Lộ sáng đường dây lưu hành hàng triệu đô la Singapore giả

Sự kiện: Tin pháp luật

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) CATP Hà Nội vừa hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND TP. Hà Nội đề nghị truy tố 11 bị can về hai hành vi “Lưu hành tiền giả” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Các bị can bị đề nghị truy tố về hành vi “Lưu hành tiền giả” gồm: Nguyễn Trung Nghĩa (SN 1973, trú TP Hồ Chí Minh); Lê Thị Huệ (SN 1966, trú ở tỉnh Bình Dương); Lê Mạnh Cường (SN 1966, trú ở tỉnh Thái Nguyên); Vũ Văn Nam (tên gọi khác là Vũ Thành Lâm - SN 1977, trú tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Phạm Thị Mộng Điệp (SN 1962, trú tại tỉnh Lâm Đồng); Đặng Thị Thuỳ Duyên (SN 1987, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội); Phạm Quang Hoà (SN 1991, trú ở Nam Từ Liêm, Hà Nội); Nguyễn Chiến Công (SN 1977, ở tại huyện An Dương, TP Hải Phòng); Tô Văn Năm (SN 1981, trú tại TP Thái Nguyên); Lê Ngọc Hoàn (SN 1991, ở tại tỉnh Đồng Nai).

Cơ quan ANĐT đề nghị truy tố Nguyễn Trường Giang (SN 1989, ở tại Sơn Dương, Tuyên Quang) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Các bị can trong vụ án

Các bị can trong vụ án

Kết quả điều tra xác định: qua công tác quản lý địa bàn, quản lý nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội nắm được thông tin về đường dây mua bán SGD (đô-la Singapore) giả quy mô lớn. Kế hoạch đấu tranh được xác lập và ngày 22-1-2021, các trinh sát bắt quả tang Duyên cùng vật chứng là 99 tờ tiền SGD mệnh giá 10.000 giả.

Tại cơ quan Công an, Duyên khai nhận, tháng 11-2020, Duyên và Hoà quen biết Nam. Qua trao đổi, Nam khoe có nguồn ngoại tệ, muốn đưa vào ngân hàng xử lý. Đối tượng hứa sẽ trả cho Duyên và Hoà 5 % trên tổng số tiền bán được là 16 tỷ đồng/1 triệu SGD); nếu bán được giá cao hơn thì Duyên và Hoà được hưởng toàn bộ phần chênh lệch. Sau đó, Nam đã gửi cho Duyên và Hoà hình ảnh số tiền 2 triệu SGD và hẹn lên Thái Nguyên giao dịch.

Ngày 11-1-2021, Nam, Duyên và Hoà đến một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cùng với Cường và Điệp, kiểm tra 2 triệu SGD. Tại đây, Điệp đã giao cho Duyên 6 tờ SGD và cùng Duyên đến ngân hàng kiểm tra. Do nghi ngờ là tiền giả, ngân hàng không thu mua. Lúc này, Nam, Cường, Điệp tiếp tục đề nghị Duyên và Hoà tìm khách mua bên ngoài… Vài tuần sau, Hoà tìm được hai trường hợp là anh N.V.A (ở Sóc Sơn) và anh B.T.S (ở tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đồng ý mua số tiền trên với giá 15,5 tỷ đồng/1 triệu SGD. Hoà đã trao đổi lại việc này với Nam, Cường, hẹn thời gian lên Thái Nguyên để giao dịch.

Ngày 21-1-2021, tại một căn nhà ở xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên, anh A. và anh S. đã đặt cọc 3 tỷ đồng rồi nhận được 1 triệu SGD về kiểm tra. Sau khi nhận tiền, anh A. và anh S. phát hiện là giả, tìm cách liên lạc với nhóm đối tượng trên để nhận lại tiền đã đặt cọc nhưng bị từ chối.

Ngày 31-5-2021, các nạn nhân mới gặp được Duyên, yêu cầu Duyên phải có trách nhiệm trả lại số tiền đặt cọc. Sau khi nhận lại số tiền trên, Duyên mang ra xe ô tô tô thì bị phát hiện. Căn cứ vào tính chất của vụ việc, hồ sơ vụ án theo thẩm quyền được chuyển đến Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội. Tiếp nhận hồ sơ, Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra; từ đó lần lượt bắt giữ các đối tượng liên quan.

Quá trình điều tra xác định: Ngày 11-7-2019, Nam và Giang thành lập Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển hạ tầng Nguyên Vũ TCVN (gọi tắt là Công ty Nguyên Vũ), ngành nghề kinh doanh là xây dựng. Công ty Nguyên Vũ không đăng ký chức năng mua bán ngoại tệ nhưng lại hoạt động thu gom và xử lý ngoại tệ. Công ty có vốn điều lệ theo đăng ký là 299 tỷ đồng nhưng thực chất không có tài sản thực; trong đó Nam chiếm 50% cổ phần, Giang và Đỗ Văn Cương (SN 1985, ở huyện Ba Vì), mỗi người chiếm 25%.

Theo sự phân công, Nam là Chủ tịch hội đồng quản trị, Giang là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Sau đó, Hoàn về làm Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty tại khu vực phía Nam; Cường về làm phó ban xử lý ngoại tệ hỗn hợp cho Công ty Nguyên Vũ và Điệp là cán bộ ngân hàng đã nghỉ hưu, làm thành viên của Ban xử lý ngoại tệ hỗn hợp của Công ty Nguyên Vũ. Sau khi về công ty, Cường và Điệp được Nam giao tìm nguồn ngoại tệ để xử lý.

Để chứng minh tính hợp pháp cho hoạt động tiếp nhận, xử lý ngoại tệ của Công ty Nguyên Vũ; chứng minh khả năng tài chính có thể tiếp nhận, xử lý số lượng lớn ngoại tệ nhằm thu hút các cá nhân, tổ chức đi thu gom ngoại tệ cho Công ty Nguyên Vũ rồi bán lại cho các ngân hàng thu lời, Nam đã chỉ đạo Giang thực hiện việc làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.

Cụ thể, vào tháng 9-2019, Nam chỉ đạo Giang làm giả chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Quyết định của Văn phòng Chính phủ với nội dung cho phép Công ty Nguyên Vũ thu gom và xử lý ngoại tệ; tháng 1-2021, Nam tiếp tục yêu cầu Giang làm giả Thư xác nhận số dư tài khoản của Công ty Nguyên Vũ mở tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Sở giao dịch (Vietcombank Sở Giao dịch).

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan Công an xác định các bị can Nghĩa, Huệ, Cường, Nam, Duyên, Hoà, Công và Năm đã lưu hành 2 triệu SGD giả; Điệp lưu hành hơn 2 triệu SGD; Hoàn lưu hành 1 triệu SGD giả…

Nguồn: [Link nguồn]

Diệp Đình Minh tiết lộ cách làm tiền giả ”1 triệu đổi 6 triệu”

Diệp Đình Minh khai đã tìm hiểu và biết được cách thức làm tiềm giả tinh vi bằng máy scan màu, máy ép nhiệt, máy cắt giấy…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.M ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN