Lật lại hồ sơ vụ vượt ngục không tưởng của 2 tử tù

Tin hai tử tù trốn thoát khỏi buồng biệt giam khiến Ban giám đốc Công an thành phố Hà Nội không khỏi sững sờ.

Khoảng 500 cán bộ chiến sỹ đã được huy động, trong đó có nguyên cả trung đoàn Cảnh sát cơ động TP.Hà Nội. Sáu mươi chiếc xe để chở quân được sử dụng hết công suất. Tất cả các tuyến đường thủy, đường bộ, đường không, cửa khẩu có nghi vấn đều được kiểm soát kỹ lưỡng. Công an TP.Hà Nội đã cố gắng đến mức cao nhất để bắt nã hai kẻ tử tù này trong thời gian ngắn nhất, khi mà chúng còn chưa kịp gây thêm một tội ác.

“Tin hai tên tử tù trốn thoát khỏi buồng biệt giam khiến Ban giám đốc Công an thành phố lúc đó sững sờ. Chỉ vài chục phút sau, đích thân Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an Hà Nội có mặt tại Trại tạm giam số 1 rồi xuống hiện trường để xem xét. Lúc đó, chúng tôi không ai nói nên lời nào, không khí nặng nề bao trùm tất cả”, anh “rùng mình” nhớ lại.

Lật lại hồ sơ vụ vượt ngục không tưởng của 2 tử tù - 1

Ngã tư Canh (Xuân Phương) nơi hai kẻ tử tù thuê xe ôm để tẩu thoát

Một ban chuyên án được nhanh chóng thành lập và nhiệm vụ truy nã hai tên tử tù trốn trại được giao cho hai mũi nhọn là đội Điều tra trọng án và phòng Cảnh sát hình sự, cả hai đều là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ban chuyên án nhận định, khả năng sau khi trốn thoát, tên Nam chắc chắn không dám loanh quanh ở Hà Nội mà sẽ phải đi theo tên Thân.

“Khi đó, tôi cùng các đồng đội bắt đầu lần theo dấu vết từ tường rào mà hai đối tượng leo qua. Nhận định chúng sẽ bơi qua hào bảo vệ và ao bèo của trại để thoát ra đường 70. Ngày đó dân ở đó còn thưa thớt, đường sá vắng tanh nên càng thuận lợi cho hai kẻ đào tẩu lẩn trốn”, anh nói thêm.

Cùng lúc đó, ở các đầu mối khác, hơn 300 mối quan hệ của 2 kẻ trốn trại từ Hà Nội, Hà Tây đến Phú Thọ, Sơn La, Bình Phước… đã được các lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an TP. Hà Nội lần lại. Toàn bộ cuộc trốn chạy của chúng cũng được dựng lại bởi những lực lượng trinh sát giỏi nghiệp vụ và dày dạn kinh nghiệm.

Cũng bởi vậy mà 17 ngày sau khi hai tử tù bị bắt lại, những lời khai của chúng gần như hoàn toàn phù hợp với hành trình trốn chạy do Ban chuyên án phán đoán lúc đầu.

Theo lời kể của anh, lần tìm trên đoạn đường 70 theo hướng Xuân Phương - Nhổn, các chiến sỹ nhận được một thông tin vô cùng quý giá từ anh V., một người dân địa phương.

Anh này cho biết, rạng sáng hôm đó có gặp hai thanh niên bị rét, không biết đây là kẻ trốn trại nên anh cho một tên đi nhờ xe ra đến ngã tư Canh (thuộc xã Xuân Phương, nay là phường Xuân Phương). Tên còn lại lóc cóc chạy bộ theo sau. Qua miêu tả của anh V., ngoại hình hai tên này rất giống với Thân và Nam.

Thông tin rất quý giá nhưng chỉ mới hé lộ được một chút, các trinh sát lại toả ra ở ngã tư Canh để tìm thêm manh mối. Một người lái xe ôm chở Thân và Nam đã được tìm ra. Người này thừa nhận, chở hai tên này chạy đến một quán cà phê cạnh chợ Nhổn thì dừng lại, một tên chạy vào nhà lấy tiền trả rồi cả hai biến mất sau đó.

Cùng lúc này, một thông tin quý giá được xác minh, chủ nhân quán cà phê này chính là chiến hữu của Thân, đó chính là Hà, nhà ở Đồng Xuân nhưng mở quán cà phê ở Nhổn. Một mũi trinh sát ập vào nhà Hà khi tên này còn đang ngủ. Hà khai nhận vì nể tình huynh đệ khi xưa nên đã giúp cho Thân và Nam 200.000 đồng để bắt đầu cuộc trốn chạy. Qua đấu tranh, Hà tiếp tục khai nhận, chính y đã chở Thân về quê rồi cả ba chia tay nhau. Sau đó thế nào, Hà cũng không biết được.

Mặc dù lúc này, ban chuyên án đánh giá khả năng Thân lẩn trốn ở quê nhà là rất cao, tuy nhiên để đảm bảo kẻ trốn trại không có cơ hội chạy thoát, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ vẫn toả ra các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ… để xác minh các mối quan hệ của hai kẻ tử tù.

Một nhóm trinh sát do Đại tá Thanh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự dẫn đầu lần theo dấu chân của hai tên từ lời khai của Hà. Xác minh các nguồn tin, lực lượng công an xác định hai tên tử tù đang trốn ở bãi dâu Trung Châu và được sự hỗ trợ của một người đàn ông tên Đắng, là họ hàng xa của Thân. Từ lời khai của vợ Đắng, lực lượng truy bắt phán đoán hai tên này đang lẩn trốn ở gần nhà Đắng.

“Đến lúc ấy thì vòng vây đã được khép chặt hơn, nhưng chưa thể xác định được vị trí chính xác hai kẻ ẩn nấp. Thế là, một tốp trinh sát hình sự vác mì tôm, nước uống, chăn chiếu đến ngủ ở… ngay cạnh nhà Đắng”, anh tiếp tục câu chuyện.

Sáng 13/11/2001, vòng vây ở khu vực xã Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc khép chặt. Trong đó, điểm được ém nhiều trinh sát hình sự nhất chính là bãi dâu. Cũng cần phải nói thêm rằng, khu vực này gọi là “bãi dâu” nhưng không phải chỗ trồng dâu mà chỉ là điểm tập kết thân dâu trong sân kho hợp tác xã.

Thân đã khéo léo tạo ra một chiếc hầm bằng cách khoét ra một góc của bãi dâu đủ một người chui vào được và nằm lì ở trong đó suốt cả ngày, đợi khi đêm xuống mới mò vào nhà Đắng lấy đồ tiếp tế. Thế nhưng từ khi cảnh sát “vác” chiếu ngủ cạnh nhà Đắng, Thân gần như nằm lì với cái bụng đói meo.

Lực lượng truy bắt sau đó xác định được chắc chắn khu vực có hầm trong cả bãi dâu khá lớn. Trong khi mặt vẫn nghếch ra cửa hầm quan sát động tĩnh thì Thân bất ngờ bị một trinh sát hình sự bò vào hầm từ phía sau kéo tuột chân ra ngoài. Mãi đến khi bị đưa về phòng Cảnh sát Hình sự rồi mà Thân vẫn không hiểu vì sao các trinh sát hình sự lại tìm ra cái cửa hầm tối mật ấy… Hôm ấy là ngày thứ 17 kể từ khi vụ trốn tù đầu tiên ở Hỏa Lò xảy ra. Chiến dịch truy lùng tử tù trốn trại của Công an Hà Nội kết thúc.

“Chúng ta vì danh dự…”

Sau khi “thu quân”, phát biểu trước toàn thể cán bộ, chiến sỹ, tướng Phạm Chuyên xúc động nói: “Đây không phải là chiến công mà đây là việc làm vì danh dự của Công an Hà Nội và vì sự nghiêm minh của pháp luật. Tôi xin cảm ơn tất cả các đồng chí và các đồng chí chuyển lời cảm ơn của tôi tới tất cả cán bộ, chiến sỹ trong từng đơn vị”.

Không hiểu đến lúc nào thì lệnh thu quân mới đến hết các chiến sỹ hình sự, điều tra, bởi lẽ còn hàng chục người đang ở Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái rồi Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk...

Sa lưới

Sau này khi bị bắt trở lại, Thân khai: Về quê xong cả hai chạy lên Yên Lạc (Vĩnh Phúc) rồi được sự trợ giúp của một số người quen, Thân được đưa bằng thuyền quay lại quê, đào một chiếc hầm ở phía trong một chiếc chòi nơi bãi bồi giữa sông để ẩn náu. Nhưng chỉ trốn được ít ngày thì thấy động vì trên bến, dưới thuyền, chỗ nào ở vùng này cũng bị vòng vây truy lùng của công an khép chặt.

Lật lại hồ sơ vụ vượt ngục không tưởng của 2 tử tù - 2

Thân “rau muống” được ăn bát phở tại trụ sở Công an TP.Hà Nội sau 17 ngày lẩn trốn (ảnh tư liệu).

Lúng túng như chuột chạy trong ống, cả hai chui vào bãi ngô Trung Châu nhưng rồi bãi ngô cũng bị kiểm soát, thế là đành phải chui ra, lao bừa ra bờ sông và bị lạc nhau.

Nam, vốn không thuộc thông thổ ở đây nên rơi ngay vào điểm tuần tra của công an và bị bắt tại trận dù đã đội nón sùm sụp giả làm người chăn vịt. Còn Thân thì bơi thuyền sang được đất Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Tại đây, Thân được Đắng, một người họ hàng xa cưu mang. Hàng ngày, Thân chui vào bãi dâu để trốn, đêm mới dám mò về nhà Đắng lấy cơm ăn nước uống. Khi công an chốt cạnh nhà Đắng thì Thân đành nằm im nhịn đói cho đến khi bị trinh sát ập vào bắt giữ.

Khi đưa về trụ sở Công an Hà Nội, cầm chai nước suối do chính tay Thiếu tướng Phạm Chuyên đưa, Thân tu một ngụm hết nửa chai rồi rưng rưng nói: “Nước ngọt quá, đến giờ chết cũng thoả mãn rồi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Khê (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN