật sư Nguyễn Cao Trí, Văn phòng Luật sư Cao Trí và cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, để đổi lại sự tự do, không ít đối tượng, và đặc biệt là người thân của họ sẵn sàng vay mượn, bỏ ra số tiền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để nhờ người “chạy án”. Đối tượng trong lĩnh vực này cũng vì thế mà hết sức đa dạng, từ những người không nghề nghiệp, có tiền án tiền sự đến cán bộ, công chức cũng lao vào, dẫn đến vướng vòng lao lý. Đơn cử, như câu chuyện của Nguyễn Văn Bắc (SN 1976), Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TX. Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) thông qua một đối tượng ở Hà Nội, nhận “chạy án” cho một người quen đang bị điều tra về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Thỏa thuận với người trực tiếp “chạy án” là 1,2 tỉ đồng, nhưng Bắc đã nâng lên thành 1,5 tỉ nhằm hưởng chênh lệch. Nhận tiền, Bắc và đối tượng này sử dụng cá nhân, không có hoạt động gì liên quan đến việc xin giảm án. Sự việc sau đó bị người nhà đối tượng tố cáo, tháng 8-2020, Bắc mất chức, mất việc và nhận mức án 30 tháng tù giam.

Theo các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống nhân dân. Trong đó, thủ đoạn giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo vẫn tiếp tục xảy ra mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, cảnh báo. Một trong những phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là giả danh là người quen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu để lừa đảo. Sau đó, hứa hẹn có thể chạy án, xin việc, xin dự án… nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, để không tiền mất tật mang, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến vấn đề “chạy án” vốn đang nhức nhối trong thời gian gần đây.

Hé lộ nhân vật môi giới ”chạy án” cho nhóm cướp tại quận Tây Hồ

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cho rằng, ông Phùng Anh Lê, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã nhận 110 triệu đồng từ người nhà nghi phạm rồi gây sức ép, buộc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiện Thành ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN