Làm oan, công an huyện phải bồi thường

Vụ việc xảy ra từ 24 năm trước, người bị oan đòi Công an huyện Giồng Trôm (Bến Tre) bồi thường hơn 2,1 tỷ đồng. TAND huyện Giồng Trôm vừa xử sơ thẩm, tuyên buộc Công an huyện này phải bồi thường hơn 88 triệu đồng.

Khởi tố, bắt, thả rồi bỏ mặc?
Theo đơn khởi kiện, ông Đỗ Văn Khai vào công tác tại Công ty Vật tư tổng hợp huyện Giồng Trôm từ tháng 3.1985. Đến ngày 1.2.1991, ông bị Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện này khởi tố, bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông bị tạm giam đến ngày 29.3.1991 (57 ngày) thì được CQĐT cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ông Khai cho rằng mình bị oan nên nhiều năm đeo đuổi khiếu nại. Theo ông, mãi đến ngày 18.10.2011 ông mới được Công an huyện Giồng Trôm mời đến trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án, quyết định đình chỉ điều tra bị can, quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (ba quyết định này cùng ký ngày 19.8.2011). Quyết định đình chỉ điều tra bị can xác định: “Sau khi tiến hành điều tra thấy đã hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm”.

Ông Khai khiếu nại đòi bồi thường oan. Tháng 10.2011, Tỉnh ủy Bến Tre có công văn trả lời trường hợp oan của ông thuộc trách nhiệm bồi thường của Công an tỉnh Bến Tre. Sau đó Công an huyện Giồng Trôm đã mời ông đến hướng dẫn làm đơn đề nghị bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp đó, công an huyện mời ông đến thương lượng nhưng không thành nên hướng dẫn ông khởi kiện ra TAND huyện Giồng Trôm.

Vì vậy ông Khai đã khởi kiện, yêu cầu Công an huyện phải bồi thường cho ông thiệt hại về thu nhập bị mất và tổn thất tinh thần từ ngày 1.2.1991 (ngày ông bị bắt) đến ngày 19.8.2011 (ngày Công an huyện Giồng Trôm ký các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, quyết định đình chỉ điều tra bị can, quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn), tổng cộng hơn 2,1 tỷ đồng.

Làm oan, công an huyện phải bồi thường - 1

Đình chỉ rồi vẫn… cấm đi khỏi nơi cư trú (?!)
Theo các tài liệu tòa thu thập được thì vụ việc của ông Khai được xác định như sau: Tháng 11.1990, chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra Công ty Vật tư tổng hợp Giồng Trôm. Qua kết quả kiểm tra, phát hiện có một số cán bộ công ty, trong đó có ông Khai (kế toán trưởng) có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đoàn kiểm tra đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện thụ lý.

Ngày 10.1.1991, CQĐT Công an huyện Giồng Trôm đã ra quyết định khởi tố vụ án. Căn cứ vào tài liệu chứng cứ thu thập được thì thấy hành vi của ông Khai cấu thành tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nên ngày 22.1.1991, CQĐT đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Khai (hồ sơ đã được VKS huyện phê chuẩn).

Quá trình điều tra, xét thấy vụ án chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên ngày 20.3.1991, CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Khai.

Đến đây, thay vì trả tự do cho ông Khai, chấm dứt mọi hoạt động tố tụng thì CQĐT lại tiến hành một loạt động thái trái pháp luật tố tụng hình sự: Ngày 26.3.1991 (sáu ngày sau khi có các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can), cơ quan này lại… ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Khai.

Ngày 28.3.1991, cơ quan này ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Khai. Ngày 29.3.1991, điều tra viên chỉ tống đạt quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cho ông Khai dù việc cấm đi khỏi nơi cư trú đã bị hủy bỏ từ một ngày trước. Và mãi đến ngày 29.3.1993 (hai năm sau), điều tra viên mới tống đạt quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cho ông Khai.

Tòa chỉ chấp nhận hơn 88 triệu đồng

Tại phiên xử sơ thẩm, luật sư của ông Khai cho rằng đến ngày 18.10.2011 (ngày ông Khai được Công an huyện Giồng Trôm mời đến nhận ba quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn) thì ông Khai mới thực sự được tự do. Trước đó, phía công an nói thời điểm tháng 3.1991, khi ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can có thông báo cho ông Khai biết nhưng ông Khai khẳng định không được thông báo gì, chỉ nhận được lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Do đó, luật sư của ông Khai đề nghị tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Khai.

Tuy nhiên, đại diện Công an huyện Giồng Trôm nói sau khi nhận được đơn yêu cầu bồi thường oan của ông Khai, do hồ sơ vụ án bị thất lạc nên để giải quyết cho ông Khai, tháng 8.2011, CQĐT Công an huyện mới ra ba quyết định đình chỉ vụ án, bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Đến nay CQĐT đã thu hồi ba quyết định này nên chúng không còn giá trị pháp lý nữa.

Theo đại diện Công an huyện, vào tháng 11.2012, cơ quan này có thỏa thuận bồi thường hơn 366 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần cho ông Khai. Thế nhưng hiện tại Công an huyện chỉ đồng ý bồi thường cho ông Khai hơn 8 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần của 57 ngày bắt tạm giam và gần 2,5 triệu đồng do thu nhập thực tế bị mất. Công an huyện cũng chỉ chấp nhận bồi thường tiền tổn thất tinh thần trong 24 tháng ông Khai tại ngoại và bị cấm đi khỏi nơi cư trú (từ tháng 3.1991 đến tháng 3.1993) với tổng số tiền gần 35 triệu đồng. Còn từ tháng 3.1993 (thời điểm điều tra viên tống đạt quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cho ông Khai) đến nay, Công an huyện không đồng ý bồi thường. Ngoài ra, Công an huyện cũng chỉ đồng ý bồi thường lương của 24 tháng bị mất với số tiền hơn 25 triệu đồng theo mức lương tối thiểu hiện tại. Tổng cộng các khoản là hơn 70 triệu đồng.

Theo TAND huyện Giồng Trôm, thời gian để tính thu nhập bị mất của ông Khai là 57 ngày bị tạm giam cộng với 730 ngày ông được tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú, tất cả là 787 ngày. Theo mức lương tối thiểu tại thời điểm xét xử là 1.150.000 đồng/tháng, tức 52.237 đồng/ngày thì thu nhập bị mất trong 787 ngày của ông Khai là hơn 41 triệu đồng. Về số tiền tổn thất tinh thần, tòa tuyên ông Khai được bồi thường hơn 47 triệu đồng. Tổng cộng Công an huyện Giồng Trôm phải bồi thường cho ông Khai hơn 88 triệu đồng.

Sau phiên xử, ông Khai cho biết sẽ kháng cáo vì mức bồi thường quá thấp.

Công an hay VKS bồi thường?
 
Tại phiên xử, đại diện Công an huyện Giồng Trôm đề nghị tòa xem xét trách nhiệm của VKS huyện này vì đã phê chuẩn các quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Khai.

Tuy nhiên, theo tòa, CQĐT Công an huyện Giồng Trôm đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can từ ngày 20.3.1991 nhưng sau đó lại ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Khai. Do đó, trách nhiệm bồi thường thuộc về Công an huyện Giồng Trôm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Minh/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN