Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu.

Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên băng ghế trước cửa phòng xử C Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM. Nghe gọi tên P.T.T.T, cô giật nảy mình, líu ríu bước đến sau vành móng ngựa. Cô là bị cáo trong vụ án “Cố ý gây thương tích”.

Bi kịch gia đình trẻ

T. và anh N.V.C kết hôn năm 2008. Cũng trong năm đó, họ đón đứa con trai đầu lòng. Lúc ấy, anh C. 24 tuổi, còn T. 17 tuổi.

Do còn trẻ, cả hai thường xuyên cãi vã, đánh nhau dù chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Sáng 16-12-2009, T. đưa con trai đến nhà mẹ ruột nhờ giữ giùm rồi về nhà đem quần áo ra giếng giặt. Thấy chồng ngồi chơi với mấy người bạn trong nhà, T. bực mình cằn nhằn: “Anh ra san đất để tôi quét sân”.

Đang nói chuyện hào hứng với bạn, bị vợ sai, C. lớn tiếng: “Chưa có xi măng mà san đất cái gì?”. Chỉ có vậy, hai bên lời qua tiếng lại rồi cầm vật dụng trong nhà ném vào người nhau.

“Trận chiến” lên đến cực điểm khi trong cơn nóng giận, anh C. lấy cây lau nhà đánh và túm tóc vợ lôi đi. Vớ được con dao trong chậu rửa chén, T. giơ lên dọa chồng: “Ông đánh nữa là tôi đâm”. C. vẫn không ngần ngại, tiếp tục lao vào đánh. Vợ chồng xô đẩy nhau, con dao trên tay T. cầm bị trượt đã đâm chết chồng.

“Chỉ cần con biết lỗi...”

Tại phiên tòa phúc thẩm, vị chủ tọa hỏi bà L.T.H (mẹ ruột C.) có rút đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo không. Nhắm mắt, thở hắt một hơi dài, bà H. nói: “Thương cháu nội, tòa xử T. mấy năm tôi cũng chấp nhận. Vậy mà ra đường gặp tôi, T. còn chửi. Tôi giận lắm…”.

Lòng bao dung của người mẹ chồng - 1

P.T.T.T bật khóc khi được mẹ chồng nói lời tha thứ.

“Dù sao bị cáo cũng là con dâu của bà, khi vụ án xảy ra, T. còn quá trẻ. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo xuất phát từ mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng nhưng sâu xa hơn nữa còn có trách nhiệm của 2 gia đình” - vị chủ tọa phân tích.

Bà H. nghẹn ngào: “Từ ngày con trai tôi mất, T. và gia đình chưa một lần qua xin lỗi. Nếu nó xin lỗi, tôi sẵn sàng tha thứ. Thực lòng, đẩy con dâu vào con đường tù tội, tôi cũng đâu có được gì”.

Được sự động viên của vị chủ tọa, T. quay về phía mẹ chồng vừa khóc vừa nói: “Mẹ, con biết lỗi rồi. Mẹ tha thứ, bỏ qua cho con”. Nghe T. nói, bà H. đổi cách xưng hô: “Mẹ chỉ cần con biết hối lỗi là đủ…”. Rồi quay lên HĐXX, bà dứt khoát: “Tôi tha thứ, tôi rút đơn kháng cáo”.

Cô con dâu vội vã ra về. Nhìn theo T., bà H. thở dài: “Hồi trước, T. quen với em họ của C. Sau đó, 2 đứa chia tay, T. buồn, gọi C. đến tâm sự, uống say rồi xảy ra chuyện. Biết T. có thai, gia đình tôi tổ chức đám cưới. Vợ chồng đến với nhau không xuất phát từ tình yêu, thiếu sự hiểu biết, cảm thông, T. lại còn quá trẻ, 2 đứa cãi và đánh nhau hoài. Sau khi đâm C. chết, do con còn nhỏ, T. không bị bắt giam. Gần đây, nó quan hệ với người khác, mới sinh một đứa nữa...”.

Nghe tôi hỏi thăm cháu nội, mắt bà H. lấp lánh niềm hạnh phúc nhưng liền sau đó lại là tiếng thở dài. Từ lúc cháu bé được sinh ra, một tay bà bồng bế, chăm sóc. Con trai chết, con dâu về sống bên mẹ ruột, bà lại một mình nuôi dưỡng cháu.

“Mẹ nó ở cách nhà tôi 1 cây số nhưng 5-6 năm nay không hề ghé thăm con. Tội nghiệp, thằng bé mồ côi cha, có mẹ lại như không. Tôi không muốn cháu lớn lên khác biệt với bạn bè nên không nói gì chuyện của ba mẹ nó nhưng bà con chòm xóm lời ra tiếng vào… Mỗi khi nghe cháu nói: “Mai mốt lớn lên con làm cảnh sát để bắt người đã giết ba con…”, lòng tôi lại quặn thắt. Thương con, thương cháu quá...”.

Theo chân bà H. ra trước cổng tòa án, chúng tôi trông thấy một bé trai có khuôn mặt kháu khỉnh, khá nhanh nhẹn đang ngồi bên vệ đường. Vừa thấy bà nội, cậu bé nhào đến: “Nội ơi, nội…”. Chúng tôi hỏi: “Con thương ai nhất?”. “Nội” - cậu bé đáp không một chút đắn đo rồi ríu rít trò chuyện với bà. Trong câu chuyện không đầu không đuôi ấy, cậu không một lần nhắc đến người mẹ vừa đi ra... 

Xét xử sơ thẩm, TAND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước tuyên phạt T. 7 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Do bà H. rút kháng cáo, phiên tòa phúc thẩm được đình chỉ xét xử, bản án sơ thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kha Miên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN