Ký ức vụ "trả nợ máu" của 2 bên thông gia

Bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ nhặt của hai chị em dâu, chỉ vì thiếu suy nghĩ, hai gia đình thông gia đã kéo nhau vào cuộc "trả nợ máu" rợn người.

Đã gần 7 năm trôi qua nhưng đối với người dân ở thôn Đại Lâm (Tam Đa - Yên Phong - Bắc Ninh), vụ án chém giết đẫm máu này vẫn như mới xảy ra với nỗi kinh hoàng. Kẻ sát nhân Nguyễn Văn Bình (SN 1983), sau nhiều năm bỏ trốn, bị truy nã đã ra đầu thú. Mới đây, ngày 26/4/2012, Bình bị TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử về tội giết người.

Ký ức vụ "trả nợ máu" của 2 bên thông gia - 1

Bà Nguyễn Thị Quỳnh tâm sự với PV về bị kịch mà gia đình bà đang phải gánh chịu.

Từ mâu thuẫn đàn bà

Bà Nguyễn Thị Quỳnh (mẹ của Nguyễn Văn Bình kẻ đã giết người rồi bỏ trốn suốt 7 năm vừa mới bị TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt án chung thân), đã ngồi tâm sự với chúng tôi suốt cả buổi chiều. Lúc trò chuyện, nhìn vào ánh mắt của bà, dễ dàng nhận ra nỗi xót xa pha chút thù hận trong người phụ nữ này.

Chia sẻ với PV về sự mất mát của gia đình mình sau màn kịch chém giết đẫm máu, bà Quỳnh thốt lên: "Người nhà tôi dại khờ nên mới nhận lấy hậu họa đau đớn này! ". Hình ảnh của bà Quỳnh ngồi lọt thỏm, u buồn trong căn nhà trống trải đủ nhận ra những tháng ngày qua bà phải chịu đựng nỗi đau khổ và dằn vặt như thế nào.

Theo bà Quỳnh, căn nguyên của vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn của cô con gái ruột của bà Nguyễn Thị Huyền với chị dâu con nhà bác bên chồng của Huyền tên là Xuyến. Huyền về làm dâu gia đình em trai ông Nguyễn Văn Kim. Thời gian đầu hai chị em dâu Huyền và Xuyến (Xuyến là con dâu của ông Kim và là vợ của Nguyễn Văn Sóng - PV) cùng chung vốn mở một quầy bán thịt lợn ở chợ (khu chợ dân sinh tương đối đông đúc nằm gần làng Đại Lâm).

Việc kinh doanh giữa hai chị em dâu Huyền và Xuyến không mang lại kết quả như ý muốn ban đầu. Do vậy, hai bên không muốn làm chung nữa mà chia đôi quầy để buôn bán độc lập. Huyền có tài ăn nói nên khách hàng trước đây hay đến quầy của Huyền mua hàng.

Trong khi đó, quầy của Xuyến không có khách cũ đến mua. Bực tức vì cô em dâu con chú qua mặt, nên Xuyến hay nói bóng nói gió, xỉa xói Huyền. Thậm chí, khi trên đường đi chợ về, Huyền bị Xuyến và chồng của Xuyến - Sóng cố tình chèn xe cho ngã để "dằn mặt".

Sau nhiều lần như thế khiến Huyền rất ức chế và mang chuyện về nhà bố mẹ đẻ tâm sự. Việc Huyền bị đối xử như vậy khiến nhiều thành viên trong gia đình tức tối, đã đến nhà Xuyến để trao đổi nhưng bên nhà Xuyến vẫn không chịu dừng lại.

Thái độ của Xuyến khiến cho mâu thuẫn giữa hai gia đình càng trở nên căng thẳng. Các thành viên trong gia đình bố mẹ đẻ của Huyền muốn tìm cách "dằn mặt" Xuyến để lấy lại sự "công bằng" cho Huyền. Trong số thành viên của gia đình, có Hải (anh trai của Huyền) một đối tượng nghiện hút và có máu mặt tỏ ra bức xúc nhất.

Vào một ngày giữa tháng 6 năm 2004, Hải thấy Sóng (chồng Xuyến) ăn sáng tại một hàng ăn gần nhà mình, liền đến gây gổ. Hai bên đánh nhau gây náo loạn cả khu dân cư. Thấy vậy, ông Nguyễn Văn Năm (bố của Hải) đang trong nhà cũng chạy ra. Thấy con trai của mình đánh nhau với Sóng, vốn đã bực tức vì hành vi của vợ chồng Sóng - Xuyến với con gái mình là Huyền nên ông Năm cũng a dua vào. Hai cha con ông Năm đánh Sóng khiến Sóng bị thương nhẹ.

Bà Quỳnh cho biết: "Sau khi hai cha con đánh Sóng, tôi có đến nhà để hỏi han nó. Tôi hỏi: Cháu có bị thương nặng không cô đưa cháu đi khám để chữa trị? Sóng có nói là không bị thương. Tôi tưởng sự việc dừng lại ở đó".

Ai ngờ, hành động của hai cha con ông Năm khiến Sóng để bụng thù hằn. Sóng về nhà tâm sự với người thân trong gia đình, càng ngày sự uất hận càng lớn. Ngày 25/5/2004 khi chú của Sóng là ông Nguyễn Văn Chào hô hào cầm đầu 4 đứa cháu trai (Nguyễn Văn Sóng, Nguyễn Văn Luyến, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Thắm) cũng là anh em ruột của Sóng vác gậy, tuýp sắt đến nhà ông Nguyễn Văn Năm để "nói chuyện" và đòi lại "công bằng" cho cháu của mình.

3 mạng người và 6 người phải tù tội - đó là kết cục quá bi thảm của chuỗi trả thù đẫm máu bắt nguồn từ mâu thuẫn đàn bà nhỏ nhặt. Bà Quỳnh nghẹn ngào tâm sự: "Giá như giữa hai chị em dâu Huyền và Xuyến tự giải quyết mâu thuẫn với nhau, không kéo cả hai gia đình chúng tôi vào cuộc thì đâu có kết cục bi thảm như vậy. Nhà tôi vốn con cháu đề huề, vậy mà giờ đây tan nát hết cả. Chồng thì bị người ta đánh chết, con trai thì tù chung thân... Trời ơi, đau xót quá!".

Bà Liên, người hàng xóm với bà Quỳnh cho biết: "Hôm đó cả nhà ông Năm đi vắng, chỉ có một mình ông Năm ở nhà. Đoàn người này, tay cầm gậy tre, tuýp sắt hô hoán ầm ĩ đập phá tứ tung khiến dân làng tôi khiếp hồn chỉ biết đứng từ xa nhìn lại". Trong lúc 5 chú cháu nhà Sóng đập phá chửi bới, ông Năm ở trong nhà chạy ra, gánh trọn trận "lôi đình" của chú cháu nhà Chào. "Nếu ông nhà tôi không gan lỳ, biết mà chạy thoát thân thì không đến nỗi mất mạng" - bà Quỳnh hai dòng nước mắt nghẹn ngào thốt lên.

Màn đánh đập điên loạn của 5 chú cháu nhà Sóng khiến ông Năm bị thương nặng. Sau đó ông Năm nhanh chóng được hàng xóm đưa đi bệnh viện cấp cứu và 18 ngày sau thì tử vong do chấn thương sọ não quá nặng.

Đến màn trả thù ghê rợn

Sau khi ông Năm chết, 5 chú cháu nhà ông Chào bị TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt các mức án từ 8 năm đến 12 năm tù về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Trong thời gian ông Năm bị thương nằm viện, gia đình bà Quỳnh đã điện cho con trai út Nguyễn Văn Bình (SN 1983) về chăm sóc bố. Lúc đó, Bình đang là quân nhân, công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu I. Sau thời gian chăm sóc cha nằm viện, chứng kiến cái chết quá đau đớn của cha, Bình đã nuôi ý định trả thù cho cha mình.

Hơn một năm sau ngày cha mất vì bị đánh đập dã man, để chuẩn bị cho việc trả thù, Bình đã xin xuất ngũ trở về địa phương. 14h ngày 4/11/2005, sau khi Bình thắp hương cho bố, Bình âm thầm sang nhà ông Nguyễn Văn Kim (SN 1950) và bà Nguyễn Thị ý (SN 1954) - bố mẹ của Sóng.

Tại đây, vì bức xúc trước cái chết của bố nên Bình đã có cuộc cãi vã lớn với ông Kim. Trong khi đang khẩu chiến thì ông Kim vác dao ra hù dọa giết Bình. Bình đã cướp dao từ tay ông Kim và đâm hai nhát vào người ông Kim. Bà ý thấy chồng mình bị đánh nên lao vào ôm Bình. Trong lúc xô xát, Bình quay sang đâm bà ý hai nhát dao chí mạng. Sau khi hạ gục ông Kim và bà ý, Bình đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Kết cục của màn "đòi nợ máu" của Bình đã làm bà ý chết sau đó hai ngày vì vết đâm xuyên gan quá hiểm. Còn ông Kim sau đó hai năm cũng qua đời vì di chứng của hai vết đâm mà Bình gây ra. Sau 7 năm Bình bỏ trốn, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phát lệnh truy nã trên toàn quốc nhưng vẫn không tìm ra tung tích của y.

Theo lời khai của Bình, thời gian 7 năm sống ngoài vòng pháp luật, Bình lang thang hết địa bàn Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh kiếm sống bằng nghề phụ hồ cho các công trình xây dựng tư nhân. Trong khoảng thời gian đó, Bình đã quen và yêu một người con gái tên Xuân. Giữa hai người đã có với nhau một đứa con gái nhỏ dễ thương.

Cuộc sống chạy trốn khổ ải, cũng như nỗi ám ảnh tội lỗi khiến Bình không một ngày được yên thân. Vì không muốn kéo dài cuộc sống chui lủi và nhờ sự động viên của người yêu khiến Bình tỉnh ngộ. Đến ngày 24/10/2011 Bình đến CSĐT công an tỉnh Bắc Ninh đầu thú và cúi đầu nhận tội. Ngày 26/4, TAND tỉnh Bắc Ninh đưa Bình ra xét xử và tuyên phạt Bình mức án chung thân về tội giết người.

* Tên nạn nhân và một số nhân vật đã được thay đổi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trinh Phúc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN