Mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh khác nhau.
Đó là nhận định của Bộ Nội vụ tại dự thảo Báo cáo Sơ kết thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng vừa được đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.
Đà Nẵng vừa sơ kết ba năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: TẤN VIỆT
Trực tiếp đối thoại
Bộ Nội vụ cho hay, khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh.
Cụ thể là thông qua ĐBQH, đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng, Thường trực HĐND TP và các ban, Tổ đại biểu HĐND TP, Ủy ban MTTQVN các cấp, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Đặc biệt là sự phản ánh của tổ dân phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư.
UBND các phường tại Đà Nẵng tăng cường công tác giao ban với tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn. UBND quận giao ban với UBND các phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.
Theo Bộ Nội vụ, công tác đối thoại nhân dân tại Đà Nẵng thực hiện đảm bảo thời gian và nội dung, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
Qua đối thoại với nhân dân, Chủ tịch UBND quận, phường đã trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền.
Qua đó giúp Chủ tịch UBND quận, phường chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.
Người dân Đà Nẵng tham gia ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri cấp phường của HĐND TP. Ảnh: TẤN VIỆT
Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP cũng tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền.
Trực tiếp giám sát
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đánh giá hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng do Ủy ban MTTQVN các phường, xã ra quyết định thành lập từng bước củng cố và phát huy.
Trong hai năm (2021-2022), 56 Ban Thanh tra nhân dân tại Đà Nẵng chủ trì tiến hành hoạt động có hiệu quả. UBND quận, phường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền.
Cụ thể như việc phân công cán bộ, công chức phường tham gia các cuộc họp của tổ dân phố, thôn hoặc thông qua hòm thư góp ý, sổ góp ý.
Hay như việc lắng nghe nhân dân trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp, hoặc gửi phiếu xin ý kiến về các công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp ý các quy ước, công việc nội bộ khu dân cư.
Quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân được phát huy thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Khi không còn HĐND cấp quận, phường, một số việc quan trọng, UBND phường đã thông qua tổ dân phố và Ban công tác Mặt trận các khu dân cư để nhân dân tham gia ý kiến trước khi quyết định.
Bên cạnh đó, UBND các phường tại Đà Nẵng còn lập sổ theo dõi phản ánh, kiến nghị của các tổ trưởng tổ dân phố để kịp thời giải quyết. Đặc biệt, việc người dân bầu trực tiếp tổ trưởng tổ dân phố cũng góp phần phát huy dân chủ trực tiếp.
Theo kết quả tổng hợp từ 1-7-2021 đến 31-3-2023, UBND các quận tại Đà Nẵng đã tiếp nhận 1.189 ý kiến, đề xuất của người dân. UBND các phường đã tiếp nhận 2.358 kiến nghị, đề xuất của người dân và tỉ lệ giải quyết trên 85% đối với quận, 96% đối với phường. Chủ tịch UBND các quận đã tổ chức 48 cuộc đối thoại với 4.479 người tham gia (cả trực tiếp và trực tuyến). Chủ tịch UBND các phường đã tổ chức 169 cuộc đối thoại với 15.426 người tham gia. Nhìn chung, các buổi đối thoại được tổ chức chất lượng, hiệu quả. |
Nguồn: [Link nguồn]
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 - 2026.