Lời kể của nhóm người tháo chạy khỏi casino Campuchia, bơi qua sông về nước

Sự kiện: Tin nóng

Nghe theo những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”, nhiều người Việt đã đi theo đối tượng môi giới sang Campuchia lao động với mong muốn đổi đời.

Thế nhưng theo lời kể của những người này, đa phần khi sang đến nơi, họ sẽ không được bố trí công việc như cam kết. Lúc này, các ông chủ mới trở mặt đe dọa và sẵn sàng đánh đập để các nạn nhân phải vắt sức làm việc theo sự sai khiến.

40 người này tạm thời đã an toàn.

40 người này tạm thời đã an toàn.

Ham thu nhập ngàn đô

Em D.T.H. (SN 1995, quê Hậu Giang), thuộc nhóm tháo chạy khỏi casino Campuchia, bơi qua sông về nước bị lực lượng chức năng ở An Giang phát hiện và tạm giữ ngày 18/8 cho biết, cô được người bạn tỉ tê tâm sự, qua casino bên Campuchia làm việc với mức lương trên 900 USD/ tháng, nhiệm vụ đánh máy,.. rất nhàn.

Trung tá Nguyễn Văn Út - Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang từng cảnh báo: phía nước bạn có rất nhiều casino đóng dọc theo tuyến biên giới trên địa bàn huyện An Phú.

Từ điều này, các đối tượng lợi dụng để tiếp cận qua các trang mạng, cũng như các đối tượng trước đây có lui tới các casino để dụ dỗ lôi kéo con em chúng ta sang bên đó.

Rất nhiều người dân ở gần biên giới khi đi sang Campuchia đã bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ, ở lại làm việc.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã và đang cố gắng tuyên truyền để người dân hiểu rõ các thủ đoạn của những đối tượng và mối hiểm họa khi vượt biên trái phép qua Campuchia.

"Em mới qua từ tháng 6 này, không đáp ứng được công việc nên bị đe dọa, vì là người mới nên chưa bị đánh đập nhiều…

Nhưng chứng kiến những người ở đây lâu bị đánh đập dã man và còn bị chích điện nữa", em H. nói.

Còn N.D.H. (SN 1993, quê Gia Lai) cho biết, cũng theo lời bạn bè, H. sang Campuchia làm game online cho casino với mức thu nhập hứa hẹn từ 700 - 900 USD/tháng.

Nhưng sự thật không dễ dàng như vậy! Tháng đầu làm việc, H. chưa bị ép chỉ tiêu. Đến tháng thứ 2, bắt đầu bị ép chỉ tiêu nên không đạt, H. bị lôi ra đánh.

"Chúng lôi em lên lầu 8, còng tay vào ghế, dùng cây đánh rồi chích điện. Xác định là không còn đường sống bên đây nữa nên em theo các anh chị trốn về Việt Nam", H. kể lại.

Như Báo Giao thông đã thông tin, khoảng 9h45 ngày 18/8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 21 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã phát hiện, tạm giữ 40 người.

Trong số này có 35 nam và 5 nữ, đã bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Theo thiếu tá Lê Ngọc Tuấn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang), những người này về từ casino Rich World (trước đây có tên casino Kinh Sa, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia).

Cuộc tháo chạy kinh hoàng

Chị D, 1 trong 42 người (1 người mất tích, 1 người bị bắt lại nên chỉ có 40 người trốn về - PV) tháo chạy khỏi casino cho biết, trước đó, cả nhóm đã bàn bạc 2 đêm liền, khi một vài người phát hiện bên kia sông có quốc kỳ Tổ quốc mình.

Theo kế hoạch được tính toán kỹ, buổi sáng nhóm quản lý còn lơ là, chỉ có rất ít người túc trực, không đóng cổng. Sau khi vào ca làm độ 1 giờ, cả nhóm đồng loạt xông ra cửa.

Cơ quan chức năng đang lấy lời khai các nạn nhân.

Cơ quan chức năng đang lấy lời khai các nạn nhân.

Theo phân công, nhóm thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm việc tấn công nhóm bảo vệ, phá vòng vây để nhóm thứ hai gồm những phụ nữ từ phía trong xông ra.

Sau đó, những người thanh niên làm nhiệm vụ cuối cùng là cầm theo bom xăng ném chặn đường tạo cơ hội cho đồng hương có thời gian thoát thân.

Trong nhóm thoát thân có khoảng 8 người không biết bơi nhưng vẫn liều mạng nhảy sông, với hy vọng được sống. Không ai bảo nhau, cứ vài người bơi giỏi thì kèm người không biết bơi trên dòng nước.

“Trong cuộc trốn chạy sinh tử này, 1 người đã bị dòng nước cuốn, 1 người chưa kịp nhảy sông bị đá ném trúng bất tỉnh, bị tra tấn bằng gậy.

Rất may, người dân cùng biên phòng dùng xuồng máy cứu được nhóm người vượt biên trái phép chúng tôi”, chị D. nói.

Cô gái D.Th.Ng.D. (20 tuổi), mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh, 3 năm trước rời quê Cao Bằng sang Bắc Ninh làm công nhân. Nhưng đồng lương không đủ sống.

4 tháng trước, cô bàn với chồng tìm việc khác. Thấy thông tin tuyển dụng trên Facebook, D. tìm hiểu thì được môi giới mời gọi công việc lương thấp nhất 25 triệu đồng. “Họ bảo công việc rất nhàn, làm việc trên máy tính, trong phòng lạnh”, cô nhớ lại.

Bị hấp dẫn bởi mức lương gấp 4 lần hiện tại, phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bản thân, vợ chồng trẻ xếp đồ, lên xe theo chỉ dẫn của môi giới. Qua 2 ngày di chuyển, sáng hôm thứ 3, D. vỡ lẽ: “Mình đang ở trên đất Campuchia”.

Nơi 40 người đang tạm trú.

Nơi 40 người đang tạm trú.

Cô gái muốn về nhưng bị chủ casino doạ nạt, bắt lao động cật lực. Tháng đầu cô được đào tạo sử dụng nick ảo để mời gọi người khác tham gia game hẹn hò, dụ dỗ họ nạp tiền. Biết bản chất công việc lừa đảo song D. không có lựa chọn khác. Nếu không làm sẽ bị đánh đập thậm chí đe doạ tính mạng.

Thời gian đầu cô suy sụp, chán nản nhiều lần đi vệ sinh, dõi mắt qua cửa sổ thấy bên kia sông thấp thoáng quốc kỳ Việt Nam phấp phới, cô lại càng nhớ nhà. Nhiều tháng không đạt chỉ tiêu - kiếm được 300 triệu mỗi tháng, cô bị doạ đưa lên tầng trên chích điện. Quá sợ hãi, D. cố gắng làm nhiều hơn, có ngày phải làm đến 14 tiếng, lê lết về phòng chỉ muốn lăn ra ngủ.

Theo tài liệu điều tra, cơ quan công an xác định, các nạn nhân lâu nay bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...), hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng.

Các nạn nhân bị cưỡng ép lao động từ 12-16 giờ/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác.

Hoặc bị bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 - 30.000 USD.

Ba hôm trước, nhóm lao động làm cùng casino bàn kề hoạch đào tẩu, vợ chồng trẻ lưỡng lự vì chỉ còn hai tháng được thả về nhưng nghĩ lại nếu mọi người vượt biên thành công, khả năng cả 2 sẽ bị bán cho 1 chủ khác, nhưng cũng có thể chuyến vượt biên chưa chắc đã toàn mạng.

Cô gái không biết bơi, nhảy xuống sông biết chắc đã thoát được gậy gộc của những tay bảo vệ người Trung Quốc nhưng cô chìm dần chỉ còn cánh tay vẫy vùng trên mặt nước. Chấp chới một lúc cô được ghe của người dân phía bờ Việt Nam cứu sống. Khi nắm được thành ghe, cô tự nói: “Ôi trời ơi đã sống, đã thấy mặt trời rồi”.

Sáng đó, phía Việt Nam, nhiều người nghe vang lên tiếng người la ó, tiếng gậy sắt choảng nhau, một nhóm người ùa ra cổng casino bên kia biên giới. Bên này sông phía bờ Việt Nam là dãy nhà dân đông đúc, nghe tiếng động bất thường nhiều người chạy ra sông theo dõi.

Cơ quan chức năng đã test nhanh Covid-19 cho 40 người này, kết quả đều âm tính.

Sau quá trình phối hợp điều tra với Công an huyện An Phú, bước đầu nhóm người này đã khai nhận họ xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam.

Sau khi sang Campuchia thì hợp đồng và làm việc tại casino Rich World.

"Trong nhóm có một người trước đó làm việc trong các casino đối diện tỉnh Tây Ninh, Long An do người Trung Quốc quản lý, sau đó được chuyển về casino Rich World”, thiếu tá Lê Ngọc Tuấn thông tin với báo chí.

Cũng theo ông Tuấn, nhóm người này khai do phải làm việc quá thời gian quy định (không được nghỉ ngơi) và không được trả lương, nên họ thống nhất bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam.

Đơn vị cũng đang phối hợp với c hính quyền địa phương và Công an huyện An Phú tổ chức lực lượng tìm kiếm người mất tích. Còn 40 người này đang tạm thời được bố trí ở tại Trung tâm Giáo dục văn hóa và Học tập cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú để được hỗ trợ và tiếp tục xác minh làm rõ.

Chiều 19/8, trao đổi với báo chí, Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: Công an tỉnh đang phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các ngành chức năng làm rõ vụ 40 người chạy trốn khỏi casino ở Campuchia về Việt Nam.

Theo đại tá Nơi, những người này khai bị một số đối tượng dụ dỗ qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Họ được đưa vào các casino, buộc làm việc quá sức, quá giờ, không trả lương đầy đủ. Từ đó, nhóm người này bàn bạc vượt biên về Việt Nam.

Hiện Công an tỉnh An Giang và các ngành chức năng đang hoàn thành các thủ tục cần thiết, trước khi cho gia đình bảo lãnh về nhà.

Thời gian gần đây, tình trạng bị lừa sang Campuchia lao động như trường hợp trên xảy ra rất nhiều trên cả nước. Đặc biệt tại các địa phương có đường biên giới chung với Campuchia, tình trạng này còn diễn biến phức tạp hơn.

40 người tháo chạy từ casino ở Campuchia về Việt Nam

Qua làm việc ban đầu, 40 người khai trước đó xuất cảnh trái phép sang làm việc tại casino ở Campuchia nhưng bị ép làm việc nhiều, không được trả lương nên đã cùng nhau bơi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Duy ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN