Kỳ án "vườn điều": Gần 18 năm nỗi oan thấu trời được tẩy rửa

Sự kiện: Tin pháp luật

Từ khi xảy ra vụ án “vườn điều”, 10 con người trong 1 gia đình tan tác đau thương, họ mang thân phận tội đồ. Trong khi đó, quá trình tố tụng đã có nhiều sai sót...

Họp báo định hướng dư luận

Sau cuộc họp liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương, ít ngày sau đó, ban Nội chính Trung ương có thông báo về kết quả giữa ban Nội chính Trung ương với các cơ quan tư pháp Trung ương và tỉnh Bình Thuận về vụ án “vườn điều” với những “điểm mờ” đã được làm sáng tỏ và đề xuất tổ chức một cuộc họp báo trước đó của ông Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao khi ấy được chấp thuận.

Tại cuộc họp liên ngành, Trưởng ban Nội chính TW Trương Vĩnh Trọng cho rằng cần thiết phải tổ chức họp báo để định hướng dư luận. Việc tổ chức họp báo do ban Nội chính và ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì. Ông Dương Thanh Biểu được giao nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo và giải trình các ý kiến của phóng viên. Việc tổ chức rút kinh nghiệm giải quyết vụ án này phải được tiến hành sau khi vụ án được giải quyết dứt điểm.

Ông Huỳnh Văn Nén trong “vòng vây” của báo chí trong ngày được xin lỗi công khai.

Ông Huỳnh Văn Nén trong “vòng vây” của báo chí trong ngày được xin lỗi công khai.

Trao đổi với PV, ông Dương Thanh Biểu nhớ như in ngày 8/3/2005, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương đã chủ trì cuộc họp báo với các cơ quan báo chí. “Hôm đó, tôi được phân công trình bày báo cáo về nội dung vụ án, những vấn đề mà báo chí quan tâm. Phương hướng sắp tới, đồng thời tôi cũng nêu những kết luận của Trưởng ban Nội chính TW Trương Vĩnh Trọng tại hội nghị với các cơ quan tư pháp Trung ương. Cũng tại cuộc họp báo, tôi kiến nghị các cơ quan báo chí có quyền đưa tin về quá trình xét xử vụ án. Vì đây là vụ án phức tạp, xảy ra đã lâu nên đề nghị các báo đưa tin trung thực theo kết luận của các cơ quan tư pháp”, ông Biểu nhớ lại.

Cũng theo lời ông Biểu, ngày 11/3/2005, tòa Phúc thẩm mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần hai. Tại bản án số 302/HSPT đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND Tối cao và bộ Công an (tổng cục Cảnh sát) điều tra từ đầu, VKSND Tối cao kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra theo kiến nghị của bản án phúc thẩm số 302/HSPT.

“Vào đầu giờ một buổi sáng cuối năm 2005, trời rất lạnh. Gió mùa Đông Bắc rít lên từng cơn nghe sàn sạt ngoài cửa sổ. Tôi đang cố quàng chặt hơn chiếc khăn cho đỡ lạnh. Chợt anh Hạo, Phó Vụ trưởng vụ 3 gọi điện, xin gặp để báo cáo về vụ án. Ngay sau đó, anh Hạo ôm tập hồ sơ đến và nói “báo cáo nhanh với anh, chiều qua, được sự phân công của anh, tôi có tham gia cuộc họp liên ngành bàn về giải quyết vụ án. Sau khi các chuyên viên tham gia nội dung báo cáo vụ án vườn điều, bộ Công an đã chỉnh sửa và hôm nay xin ý kiến anh. Sau đó gửi lại cho bên đó để ban hành chính thức”. Tôi vui vẻ nhìn anh Hạo: Anh cho biết nội dung cuộc họp thế nào? Nhấp ngụm nước, anh Hạo nhìn tôi, rồi báo cáo tỉ mỉ về vụ án”, ông Biểu kể.

Nỗi hàm oan được giải quyết thấu tình, đạt lý

Theo báo cáo của Phó Vụ trưởng vụ Kiểm sát xét xử (vụ 3), ngày 20/12/2005, cơ quan điều tra bộ Công an có dự thảo báo cáo về xử lý vụ án “vườn điều”. Báo cáo nêu rõ, sau quá trình điều tra theo yêu cầu của tòa Phúc thẩm TAND Tối cao cho thấy: Lời khai nhận tội của các bị can trước sau không thống nhất, mâu thuẫn với nhau và nhiều điểm mâu thuẫn với hiện trường, với dấu vết, thương tích trên tử thi; mâu thuẫn với diễn biến hành động của các bị can khác... Các bị can lúc nhận, lúc không, đến nay hoàn toàn phản cung; Vật chứng duy nhất dùng làm chứng cứ buộc tội đối với các bị cáo là mảnh sắt gỉ mà cơ quan điều tra thu được. Kết quả giám định là mảnh sắt trên không phải là con dao phay như bị can khai nhận; Các nhân chứng trong vụ án đều là gián tiếp (có một số người là đặc tình của cơ quan điều tra), do sự việc xảy ra đã lâu nên sự nhận biết, khai báo của họ không chuẩn xác, thiếu khách quan, giá trị và tính xác thực của chứng cứ thấp.

Với những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, không đủ căn cứ kết luận bà Nguyễn Thị Lâm cùng các bị can khác phạm tội giết người, cướp tài sản; các ngành nhất trí cao là tạm đình chỉ điều tra vụ án giết người tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Giao Công an tỉnh Bình Thuận thụ lý thuộc thẩm quyền. Cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công an đình chỉ điều tra đối với các bị can đã khởi tố. VKSND Tối cao quyết định trả tự do cho bà Lâm cùng những người khác có liên quan vì không thực hiện hành vi phạm tội.

Các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận phối hợp giải quyết hậu quả của vụ án, khẩn trương xem xét việc bồi thường cho những người bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử oan theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từng ngành tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán về những sai sót, vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng!...

“Như vậy, vấn đề quan trọng nhất của vụ án này là những người bị hàm oan, bị đau đớn đến tột cùng về thể chất và tinh thần đã được giải quyết. Có lẽ cuộc đời người chiến sĩ đánh án không gì vui hơn khi sự thật, chân lý của vụ án được xác định và nỗi oan của người dân được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý.

Tôi ngồi xuống nhìn anh Hạo. Anh Hạo nhoẻn cười nhìn tôi: Có kết quả như hôm nay cũng nhờ sự sâu sát, đi đến cùng tìm ra lẽ phải của lãnh đạo Viện. Tôi nói với đồng chí Hạo, hiện nay bắt đầu giai đoạn xem xét xin lỗi, bồi thường oan sai cho người bị oan. Các đồng chí vụ 3 theo dõi,  giải quyết càng nhanh càng tốt và chú ý đôn đốc các đơn vị có trách nhiệm, tiếp tục xác minh phát hiện thủ phạm của vụ án này nhé. Ngoài trời, gió mùa Đông Bắc vẫn rít lên từng cơn. Trong phòng, hai chúng tôi vẫn ấm áp câu chuyện đánh án mãi không dứt”, ông Biểu kể lại.

Sáng 20/1/2012, tại trụ sở UBND thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, đại diện lãnh đạo công an, VKSND và TAND tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xin lỗi công khai các công dân bị oan sai trong vụ án “vườn điều” xảy ra ở địa phương này từ cuối tháng 5/1993. Như vậy, các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận,VKSND và TAND tỉnh Bình Thuận điều tra, truy tố, xét xử oan sai, làm nhiều người phải ngồi tù oan trong nhiều năm chính thức được minh oan. Vụ án cũng là bài học kinh điển về hoạt động tố tụng của ngành Tư pháp.

Nguồn: [Link nguồn]

Kỳ án ”vườn điều”: “Điểm huyệt” những vi phạm trong quá trình điều tra

Nghiên cứu, phân tích những vi phạm trong quá trình điều tra trong vụ án “vườn điều”, ngày 2/2/2005, tại TP.HCM, ban Nội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Lan- Nguyễn Thúy ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN