Kỳ lạ không có bản cung vẫn nhận án tù

Sự kiện: Tin nóng

Cơ quan điều tra kết thúc điều tra và kiến nghị truy tố bà Hương theo tội danh làm nhục người khác nhưng không có biên bản hỏi cung.

Chị Hương bị tuyên án 2 năm cải tạo không giam giữ

Chị Hương bị tuyên án 2 năm cải tạo không giam giữ

Sau khi bị tuyên phạt 2 năm tù treo về tội làm nhục người khác, tại phiên tòa vắng mặt cả bị cáo, bị hại lẫn người làm chứng, chị Trần Thị Thanh Hương (SN 1972, ở thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) làm đơn kêu oan.

“Bất ngờ” nhận bản án

Trong đơn gửi Báo Giao thông, chị Hương cho biết, nguồn cơn sự việc xuất phát từ những mâu thuẫn trong việc tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất với ông Nguyễn Văn Thêm (em ruột bà Nguyễn Thị Dịu - mẹ chị Hương) và vợ ông Thêm là bà Nguyễn Thị Lan (chị Hương gọi bằng mợ).

Theo bản án số 23 ngày 16/4/2020 của TAND huyện Khoái Châu, sáng 23/7/2018 giữa gia đình bà Nguyễn Thị Dịu và gia đình bà Nguyễn Thị Lan xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Lúc này, bà Lan xông vào tát chị Hương 1 cái, chị Hương túm áo giằng co làm bà Lan rách áo. Một lát sau, Hương chở các bao phân lợn tới đổ xuống đất thì bà Lan tiếp tục ra ngăn cản. Hương chửi và cầm bao tải dứa dính phân vụt vào mặt bà Lan làm xước gò má phải, sau đó ném phân trúng người bà Lan.

Cơ quan điều tra nhận định, Hương có hành vi chửi rủa, lăng mạ, giằng xé áo, bốc phân lợn ném vào người bà Lan trước sự chứng kiến của nhiều người dân làm bà Lan bị xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm nên quyết định khởi tố vụ án.

“Ngày 18/5/2020, tôi nhận được quyết định thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và một phần trích lục bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020 ngày 16/4/2020 của TAND huyện Khoái Châu. Thực tế, họ đã ném các văn bản trên vào sân nhà tôi chứ tôi không được giao nhận theo quy định. Theo các văn bản này, tôi bị TAND huyện Khoái Châu tuyên phạt 2 năm cải tạo không giam giữ về tội danh “Làm nhục người khác”. Suốt thời gian điều tra, truy tố, xét xử vụ án tôi không được tham gia hỏi cung, không nhận được bất cứ văn bản tố tụng nào từ cơ quan điều tra, VKSND và TAND huyện mà vẫn bị kết án một cách vô lý như vậy”, chị Hương phản ánh.

Trước thông tin này, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, đại diện lãnh đạo Công an huyện Khoái Châu cho biết: “Đó hoàn toàn là những tố cáo không có căn cứ. Hơn ai hết cơ quan điều tra phải hết sức thận trọng khi khởi tố một người nào đó. Nói chị Hương không hề biết cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can là điều hết sức phi lý. Thực tế, trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT rất nhiều lần gửi giấy mời, giấy triệu tập chị Hương nhưng chị ấy bất hợp tác, nhất quyết không nhận, không đến cơ quan công an để làm việc.

Các điều tra viên của chúng tôi phải phối hợp với lực lượng chức năng địa phương đến tận nhà chị ấy lấy lời khai, làm biên bản hỏi cung. Tuy nhiên chị Hương bất hợp tác, kiên quyết không ký, còn chửi bới lực lượng chức năng. Tất cả những điều này đều có đại diện chính quyền địa phương, người làm chứng”.

Phiên tòa không bị cáo, bị hại, người làm chứng

Trước đó, ngày 16/4, TAND huyện Khoái Châu đưa vụ án nói trên ra xét xử. Bị cáo, bị hại, người làm chứng đều không có mặt tại phiên tòa. Trong bản án đều ghi nhận: Tại phiên tòa, bị cáo Hương cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt không lý do.

Mặc dù cơ quan công an huyện Khoái Châu đã thực hiện biện pháp áp giải bị cáo nhưng không thực hiện được. Người bị hại là bà Lan có đơn xin xét xử vắng mặt đồng thời giữ nguyên quan điểm đề nghị xử phạt bị cáo Hương theo quy định. Sau đó, TAND huyện Khoái Châu ra bản án kết tội bị cáo Hương với mức án nêu trên.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, người trợ giúp pháp lý cho bà Hương cho biết, cơ quan điều tra kết thúc điều tra và kiến nghị truy tố bà Hương theo tội danh làm nhục người khác mà chỉ dựa vào lời khai của bà Nguyễn Thị Lan (bị hại), không có biên bản hỏi cung đối với bà Hương là không đảm bảo tính khách quan, chính xác của vụ án. Do đó, các yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh không thể được chứng minh, làm rõ trong quá trình điều tra. Đây là điều “rất không bình thường” trong việc kết tội một con người.

Về chi tiết bị cáo Hương vắng mặt tại phiên tòa không lý do, dù cơ quan công an đã thực hiện biện pháp áp giải nhưng không thực hiện được, luật sư phân tích, trong hoạt động tố tụng hình sự, quyền lực của các cơ quan điều tra là tuyệt đối.

Nếu bị can có thái độ chống đối, cơ quan điều tra có thể ngay lập tức thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang tạm giam, không thể nói là bị can ở nhà nhưng không tống đạt được quyết định triệu tập, hỏi cung hay áp giải đến tòa. Bị cáo Hương cũng đã có đơn xin xác nhận của Công an xã Dạ Trạch xác nhận từ ngày 1/1/2019 đến nay vẫn sinh sống ở địa phương và không đi đâu.

Luật sư cho rằng, việc bà Hương không được cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai, hỏi cung trong suốt quá trình điều tra vụ án là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong khi đó, lãnh đạo Công an huyện Khoái Châu thông tin: “Chị Hương rất nhiều lần bất hợp tác với cơ quan chức năng từ khâu điều tra, truy tố, xét xử. Đã có một số ý kiến đưa ra là nếu chị ta bất hợp tác có thể tiến hành biện pháp tạm giam.

Tuy nhiên, chúng tôi xét tới nhiều yếu tố, trong đó có việc hành vi của chị Hương ở mức độ ít nguy hiểm, không nên áp dụng biện pháp tạm giam. Nếu chúng tôi tạm giam thậm chí còn tạo nên dư luận cho rằng lực lượng công an chỉ vì một hành vi không nguy hiểm cũng bắt giam một con người, khi đó còn phức tạp hơn”.

Nhiều lỗi cẩu thả trong các văn bản của tòa

Theo luật sư Hưng, trong quá trình tìm hiểu về vụ án, ông phát hiện nhiều lỗi thể hiện sự cẩu thả trong các văn bản của TAND huyện Khoái Châu.

Ngày 19/2, TAND tỉnh Hưng Yên có văn bản trả lời một số thắc mắc của bị cáo Hương trước khi phiên tòa sơ thẩm hình sự diễn ra. TAND tỉnh này thừa nhận TAND huyện Khoái Châu gặp “lỗi đánh máy” khi ra lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú trong vòng 45 ngày với bị cáo Hương (theo quy định chỉ có quyền ra lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú với thời gian không quá 17 ngày).

Sai sót thứ hai là việc giấy triệu tập đến tòa, yêu cầu bị cáo Hương có mặt lúc 0h ngày 21/2/2020, chữ ký của Thẩm phán Bùi Văn Tân, nhưng dùng dấu của Thẩm phán Đào Duy Trĩnh (người không tham gia xét xử). TAND tỉnh Hưng Yên cũng nhận định đây là “lỗi đánh máy” khi yêu cầu bị cáo có mặt lúc đêm khuya, ngoài giờ hành chính. TAND tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu Chánh án TAND huyện Khoái Châu tổ chức nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Đối với nội dung từ chối đến tòa án tham gia tố tụng đề ngày 17/2/2020 của chị Hương, TAND tỉnh Hưng Yên nêu: Trong ngày 17/2/2020 TAND huyện Khoái Châu đã kết hợp cùng công an xã Dạ Trạch về nhà bị cáo Hương để tống đạt các văn bản tố tụng. Tuy nhiên bị cáo cùng những người có mặt trong nhà kiên quyết không nhận.

Sau đó tòa đã giao các văn bản trên cho công an xã Dạ Trạch để công an tiếp tục giao cho bị cáo. Khi công an xã đến giao thì bị cáo và những người liên quan có nhà nhưng đều kiên quyết không nhận những văn bản trên. Do đó TAND huyện Khoái Châu đã tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng trên tại nơi bị cáo cư trú theo đúng quy định pháp luật.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trần Thị Thanh Hương đã viết đơn kháng cáo.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ tự tử tại tòa Bình Phước: Nghi lọt người, lọt tội

Ngoài các vấn đề kháng nghị giám đốc thẩm đề cập, tại tòa đại diện VKS còn nêu thêm ba điểm để HĐXX làm căn cứ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hòa ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN