Lỡ tay đánh chết con để cứu cháu, có phải tội giết người?

Vì cứu tính mạng của cháu bé 4 tuổi đang bị đứa con trai hư hỏng đe dọa, người cha lỡ tay và bị khởi tố về hành vi giết người. Theo các chuyên gia, muốn xác định tội danh chính xác thì phải làm rõ nhiều vấn đề…

Chiều 2/12, ông Trịnh Văn Tâm (Trưởng Công an xã Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết một vụ án đau lòng đã xảy ra tại địa phương vào rạng sáng 29/11. Nạn nhân là Nguyễn Đức Hải (23 tuổi). Người gây ra cái chết của Hải là ông Nguyễn Đức Tân (58 tuổi, cha của Hải).

Đánh chửi cha mẹ, chém cháu ruột

Theo ông Tâm, khoảng 16 giờ ngày 28/11, Hải đòi cha chở đi dự đám cưới một người bạn trong xã. Khoảng 22 giờ 30 cùng ngày, ông Tân chạy đến đón Hải về nhưng Hải chưa chịu về vì muốn ở lại.

Hơn 23 giờ, Hải về đến nhà thì thấy cha mẹ đã chuẩn bị đi ngủ. Hải bèn gọi ông Tân dậy, chửi bới ông Tân thậm tệ vì cho rằng ông Tân đã làm xấu mặt mình giữa đám cưới. Thấy con trai say rượu, ông Tân không nói lại và lên giường đi ngủ.

Hải bèn lấy một thanh gỗ để ngoài hè xông vào tấn công cha. Thấy vậy, bà Trịnh Thị Tân (mẹ của Hải) chạy ra can thì bị Hải đấm đá vào mặt khiến bà Tân choáng, ngất xỉu ngay tại chỗ.

Lỡ tay đánh chết con để cứu cháu, có phải tội giết người? - 1

Bà Trịnh Thị Tân (mẹ của Hải - ngồi giữa) đau lòng kể lại sự việc. Ảnh: Đ.TRUNG

Hai người hàng xóm nghe tiếng la lớn chạy sang thì bị Hải cầm dao rượt đuổi. Mọi người xung quanh đến mỗi lúc đông hơn. Hải liền xông vào nhà túm cổ áo, kè dao vào cổ cháu Nguyễn Đức Long (bốn tuổi, con trai anh của Hải) uy hiếp rồi đòi dọa giết cả gia đình.

Ông Tân đã quỳ xuống chắp tay xin Hải dừng lại, tha cho cháu Long nhưng Hải vẫn siết chặt cổ khiến cháu Long đau, khóc lóc van xin Hải. Nhưng cứ mỗi lần cháu Long van xin lại bị Hải dùng tay vả vào mặt. Khi ông bà Tân tiến lại gần, Hải lập tức vung dao chém cháu Long. Quá bất ngờ, ông Tân lao lên đỡ cho cháu nhưng không kịp khiến đầu cháu Long bị chảy bê bết máu. Lúc này bà Tân lao tới cứu cháu, cắn vào tay thì Hải mới chịu thả cháu bé ra. Ngay sau đó, cháu Long được người dân đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu.

Ở trong nhà, ông Tân vẫn tiếp tục giằng co, vật lộn để giành lại con dao trong tay Hải. Sau một lúc, ông Tân bước ra ngoài nói với mọi người là Hải đã chết và gọi cho công an trình báo sự việc.

Chiều 2/12, Đại tá Lê Trung Hiếu (Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn của Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại hiện trường, lấy lời khai của những người liên quan. Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tân về hành vi giết người. Cũng theo Đại tá Hiếu, tại cơ quan điều tra, ông Tân khai vì quá bức xúc nên đã dùng gậy đập Hải.

Đứa con hư hỏng

Ngồi vân vê vạt áo, nước mắt chảy dài trên đôi gò má gồ ghề, rám nắng, bà Tân tâm sự về đứa con trai ngỗ ngược của mình: “Từ lúc nhỏ, tính khí nó đã thất thường, cho tới khi đi học cấp ba thì lười học, ham chơi, hay đua đòi khiến vợ chồng tôi khốn khổ nhưng vì thương con nên cũng ít khi trách móc nó. Học xong lớp 12, nó thi đậu đại học. Cứ tưởng nó đậu đại học rồi sẽ tu tỉnh học hành cho bằng bạn, bằng bè. Lúc nào nó gọi điện thoại về xin tiền gia đình đều gửi vào, chị nó cũng thỉnh thoảng cho tiền. Vậy mà ai ngờ nó lại trộm cắp và bị TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) phạt chín tháng tù. Vợ chồng tôi đau lòng lắm. Rồi khi nó ra tù vào tháng 3/2014, những tưởng nó sẽ tu tỉnh. Nhưng khi về quê, nó vẫn cứ chứng nào tật ấy, không chịu làm ăn, cả ngày chỉ ngửa tay xin tiền cha mẹ, chơi bời tụ tập rượu chè. Khi nhà không có tiền cho thì nó lại dọa nạt, chửi bới, uy hiếp khiến cha mẹ xấu hổ với hàng xóm nhưng vẫn phải im lặng cho qua ngày đoạn tháng”.

Bà Tân nghẹn ngào: “Để yên cửa yên nhà, vợ chồng tôi lại đưa tiền cho nó vào TP.HCM để làm ăn. Đến cuối tháng 9 nó lại trở về nhà nhưng không còn lành lặn vì hai bắp chân bị người ta cắt mất. Rồi vợ chồng tôi lại phải thuốc thang chăm sóc. Nó mới đi lại được tháng nay nhưng vẫn chưa lành hẳn thì lại xảy ra sự việc này”.

Anh Nguyễn Văn Tình, hàng xóm sống cạnh nhà bà Tân, cũng ngậm ngùi: “Hải là đứa chơi bời lêu lổng ai cũng biết. Còn ông bà Tân là người hiền lành, hàng xóm ai cũng quý mến. Chẳng ai nghĩ lại có chuyện động trời xảy đến như vậy. Đúng là nửa đời người lo cho con cái, giờ lại phải vào tù, càng nghĩ càng thấy ông Tân tội nghiệp!”.

Khởi tố tội giết người liệu đã ổn?

Về mặt pháp lý, luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho rằng ông Tân không phạm tội vì đây là hành vi phòng vệ chính đáng. Theo luật sư Nhàn, Điều 15 BLHS quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Chỉ khi nào vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì mới phạm tội.

Ở đây, Hải đã và đang tấn công một cháu bé bốn tuổi không có khả năng tự vệ, vung dao chém vào đầu cháu nên ông Tân mới có hành vi chống trả tương xứng, kịp thời với hành vi tấn công của Hải đối với cháu bé. Xét về lực lượng là tương xứng bởi Hải đang trong tình trạng hung hãn, có ý định tấn công nhiều người, trong khi ông Tân vì muốn bảo vệ cháu nội nên bằng mọi giá phải cứu cháu. Về hung khí cũng tương xứng, Hải dùng dao, còn ông Tân dùng cây gỗ. Do đó trong tình thế cấp thiết trước hành vi phạm tội của Hải, để ngăn ngừa hậu quả có thể xảy ra thì việc ông Tân đánh trả Hải là phòng vệ chính đáng.

Tuy nhiên, theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), phải tách hành vi của ông Tân ra thành hai giai đoạn khác nhau mới có thể xác định ranh giới giữa việc ông Tân có phạm tội hay không.

Giai đoạn thứ nhất: Trước tình huống Hải đang vung dao chém vào đầu cháu bé mà ông Tân xông vào ngăn cản thì đó là việc làm cần thiết, kịp thời và thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng. Vì thực tế nếu không có sự ngăn cản này thì cháu bé sẽ mất mạng và có thể Hải sẽ dùng dao uy hiếp nhiều người khác trong đó có ông. Tuy nhiên, sau khi cháu bé đã được giải thoát rồi và Hải đã bị ông Tân đánh, bị bà Tân cắn vào tay khiến Hải lâm vào tình trạng không thể tấn công ai được nữa thì lúc này ông Tân phải dừng lại.

Giai đoạn thứ hai: Giả sử sau khi ông Tân dừng lại mà Hải vẫn tiếp tục tấn công thì việc ông vung cây đánh liên tiếp khiến Hải chết vẫn còn nằm trong giai đoạn phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, sau khi ông Tân đánh trả khiến Hải đã lâm vào tình trạng không thể tấn công (ví dụ, đã ngã gục xuống…) mà ông Tân vẫn lỡ tay đánh chết thì lúc này hành vi phòng vệ của ông đã chuyển sang giai đoạn phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96 BLHS).

Theo Thẩm phán Hùng, quá trình điều tra phải phân tích thật kỹ mới có thể xác định được bản chất vấn đề. “Đây là vụ việc hết sức đau lòng. Ông Tân vốn là người hiền lành và chắc chắn không có ý giết hại con trai mình nhưng do Hải quá hung hãn, táo tợn nên ông ấy mới lỡ tay” - Thẩm phán Hùng chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trung- Thanh Tùng (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN