Lòng người mở ra khi phiên tòa khép lại

Những tưởng sẽ có căm hận, nguyền rủa hay hả hê với bản án cho kẻ tội đồ, nhưng không, người ta chỉ thấy sự bao dung, lòng độ lượng giữa con người với con người.

Đối diện với “đứa trẻ” 17 tuổi, kẻ đã cướp đi mạng sống đứa con gái duy nhất của mình tại phiên tòa, những tưởng người mẹ sẽ dùng ánh mắt chứa đựng sự căm hận cùng với những lời lẽ kết án cay nghiệt, hoặc chí ít cũng sẽ hả hê, thỏa mãn với bản án kết tội được tòa đưa ra. Nhưng không, người ta chỉ thấy ở phiên tòa ấy sự bao dung, tấm lòng vị tha, độ lượng giữa con người với con người.

Phiên tòa đặc biệt xét xử vụ án Nguyễn Hoài Thương giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản từng gây xôn xao dư luận buổi sáng hôm ấy thu hút đông đảo người thân, bạn bè nạn nhân cũng như người dân đến theo dõi. Họ đến một phần vì tò mò muốn xem chân dung hung thủ để có thể lý giải nguyên nhân vì sao mà một “đứa trẻ đang ở tuổi ăn tuổi lớn” lại có thể ra tay sát hại nạn nhân một cách lạnh lùng, tàn nhẫn đến thế; song điều quan trọng hơn là xem thái độ của người mẹ (chị Ngô Thị Quỳnh Ly) với kẻ đã cướp đi sinh mạng đứa con yêu quý duy nhất của mình.

Phiên tòa diễn ra trong vòng bảo vệ an ninh nghiêm ngặt nhằm đề phòng những hành động quá khích của thân nhân bị hại. Trái với những lo ngại của cơ quan chức năng, không khí phiên tòa khá trật tự, trầm lắng. Khoảng cách giữa bị cáo và gia đình bị hại dường như bị thu hẹp hơn bởi những dãy ghế nêm chật người. Mọi ánh mắt quan sát đều dồn về phía bị cáo và người mẹ.

Theo cáo trạng Nguyễn Hoài Thương (SN 1994, trú tại tổ dân phố Tân Hà 4, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) quen biết Nguyễn Thị Quỳnh Hương (SN 1996, trú thôn Tân Hà 4, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ). Sáng 19/5/2011 Nguyễn Hoài Thương gọi điện cho Hương đến đón đi chơi; cả hai đi vào khu vực rẫy cà phê thuộc địa bàn tổ dân phố Tân Hà 4 để nói chuyện.

Tại đây Nguyễn Hoài Thương đòi Hương trả số tiền đã mượn trước đó, hai bên xảy ra tranh cãi, bực tức Thương đã dùng cùi chỏ đánh vào gáy khiến Hương ngã khuỵu xuống đất, sau đó dùng tay bóp cổ, khi thấy nạn nhân không cử động thì kéo vào chỗ khuất thực hiện hành vi giao cấu. Sau khi gây án, Nguyễn Hoài Thương đã báo cho bạn là Nguyễn Quốc Diễn đến tìm cách phi tang xác nạn nhân, tên Thương lấy tài sản trên người nạn nhân gồm dây chuyền, nhẫn, đồng hồ và điện thoại di động, sau đó bỏ xác vào bao, chở đến rẫy một người dân tại buôn Yao, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) ném xuống giếng phi tang. Đến ngày 2/11/2011 thì người dân phát hiện ra xác nạn nhân. Ngày 12/11/2011 Nguyễn Hoài Thương và Nguyễn Quốc Diễn bị bắt giữ.

Diễn biến của vụ việc một lần nữa được tái hiện một cách chi tiết, cụ thể qua phần thẩm vấn của Hội đồng xét xử khiến nỗi đau người mẹ chưa kịp nguôi ngoai lại bùng lên. Ôm chặt di ảnh đứa con gái vào lòng, những ngón tay khô gầy, xanh xao của người mẹ dịu dàng miết chặt lên gương mặt thông minh, xinh xắn của cô bé. Chị không khóc, dường như nước mắt chị đã khô cạn sau hơn 5 tháng trời ngày đêm ròng rã khóc con. Trong quá trình tòa chất vấn, dù bị cáo nhiều lần biện minh cho tội lỗi của mình bằng những lý lẽ không thuyết phục, chị vẫn lặng im. Đến khi vị chủ tọa phiên tòa phân tích, chỉ rõ động cơ gây án của bị cáo và kết luận: “Hành vi của bị cáo không thể tha thứ được bởi nó không còn một chút nhân tính” thì chị vẫn nhìn Nguyễn Hoài Thương với ánh mắt kỳ vọng nơi bị cáo nói lên một lời thành khẩn, hối lỗi muộn màng.

Trong suốt phiên tòa, người mẹ không hề có một cử chỉ xúc phạm hay lời lẽ cay nghiệt với bị cáo cũng như gia đình bị cáo mà chỉ một hai là “gia đình bị cáo và bị cáo Thương” khiến mọi người hết sức bất ngờ khi biết được đoạn trường gian lao mà chị đi tìm con cũng như khi biết gia đình bị cáo không hề có một hành động thể hiện trách nhiệm với hành vi con mình gây ra.

Thậm chí khi Hội đồng xét xử yêu cầu chị thống kê những chi phí, thiệt hại về tài sản để có cơ sở định giá, tính toán tiền bồi thường, dường như chị cũng không có một sự chuẩn bị tính toán thiệt hơn nào. “Chiếc xe Trung Quốc ấy cháu sử dụng mấy năm nay là của một người bác mua cho, không biết là bao nhiêu nữa, còn chiếc đồng hồ và dây chuyền vàng tây tôi mua cho cháu lâu lắm rồi, hình như là một triệu hay triệu hai gì đó…” chị trả lời Hội đồng xét xử một cách dè dặt, ngập ngừng, như sợ mình nói quá giá trị những tài sản đã bị cướp. Cả đến khi chủ tọa phiên tòa hỏi chị có hài lòng với tổng số tiền tòa yêu cầu bị cáo phải đền bù chưa, chị cũng chỉ nói: “Tòa định bao nhiêu gia đình tôi cũng chấp nhận cả!”.

Sau giờ nghị án, Hội đồng xét xử tuyên án Nguyễn Hoài Thương 18 năm tù giam, nhiều tiếng xì xào, vang lên “Tội của nó nếu đủ tuổi thì đã bị tử hình” thì chị vẫn một lòng bao dung: “Con tôi mất thì đã mất rồi, dù gia đình Thương có đền bù bao nhiêu tiền đi nữa, Thương có ngồi tù 1 năm hay 18 năm thì con tôi cũng không sống được. Tôi chỉ mong Thương biết nhận ra lỗi lầm, cải tạo tốt để trở về làm người có ích cho gia đình, xã hội”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Triều (Đắc Lắc Online)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN