Lê Văn Luyện: Tội lỗi vẫn còn đè nặng
Ngồi trong trại giam với bản án 18 năm, Luyện bảo tội lỗi vẫn như hòn đá tảng đè lên ngực hắn.
Trước khi Lê Văn Luyện, kẻ cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, huyện Lục Nam, Bắc Giang được chuyển vào Trại giam số 3, huyện Tân Kỳ, Nghệ An, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với y. Luyện vẫn im lặng, lạnh lùng khi kể lại tội ác của mình và không chút cảm xúc khi nói về những ngày sắp tới. Giọng điệu bất cần đời của tội nhân này khiến người đối diện có cảm giác khó chịu. Luyện luôn nói mình không lo lắng, không sợ hãi khi hầu tòa, nhưng thực tế hắn đã vã mồ hôi giữa tiết trời giá rét trước giờ tuyên án. Giờ đây, khi vụ án đã khép lại với mức án 18 năm tù, Luyện có vẻ thoải mái hơn, nhưng hắn bảo tội lỗi vẫn như hòn đá tảng đè lên ngực.
Đời trôi đến đâu cũng mặc
Đêm đầu tiên bị bắt từ Lạng Sơn, rồi được đưa thẳng vào Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang, Luyện khi ấy gầy, đen, mặt đầy trứng cá chứ không trắng trẻo, béo tốt như bây giờ. Đêm ấy, dù căm hận hắn tột độ, nhưng khi nhìn thấy khóe mắt rưng rưng cũng như giọng hắn chợt nghẹn đi khi nhắc tới bố mẹ và những đứa em trai, người ta còn cảm thấy hắn thực sự đang ăn năn hối hận. Nhưng vài tháng sau đó, khi vụ án được đưa ra xét xử hai lần, gặp lại Lê Văn Luyện, chợt thấy con người hắn vẫn trở về đúng với bản chất lạnh lùng, dã man.
Cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, chúng tôi đều có mặt ở Bắc Giang và đã chứng kiến nỗi căm hận của gia đình nạn nhân cũng như sự bức xúc tột cùng của dư luận. Lê Văn Luyện được chở trên xe đặc chủng, mỗi bước đi của hắn đều được kèm sát hai bên là hai hàng Cảnh sát bảo vệ. Rất khó để chụp được một bức ảnh của Luyện khi bị dẫn giải vào tòa án vì hắn dường như lọt thỏm giữa những bóng áo Cảnh sát. Suốt hai phiên xử, Luyện không một giây quay lại nhìn người nhà nạn nhân cũng như không dám nhìn vào di ảnh của 3 nạn nhân đã chết dưới bàn tay hắn. Đã có lúc hắn căng thẳng, trên trán vã mồ hôi vì lo lắng sợ bị người nhà nạn nhân hành hung, nhưng điều hắn lo hơn cả là mức án sẽ phải đối mặt. “Luật sư vẫn nói em chỉ bị cao nhất là 18 năm thôi, nhưng khi đợi tuyên án vẫn sợ” - Luyện tâm sự. “Thời gian chờ phúc thẩm, em nghĩ mình sẽ bị tăng án ư?” - tôi hỏi. “Vâng, em nghĩ sẽ bị tăng mức án lên tử hình. Dù các anh cùng buồng nói là không tăng đâu, nhưng em vẫn lo” - Luyện tâm sự. “Hôm đó, em sợ bị đánh một phần, nhưng lo nhất là người nhà em bị đánh. Cả họ nhà em chỉ có một người bác tới dự phiên tòa, ông bà nội không đến, mẹ em cũng không có mặt. Hôm đó em ra tòa một mình thì chết luôn”.
Cán bộ quản giáo kể rằng, quá trình ở Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang, Lê Văn Luyện tỏ ra khá im hơi lặng tiếng, hắn ít nói và hầu như không bao giờ va chạm, mâu thuẫn gì với bạn tù, dù “tên tuổi” hắn thì không chỉ ngoài xã hội mà ngay trong trại, ai cũng biết. Tôi hỏi hắn: “Sau này, em muốn được đi cải tạo ở trại nào?”. Không một giây suy nghĩ, Luyện lạnh lùng chép miệng: “Mặc đời trôi đến đâu thì trôi thôi, bây giờ em đi đâu cũng được”. “Không sợ ư? Ví dụ như đến một nơi nào đó xa nhà, không quen ai, bị đại bàng, đầu gấu bắt nạt chẳng hạn?” - tôi cố tình gợi chuyện. Luyện lại cười nhạt: “Em còn cái gì nữa đâu mà người ta bắt nạt em”.
Luyện ngoái tìm người nhà và trong trại giam
Thủ phạm sát hại ba nạn nhân trong một gia đình ở phố Sàn, huyện Lục Nam, Bắc Giang để cướp vàng ấy thoát án tử hình trong gang tấc, chỉ vì hắn chưa đủ 18 tuổi (tính đến thời điểm gây án). Đó cũng là nỗi bức xúc không chỉ của người nhà nạn nhân mà còn với dư luận xã hội. Và đó cũng từng là nỗi lo đến toát mồ hôi, khiến hàng tháng trời không ngủ trước phiên xử phúc thẩm của Luyện. Thế nhưng, có lúc hỏi, hắn lại ngông cuồng trả lời: “Em chết luôn cũng được chứ đừng nói đến chuyện sợ bị tử hình”. Bản chất anh hùng rơm thỉnh thoảng lại trỗi dậy trong hắn.
Tan nát cả đại gia đình
Dù rất lạnh lùng, vô cảm trước tội ác của mình nhưng không hiểu sao mỗi khi nhắc đến gia đình, Lê Văn Luyện lại rưng rưng. Còn nhớ lần đầu tiên, trong cái đêm hắn bị đưa từ Lạng Sơn về Bắc Giang, khi hỏi vì sao để vàng lại cho bố mẹ mà không mang theo người trong quá trình bỏ trốn, Luyện cho biết sở dĩ hắn không mang theo vàng là vì muốn... giúp đỡ bố mẹ. Chính cái sự “giúp đỡ” ấy đã khiến không chỉ bố mẹ hắn mà còn kéo gần chục con người gồm bác, chú, anh họ, bác dâu... cùng ra đứng trước vành móng ngựa. Những con người ngu muội, u tối ấy đến bây giờ chắc đã thấm thía đến tận cùng sự trả giá khi che giấu tội lỗi và giúp đỡ một tên tội đồ thoát thân. Người mà Luyện nghĩ tới nhiều nhất bây giờ là mẹ. Hắn kể rằng, ở trong này, hắn không được ăn những món mẹ nấu. Với Luyện thì: “Mẹ nấu cái gì em cũng thấy ngon. Ở trong này không được ăn những món ăn mẹ nấu, em thấy nhớ mẹ vô cùng”.
Bà Trương Thị Thơm - mẹ của Lê Văn Luyện - chỉ vì đứa con tội lỗi mà phải đến ở nhờ nhà một người họ hàng vì không còn mặt mũi nào nhìn hàng xóm láng giềng. Bà cũng phải nhập viện nhiều lần vì suy nhược thần kinh. Chưa hết, Long - em trai Luyện, vì không chịu nổi áp lực về những gì anh trai mình gây ra, đã bỏ dở chừng khi đang là học sinh lớp 11. Trước phiên xử sơ thẩm, khi biết thông tin này, Luyện đã nghẹn giọng quay đi giấu một khoảnh khắc xúc động ngắn ngủi. Còn hôm nay gặp lại, khi đã “ung dung” với cái án 18 năm tù, Luyện có phần an tâm hơn. Hắn kể rằng, mới đây mẹ và hai đứa em trai của hắn đã vào thăm. Luyện mừng lắm, gần nửa năm trời mới được gặp mẹ và các em. Họ mang vào cho hắn rất nhiều đồ ăn, đứa em còn chưa đi học của hắn không biết nghe chuyện ở đâu mà cũng nắm lấy tay anh rồi dặn dò: “Anh phải cẩn thận nhé, không người ta giết anh đấy”. Sự lo xa của cậu em út khiến hắn thấy tội lỗi của mình càng nặng nề hơn. Nhưng Luyện cũng có được niềm an ủi khi Long hứa năm nay sẽ đi học lại. Cuộc gặp mặt với gia đình trước khi Luyện được đưa vào Trại giam số 3 (Tân Kỳ, Nghệ An) khiến hắn thoải mái, an tâm hơn rất nhiều so với hôm ra tòa, không có người thân nào bên cạnh. Những người thân thiết nhất của hắn khi ấy cũng là bị cáo đang phải đứng trước vành móng ngựa. Thực ra có đôi lần trong phiên tòa, Luyện quay lại dáo dác tìm mẹ nhưng nó có biết đâu, mẹ nó khi ấy còn đang trốn vào một nơi thật kín để khóc. Cũng như hôm gặp lại, giữa nó và mẹ chỉ còn nước mắt.
Tuổi thanh xuân sẽ bị chôn vùi sau song sắt, đó là cái giá Lê Văn Luyện phải trả cho những tội lỗi đã gây ra. Lẽ ra, một mình Luyện phải gánh chịu nhưng hắn đã kéo cả đại gia đình vào vòng lao lý, ít nhất là 3 nhà trong họ tộc vì hắn mà tan nát, bố mẹ vào tù, để lại những đứa con không ai chăm sóc, dạy dỗ cùng một loạt hệ lụy và những nghiệp chướng khác sẽ còn theo đuổi Lê Văn Luyện cũng như gia đình hắn suốt đời. Giờ đây khi hắn hiểu tên mình đã trở thành biểu tượng của cái ác và sự dã man mà nhiều năm sau nữa người ta còn nhắc tới với sự ghê rợn, kinh hoàng thì đã quá muộn.