Lạ lùng tòa vẫn xử dù vắng bị cáo, bị hại, người liên quan
Hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào như bản tự khai, trình bày, biên bản hỏi cung, bị cáo vắng mặt tại phiên xử nhưng tòa vẫn xét xử và tuyên án.
Mới đây, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vụ làm nhục người khác do có vi phạm về trình tự, thủ tục tố tụng.
Cùng với đó, hồ sơ vụ án được chuyển cho VKSND Cấp cao tại Hà Nội để điều tra lại theo thủ tục chung.
Không thể triệu tập, áp giải bị cáo
Theo bản án sơ thẩm, do mâu thuẫn về đất đai, sáng 23-7-2018, bà Trần Thị Thanh Hương (48 tuổi, trú xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu) cùng ba người khác xảy ra cãi vã với bà Nguyễn Thị Lan (56 tuổi).
Quá trình này, bà Hương chửi rủa, lăng mạ, giằng xé áo, bốc phân heo ném vào người bà Lan trước sự chứng kiến của nhiều người dân. Cho rằng bị xúc phạm danh dự, bà Lan có đơn đề nghị công an vào cuộc xử lý. Bà Hương sau đó bị khởi tố, truy tố về tội làm nhục người khác theo khoản 1 Điều 155 BLHS năm 2015.
Đáng nói là trong quá trình điều tra, bà Hương và những người liên quan (ba người cùng tham gia với bà Hương cự cãi với bà Lan) không nhận các văn bản tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng gửi, không chấp hành yêu cầu theo giấy triệu tập. Thậm chí, lực lượng công an đã thực hiện việc dẫn giải người bị kiến nghị khởi tố nhưng cũng không thành.
Tại tòa (đã hoãn hai lần), bà Hương cùng ba người liên quan tiếp tục vắng mặt không lý do. Công an đã thực hiện việc áp giải bị cáo nhưng… vẫn không được. Bị hại là bà Lan thì có đơn xin xét xử vắng mặt.
Dù vậy, HĐXX vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử. Theo tòa, bị cáo đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần, tòa ra lệnh áp giải nhưng không thực hiện được. Suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo luôn chống đối, không chấp hành nghĩa vụ… Việc bị cáo vắng mặt là do ý thức coi thường pháp luật chứ không phải lý do bất khả kháng.
Tương tự, những người liên quan cũng có thái độ tương tự, dù được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng đều vắng mặt. Tòa nhận định việc vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến việc xét xử.
Do đó, sau khi xem xét hồ sơ vụ án, tòa sơ thẩm quyết định tuyên phạt bà Hương hai năm cải tạo không giam giữ, buộc bồi thường cho bà Lan 3 triệu đồng.
Tòa cũng khẳng định các hành vi, quyết định tố tụng của Công an huyện Khoái Châu, điều tra viên, VKSND huyện Khoái Châu và kiểm sát viên trong vụ án này đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục của BLTTHS.
Bà Trần Thị Thanh Hương, người bị tuyên án dù vắng mặt tại phiên tòa. Ảnh: UYÊN TRANG Tòa, viện và công an đều vi phạm
Hơn một tháng sau, bà Hương kháng cáo. Do quá thời hạn, TAND tỉnh Hưng Yên không chấp nhận kháng cáo. Tuy nhiên, cơ quan này sau đó có văn bản kiến nghị chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Khoái Châu như đã nêu.
Theo quyết định giám đốc thẩm, quá trình điều tra, cơ quan công an đã trực tiếp đến nhà bà Hương để tống đạt các quyết định tố tụng và triệu tập để thực hiện việc hỏi cung bị can nhưng bà Hương đều chống đối, không nhận bất cứ quyết định nào.
Dù bà Hương có thái độ như vậy nhưng cơ quan công an đã không áp dụng biện pháp áp giải hoặc các biện pháp nghiệp vụ khác để lấy lời khai của bị can. Việc này khiến hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào như bản tự khai, trình bày, biên bản hỏi cung thể hiện lời khai của bị can, không có biên bản giao nhận kết luận điều tra cho bị can…
“Cơ quan điều tra Công an huyện Khoái Châu đã không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng được quy định tại các điều 109, 182, 183, 184 và 232 của BLTTHS” - quyết định nêu rõ. Tiếp đó, khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, VKSND huyện Khoái Châu vẫn lặp lại những sai sót tương tự. VKS không tiến hành lấy lời khai của bị can nhưng vẫn ban hành cáo trạng truy tố, khi bàn giao cáo trạng cũng thực hiện “không chặt chẽ”, không đúng quy định của BLTTHS.
Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng lẽ ra khi nhận hồ sơ, TAND huyện Khoái Châu cần phải trả hồ sơ để cơ quan điều tra thực hiện điều tra theo đúng quy định. Thay vào đó, cơ quan này lại đưa vụ án ra xét xử và xét xử vắng mặt bị cáo, vi phạm về trình tự, thủ tục tố tụng được quy định tại Điều 290 BLTTHS.
Hủy quyết định thi hành án Liên quan đến vụ án, ngày 17-9-2020, chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Khoái Châu ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với bà Trần Thị Thanh Hương. Tiếp đó, ngày 22-9, chánh án TAND huyện Khoái Châu ký quyết định thu hồi và hủy quyết định thi hành án hình sự đối với bị án Trần Thị Thanh Hương. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 5/8, thông tin mà PV nắm được, Toà án nhân dân quận Hà Đông (TP.Hà Nội) đã đưa ra xét xử, tuyên án đối với bị...