Lời kể của những "lao động nhỏ" chạy trốn từ "địa ngục"

Tin vào lời của người phụ nữ môi giới, 3 anh em họ cùng vào một trang trại giữa rừng sâu. Theo lời kể lại thì các em đã bị chủ trang trại bóc lột sức lao động thậm tệ. Lợi dụng sự sơ hở của chủ trang trại, các em đã tìm cách cắt rừng, trốn thoát những ngày tháng kinh hoàng tại đây…

Ăn không no, còn bị đánh

Khi kể lại những ngày tháng cùng 2 người em họ bị lừa vào lao động khổ sai tại một trang trại giữa rừng, em Hồ Văn Bâng (SN 1994, ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn vô cùng kinh hãi. Nỗi sợ hãi ám ảnh trong mắt người thanh niên dân tộc Xê Đăng này khi nhớ lại 2 tháng kinh hoàng tại trang trại trong rừng.

Bâng kể, cách đây 2 tháng, em gặp một người phụ nữ tên là Năm hứa giúp tìm việc làm nhẹ nhàng và có nhiều tiền. Người phụ nữ này yêu cầu Bâng tìm thêm hai người nữa để cùng đi làm. Bâng đã rủ thêm hai em con người chú họ là Hồ Văn Điếu (SN 2000) và Hồ Văn Đôi (SN 2001) cùng đi. Cuối tháng 6/2015, ba anh em Bâng bỏ nhà đi theo Năm với mong ước có được việc nhẹ, lương cao.

Theo các thanh thiếu niên này kể lại, các em được Năm dẫn đến một trang trại giữa rừng keo thuộc xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) để làm việc. Trang trại này do một người đàn ông tên P làm chủ. Sau khi đến trang trại, người phụ nữ này đã để 3 thanh thiếu niên này ở lại làm việc cùng với 9 thanh niên người dân tộc khác và lập tức ra về.

Tuy nhiên, công việc mà ông chủ trang trại giao cho các em rất nặng nhọc, khác xa với hứa hẹn của người phụ nữ tên Năm. Các em phải vác gỗ, trồng keo, phát rẫy, nuôi lợn… công việc quần quật kéo dài từ 6h sáng đến 8h tối mỗi ngày. Cả tuần, ông P chỉ ra thị trấn vào ngày Chủ nhật để mua gạo và thức ăn dành cho những ngày sau. Thức ăn chủ yếu là đồ khô. “Tụi em không được ăn no mà ngày nào cũng phải làm nặng nên đói bụng lắm. Mấy thân cây lớn mà họ bắt em kéo một mình. Nếu mà hai người cùng làm là họ không chịu”, Bâng kể lại.

Làm việc được một tháng, Bâng đề nghị ông chủ trả tiền lương để các em gửi về cho bố mẹ nhưng chủ trang trại khất lần, không trả lương. Khi các em đình công không đi làm thì lập tức bị lôi ra đánh đập. “Họ nói phải siêng làm rồi đến Tết mới cho tiền về nhà. Em không chịu đi làm thì bị đánh, điện thoại cũng bị họ lấy đi mà không chịu trả. Em đòi nghỉ làm thì họ nhốt lại không cho đi”, Bâng kể lại.

Cởi áo của Điếu và Đôi, chúng tôi thấy có những vết bầm tím trên vai các em. Đôi cho biết: “Do vác nặng nên tối về vai rất đau nhức. Em nhiều lần xin dầu để xoa bóp nhưng ông P không cho”. Trên cơ thể Bâng cũng có dấu bầm tím do bị đánh. Lý do bị đánh theo Bâng là vì em đứng ra đòi tiền lương.

Chạy thoát khỏi “địa ngục”

Do không chịu được cảnh sống kham khổ, lao động vất vả, không được trả lương nên 3 anh em người dân tộc Xê Đăng này nung nấu ý định trốn thoát khỏi sự giám sát chặt chẽ của chủ trang trại. Tối 3/9, anh em Bâng lén lút nấu thêm một nồi cơm, bọc thành từng nắm giấu kỹ trong áo quần. Nửa đêm, thấy có sơ hở, anh em Bâng nhẹ nhàng luồn vào rừng và đi bạt mạng, không xác định được phương hướng.

Lúc này, trong đầu các em chỉ có một ý nghĩ là làm sao đi càng xa trang trại càng tốt, bởi nếu không may bị bắt lại thì có thể phải nhận hậu quả khủng khiếp. Nghĩ vậy nên các em cắm cúi chạy thục mạng giữa rừng đêm. Đến rạng sáng 4/9, khi các em đều mệt lả thì thấy mặt trời mọc. “Lúc này chúng em cứ đi theo hướng mặt trời mọc. Cũng lúc này, biết có người bỏ trốn, ông P cùng người nhà chia nhau đi theo nhiều hướng để rượt bắt trở lại”, Bâng kể.

Cứ theo hướng mặt trời mọc, vừa đi vừa chạy đến khoảng hơn 6h ngày 4/9 thì 3 anh em Bâng cũng ra tới bìa rừng. Vận may ập đến khi các em gặp được ông Hồ Quang Hải, Công an viên thôn Việt An (xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức) đi ngang qua. Biết hoàn cảnh của anh em Bâng, người công an viên này đã cho các em ăn, cho tiền để các em bắt xe về quê.

Đúng lúc các em đang bắt xe khách thì xuất hiện 2 thanh niên là người nhà ông P. Các đối tượng này lao vào hành hung anh em Bâng ngay trước mặt nhiều người. Thấy vậy, ông Hải lao vào can ngăn liền bị các thanh niên này hành hung. Anh em Bâng chỉ được giải thoát khi có người điện thoại báo cho công an sở tại đến hỗ trợ. “Khi lực lượng công an đến, bọn chúng vẫn rất hung hăng, lao vào chống trả quyết liệt. Chúng tôi phải khống chế hai đối tượng đưa về trụ sở để lấy lời khai giải quyết”, ông Hồ Quang Hải kể lại.

Hai đối tượng này được xác định là Đoàn Văn L và Đoàn Văn T (người nhà ông Đoàn Văn P, chủ trang trại). Lộc và Thọ thừa nhận đuổi theo để bắt giữ người làm bỏ trốn mang về trang trại. Tuy vậy, cả hai phủ nhận việc hành hạ và không trả lương cho các em. Ngay sau đó, các đối tượng này được bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra làm rõ.

Hiện anh em Bâng đã được đưa về bàn giao cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam chăm sóc. Ông Nguyễn Văn Thoại, Giám đốc Trung tâm cho biết, khi được đưa đến trung tâm, tinh thần các em rất hoảng loạn.

Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng phòng PC45 (Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, đang xác minh vụ việc để làm rõ có hay không hành vi bóc lột sức lao động trẻ em của ông P.

Còn theo ông Lê Viết Mãnh, Chủ tịch UBND xã Bình Trị, trang trại của ông P cách khá xa trụ sở xã nên việc kiểm tra, giám sát không được sâu sát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H. Long - H.Châu (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN