Kỳ án trốn trại: Khi trùm ma túy "núp" váy phụ nữ!
Nổi tiếng với cái tên "Cung điện Đen của Mexico", Black Palace được coi là nhà tù bất khả xâm phạm. Vậy nên, cuộc đào tẩu dễ dàng của một tên tội phạm theo cách không giống ai chỉ đơn giản với một thỏi son và chiếc váy đã khiến dư luận phải ngỡ ngàng.
LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin sau đây, hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất. |
Cuộc sống khắc nghiệt bên trong "Cung điện Đen của Mexico" – nhà tù Black Palace.
Ngày 17/12/1975, cũng như bao ngày khác, viên bảo vệ nhà tù Black Palace tiếp tục công việc nhàm chán bao năm nay của mình, đó là kiểm tra giấy tờ ra vào của những người tới thăm thân nhân trong tù.
Gần trưa, sau cả một buổi sáng đông đúc không có thời gian nghỉ ngơi, viên bảo vệ uể oải ngồi xuống. Khi còn chưa ấm chỗ, một người phụ nữ với gương mặt trang điểm nhẹ, thân hình cao ráo, vòng 1 quyến rũ và mái tóc dài thướt tha bước tới. “Cô ta thật đẹp!”, viên bảo vệ nghĩ như vậy và lướt qua tấm giấy ra vào. Cánh cửa trại giam được mở ra, cô gái quyến rũ thong thả bước ra ngoài.
Vài tiếng sau, người ta phát hiện ra sự biến mất của trùm buôn lậu ma túy Mỹ Dwight Worker. Xâu chuỗi các chi tiết lại với nhau, viên bảo vệ bàng hoàng khi nhận ra mình đã bị cô gái có mái tóc thướt tha ấy qua mặt. Thực chất, đó chính là Dwight Worker.
Những ngày tháng kinh hoàng
Được xây dựng năm 1950, nhà tù khét tiếng The Black Palace (còn gọi là nhà tù Lecumberri) nằm ở Lecumberri, Mexico vốn nổi tiếng với những điều kiện khắc nghiệt, được xây dựng vô cùng kiên cố và bảo vệ cẩn mật.
Tuy tù nhân được hưởng chế độ sinh hoạt được cho là tốt hơn so với một số nhà tù khác nhưng người ta vẫn mô tả nơi đây chẳng khác nào “lồng nhốt tội phạm” ở Mexico với các phòng giam có kích thước rất nhỏ và bẩn thỉu.
Các bức tường bao quanh được xây dựng cao chót vót, khiến nhà tù giống như một pháo đài bị cô lập. Không ai biết những gì đang diễn ra sau cánh cửa nhà tù mà chỉ được nghe kể lại qua những tù nhân được thả sau khi chấp hành xong bản án. Theo họ, đây thật sự là một nơi đáng sợ với những màn nhịn đói, tra tấn, những tù nhân thường đâm chém nhau và sống trụy lạc sau chấn song chật chội.
Tại nhà tù The Black Palace, trùm buôn lậu ma túy người Mỹ Dwight Worker cũng được liệt vào hàng có “số má”. Năm 1973, Dwight Worker bị bắt tại sân bay Benito Juarez, Mexico khi đang vận chuyển và buôn lậu ma túy. Sau đó, hắn bị kết án 5 năm tù và bị đưa tới thụ án tại nhà tù nổi tiếng tàn bạo ở Mexico này.
Trong suốt hai năm đầu tiên ở nhà lao, Worker đã rất chật vật mới có thể tồn tại sau những lần bị tra tấn, sốc điện, 4 lần bị đâm bằng dao và 3 lần phải nhập viện vì bị đánh trọng thương, chưa kể vô số lần bị cách ly cả tháng…
“Trong thời gian ở nhà tù Lecumberri, tôi bị cô lập khỏi những người Mỹ và những tù nhân quốc tế khác. Các quan chức nhà tù đã làm điều này vì họ cho rằng tôi là một kẻ lãnh đạo nguy hiểm. Trong số 400 tù nhân chủ yếu phạm tội giết người ở đây, duy nhất tôi không phải là người Mexico, không có ai ủng hộ tôi. Vì vậy, tôi chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc chiến đấu hoặc bị kẻ khác bắt nạt. Tôi đã chọn cách chiến đấu”, Worker kể lại.
Trùm ma túy Mỹ một thời - Dwight Worker – đang kể lại những ngày tháng “dữ dội” của mình 40 năm trước.
Cuộc đào tẩu dễ dàng nhất lịch sử
Không thể chịu đựng được thêm, Worker quyết định sẽ vượt ngục sau 2 năm bị giam cầm trong địa ngục.
Mọi phương án đều được hắn tính đến. Tuy nhiên, với mức độ an ninh cao tại đây, lại chỉ có một mình, không ít lần Worker hoàn toàn rơi vào tình trạng hoàn toàn bế tắc.
Thế rồi, cơ hội “ngàn năm có một” xuất hiện khi Worker tìm được một đồng minh, đó là Barbara Chilcoate - một sinh viên đi thăm phạm nhân và tình cờ gặp Worker. Worker sau đó đã thuyết phục Chilcoate được lén tuồn vào cho mình một bộ trang phục nữ giới.
Để thực hiện được kế hoạch táo tợn này, anh ta đã cạo sạch râu. Ngày 17/12/1975, nhận thấy thời cơ thích hợp đã đến, Worker đóng giả thành một người phụ nữ thăm phạm nhân với bộ ngực bằng tất nhồi trong áo, tóc giả, cùng một lớp trang điểm nhẹ.
Với giấy tờ giả, Worker sau đó đàng hoàng bước ra khỏi Lecumburri với danh phận một phụ nữ vào thăm người thân trong tù.
Worker nhanh chóng bắt một chiếc taxi đến điểm gặp gỡ được thống nhất trước với White và đi đến biên giới ở Tucson, Arizona để trở về bang Indiana, Mỹ.
Kể từ khi trốn thoát cho đến nay, anh ta vẫn ung dung sống tại đây. Barbara Chilcoate về sau đã trở thành vợ của Dwight Worker. Trong những năm sau đó, Worker đã làm việc cho Tổ chức Ân xá Quốc tế. "Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi mặc một bộ váy" Worker nói.
Câu chuyện trốn thoát ly kỳ của Worker đã được viết thành sách và thậm chí còn được dựng thành phim và được chiếu trên kênh National Geographic của Mỹ hồi tháng 5/2012. Đáng nói là, Worker là người thứ hai từng trốn thoát khỏi Lecumburri - nhà tù vốn nổi tiếng là nghiêm ngặt tại Mexico.
-----------------------------------------------
Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo Những phi vụ vượt ngục khó tin vào 4h ngày 21/10/2017.
Chỉ với một chiếc thìa - vật dụng không ai có thể nghĩ rằng nó có ích cho một cuộc đào tẩu, một tên sát nhân nguy hiểm.