Lột mặt nạ những kẻ lừa đảo gắn mác kiều nữ, doanh nhân

Nhiều kẻ lừa đảo tạo vỏ bọc cho bản thân dưới mác doanh nhân thành đạt hay giám đốc, chủ tịch công ty để giăng bẫy lừa những người nhẹ dạ cả tin nộp tiền vào những dự án đầu tư "ảo" mang lại lợi nhuận cao.

Những đối tượng là giám đốc, chủ tịch công ty bị điều tra về hành vi lừa đảo.

Những đối tượng là giám đốc, chủ tịch công ty bị điều tra về hành vi lừa đảo.

"Bánh vẽ" của chủ tịch, giám đốc

Ăn diện thời trang, thường xuyên check in tại những nơi sang chảnh để khoe sự giàu, sành điệu, luôn “nổ” về các dự án đầu tư lớn nhưng thực chất một chủ tịch, giám đốc, kiều nữ chỉ là kẻ lừa đảo, đã khiến cho nhiều nạn nhân rơi vào cảnh trắng tay.

Điển hình, Nguyễn Văn Dũng (SN 1984, trú tại Hà Đông) - Tổng Giám đốc Cty CP Tầm nhìn Gia Nguyễn Group điều hành Cty làm ăn thua lỗ nên đã bày trò lừa đảo góp vốn thông qua việc mua các màn hình quảng cáo. Dũng chỉ đạo nhân viên mở lớp học nhằm lôi kéo người dân tại Hà Nội và các tỉnh, thành đổ tiền vào dự án.

Để tạo lòng tin, Dũng thường xuyên xuất hiện trong vỏ bọc một doanh nhân giàu có đi Mercedes Maybach và những clip kinh doanh, làm giàu trên Youtube. Cùng với đó, Dũng che mắt nhà đầu tư bằng cơ sở sản xuất màn hình quảng cáo đi mượn địa điểm của bạn bè... chỉ trong vài tháng đã có 400 nhà đầu tư góp số tiền 43 tỷ đồng vào “dự án ma” này.

Cũng với thủ đoạn trên, Phùng Thị Nghệ (SN 1985, trú tại TP HCM) - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Hưng Phát bị tố lừa đảo số tiền hàng trăm tỷ đồng của nhiều người thông qua việc góp vốn kinh doanh xăng dầu và mở ngân hàng.

Trên các trang mạng xã hội, Nghệ đăng tải những hình ảnh sang chảnh trong "biệt phủ" lộng lẫy và mời họ đến chơi khiến những người kinh doanh lâu năm cũng trở thành nạn nhân. Trong đó, có người đã chuyển cho Nghệ góp vốn tới 260 tỷ đồng.

Tương tự, Âu Thị Thanh Hằng (SN 1996, trú tại Nghệ An) không có nghề nghiệp ổn định nhưng lại giới thiệu là doanh nhân bất động sản thành đạt, kêu gọi nhà đầu tư “chung vốn” để chiếm đoạt tiền. Sau khi tạo niềm tin, Hằng tự làm hợp đồng đặt cọc mua bán, làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi chuyển cho nhà đầu tư đất, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Nhiều nạn nhân bị lừa khi đi làm cộng tác viên bán hàng.

Nhiều nạn nhân bị lừa khi đi làm cộng tác viên bán hàng.

Bẫy lừa giăng chi chít, cần cảnh giác

Ngoài các thủ đoạn nêu trên, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) Bộ Công an cảnh báo, thời gian gần đây tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Nói về tình trạng này, thượng tá Hoàng Nam Phương - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn, điều tra tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Cục CSHS) cho biết, trong số các thủ đoạn lừa đảo có thể kể đến việc giả danh nhà mạng gọi điện thông báo trúng thưởng tài sản giá trị lớn, muốn nhận nạn nhân phải nộp một khoản tiền vào tài khoản do chúng chỉ định. Hay thủ đoạn giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có tiền chuyển đến nhưng bị lỗi và phải cung cấp cho đối tượng số thẻ, mã OTP để lấy lại.

Ngoài ra, hình thức giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thoại yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đang gây bức xúc trong dư luận bởi số tài sản bị chiếm đoạt rất lớn và nạn nhân ở mọi lứa tuổi.

"Họ nhẹ dạ cả tin, tiếp cận không đầy đủ quy trình, quy định trong hoạt động điều tra nói chung và của cơ quan tố tụng nói riêng là không bao giờ làm việc qua điện thoại" - thượng tá Phương nói và cho biết, khi liên quan đến tài sản của người dân thì cơ quan điều tra phải mời lên trụ sở để làm việc chứ không có chuyện yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản.

Nguyên nhân có thể do bị hại lo sợ phiền phức, tâm lý muốn "nhờ vả" cho xong chuyện và bị các đối tượng tác động vào diễn biến tâm lý bằng cách gọi điện dồn dập dẫn đến không đủ thời gian nhận định đâu là thật, là giả và làm theo yêu cầu của chúng.

Ngoài ra, thượng tá Phương nêu thêm 1 thủ đoạn đang nở rộ hiện nay là tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng trên sàn thương mại điện tử. Mặc dù số tiền bị chiếm đoạt của từng bị hại không lớn nhưng rất nhiều người sập bẫy.

Các đối tượng lập Facebook giả trang thương mại điện tử và chạy quảng cáo tuyển cộng tác viên. Khi bị hại liên hệ, chúng sẽ yêu cầu gửi thông tin cá nhân qua Zalo để tư vấn tham gia và nhận được đường link để xác thực đơn hàng, đồng thời yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định để làm nhiệm vụ.

“Ban đầu, các đối tượng sẽ hoàn lại toàn bộ tiền cùng 3-20% hoa hồng. Nếu muốn nâng hạng thì bị hại phải tham gia các đơn hàng có giá trị cao hơn, ai chuyển tiền thì bị chúng chiếm đoạt...”- thượng tá Phương thông tin.

Hai đối tượng Tiến (trái) và Tùng.

Hai đối tượng Tiến (trái) và Tùng.

Cục CSHS vừa phối hợp với Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ 2 đối tượng Mai Thanh Tùng (SN 1992) và Vũ Văn Tiến (SN 1994, cùng trú tại Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, Tùng biết một số cá nhân, công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện phải có chứng chỉ PCCC mới được hoạt động nên bàn với Tiến giả danh cảnh sát gọi điện yêu cầu tập huấn 3-5 ngày với kinh phí 2-6 triệu đồng/người.

Khi “con mồi” cắn câu, Tùng gửi cho họ 1 bộ bảo hộ và yêu cầu nộp phí tập huấn cho nhân viên bưu điện. Tổng số bị hại của các đối tượng lên tới hàng nghìn người và số tiền chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Sự thật về nữ doanh nhân bất động sản xinh đẹp như hot girl, sở hữu xế sang Mercedes

Cơ quan công an đã lật tẩy vỏ bọc của Âu Thị Thanh Hằng, tự xưng là nữ doanh nhân bất động sản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN