Kỳ án trên đỉnh núi Lở (P cuối): Tội ác dưới lớp cỏ gianh
Lực lượng phá án của Công an tỉnh Yên Bái cũng không thể ngờ rằng phải mất tới hơn 700 ngày sau đó, các anh mới lật tẩy được chân dung của kẻ giết người.
Bức thư để lại
Sau khi đánh giá kỹ càng hiện trường gây án, Công an tỉnh Yên Bái đưa ra nhận định, với địa hình đồi núi cao, hiểm trở thì thủ phạm nhiều khả năng là người địa phương, có nương gần khu vực nạn nhân tử vong.
Tiến hành sàng lọc hàng trăm đối tượng tại địa bàn, các trinh sát không thu được kết quả. Trong thời gian này cũng chẳng có bất cứ nhân chứng nào đưa ra thông tin hữu ích. Vụ án gần như đi vào ngõ cụt.
Một ngày tháng 6/2003, qua nắm bắt tình hình địa phương, Ban chuyên án phát hiện có nhiều điểm đáng ngờ ở hộ nhà bà Đỗ Thị Đ. Bà Đ là người gốc Hạ Hòa (Phú Thọ) đã lên làng Cài khai hoang, sinh sống mấy chục năm nay và có nương gần của gia đình nạn nhân T. Theo đó, bà Đ có 2 người con, trong đó người con trai cả tên Nguyễn Văn Tiến (SN 1984) vốn là kẻ có tiếng ngổ ngáo, là lao động chính hay đi làm nương.
Âm thầm theo dõi, Ban chuyên án nhận thấy kể từ ngày chị T mất tích rồi được phát hiện đã chết, đối tượng Tiến đã đi khỏi địa phương một cách bất thường. Bà Đ vốn là người "hay chuyện", cứ sau bữa cơm tôi, bà này thường "la cà" sang nhà hàng xóm chơi. Thế nhưng sau khi vụ án xảy ra, bà Đ chỉ đóng cửa, ở trong nhà, có ai hỏi thì bà viện lý do đang bị ốm.
Các trinh sát tiếp cận, họ tìm hiểu lý do Tiến đi khỏi nhà, bà Đ có đưa ra một bức thư. Trong đó, Tiến giải thích việc mình bỏ đi là do mâu thuẫn gia đình. Một kẻ ngỗ ngược như Tiến, nếu thích bỏ đi liệu có cần "chu đáo" như thế không? Các điều tra viên sau khi thu thập tin tức đã đưa ra một nhận định, Tiến biến mất sau cái chết của chị T, còn để lại bức thư giải thích là một trong những biểu hiện tâm lý đặc trưng của người có "tật".
Thế nhưng, tất cả những nhận định trên vẫn chỉ là nghi vấn, chưa có bất cứ bằng chứng nào để khẳng đinh Tiến là nghi phạm. Vụ án vẫn cứ như mớ "bòng bong".
Lớp cỏ gianh
Mặc dù các bằng chứng thu được tại hiện trường và thông tin khả nghi về hành tung của đối tượng tên Tiến chưa có gì rõ ràng, nhưng với kinh nghiệm làm án nhiều năm, các điều tra viên Công an tỉnh Yên Bái tin rằng họ đang đi đúng hướng.
Ban chuyên án quyết định quay lại hiện trường một lần nữa. Tại nương nhà chị T, các trinh sát thấy một ụ cỏ bị cắt đã khô cong do sức nóng của mặt trời. Thế nhưng, khi bới ra, phía bên dưới một lớp cỏ khác vẫn tươi nguyên. Một trinh sát đã đi sang nương nhà Tiến và làm y hệt. Kết quả, dưới đám cỏ cháy ở nương nhà Tiến cũng có lớp cỏ còn tươi.
Hai mảnh nương có cùng thổ nhưỡng, cùng không gian và chịu sức nóng của mặt trời, thời tiết như nhau. Vậy thì, đám cỏ ướt kia nói lên điều gì? Các anh nhìn nhau và thống nhất, rất có thể cả chị T và Tiến đã cùng lên nương vào một ngày, một thời điểm.
Những nhận định này được báo với Ban chuyên án, cùng với nhiều thông tin khác, các điều tra viên dần nhận ra Tiến là đối tượng tình nghi số 1. Thế nhưng, việc đối tượng này bỏ đi đâu không rõ là một khó khăn vô cùng lớn đối với công tác điều tra thời điểm này. Muốn truy bắt đối tượng, Ban chuyên án cần phải khởi tố vụ án và sau đó truy nã. Lúc này, đó là công việc không dễ dàng vì theo đánh giá là chứng cứ còn "non", có thể gây ra rủi ro về mặt tố tụng.
Ban chuyên án quyết định tiếp tục rà soát thật kỹ lưỡng với hi vọng tìm ra được nhân chứng. Sau nhiều ngày miệt mài, cuối cùng "tia sáng" cũng xuất hiện. Tại làng Cài, có 2 người dân cho biết đã nhìn thấy Tiến đi lên nương ở đình núi Lở vào ngày 7/5/2003. Đây cũng chính là buổi sáng đi làm cuối cùng của nạn nhân T.
Hai nhân chứng này không quen biết nhau, thế nhưng những thông tin họ cung cấp cho công an về đối tượng Tiến rất trùng khớp. Ban chuyên án quyết định khởi tố vụ án ra lệnh truy nã toàn quốc với Tiến.
Hơn 700 ngày theo dấu
Gần 3 năm kể từ ngày vụ án xảy ra, công tác truy lùng nghi phạm Tiến được Công an tỉnh Yên Bái tiến hành ráo riết. Hàng chục chuyến công tác khắp cả nước khi nhận được tin báo về sự xuất hiện của nghi phạm nhưng không thu được kết quả. Có đợt, các trinh sát "nằm vùng" cả tuần trời ở cửa khẩu để lần tìm dấu vết Tiến và phải ra về "tay không".
Sau này, các anh được biết, suốt quãng thời gian ấy, Tiến đã di chuyển nhiều nơi, làm đủ nghề, từ bốc vác, bưng bê quán ăn… Hắn chẳng ở đâu đủ lâu và luôn biết cách xóa dấu vết nơi mình từng đến.
Bất chợt, một ngày đầu năm 2005, các trinh sát phát hiện điều bất thường xảy ra tại nhà Tiến. Bà Đ, mẹ Tiến sau nhiều năm "ở ẩn", không giao du, đi lại với ai bỗng có hành động lạ. Khi các trinh sát tiếp cận đã biết, bà Đ và cô con gái khoác ba lô bắt xe về xuôi. Nhận định, có thể mẹ con Tiến hẹn gặp nhau, các trinh sát lập tức lên đường.
Những vụ án xảy ra ở rừng núi thương rất phức tạp (ảnh minh họa)
Tại Hạ Hòa (Phú Thọ), đúng như dự đoán, Tiến đã mò về để gặp mẹ. Khi hắn còn đang chưa để ý thì đã bị lực lượng Công an tỉnh Yên Bái ập vào bắt giữ.
Bắt được Tiến rồi, thế nhưng điều khiến Ban chuyên án lo lắng là ngần ấy thời gian, đối tượng đã chuẩn bị tâm lý để đối phó, liệu rằng hắn có chịu khai nhận hay không?
Các điều tra viên quyết định "chơi bài ngửa". Các anh hỏi Tiến 1 câu "Sợi dây trói cái T là của ai?". Tiến ngẩn người, mặt tái mét rồi lý nhí: "Là dây đeo túi của nó". Các điều tra viên nhìn nhau, thở phào nhẹ nhõm. Từ đây, liên tiếp các câu hỏi được đưa ra dồn dập khiến Tiến "gục ngã" và thành khẩn khai hết về tội ác của mình.
Tiến khai, sáng 7/5/2003, gã vác cuốc lên núi Lở làm nương thì gặp chị T. Tiến buông lời trêu ghẹo và bị chị này phản ứng. Bực tức, Tiến xô ngã chị T xuống đất. Lúc này, dục vọng nổi lên, Tiến đã đè chị T ra và thực hiện hành vi hiếp dâm.
Thực hiện xong hành vi hèn hạ, Tiến dùng sợ dây trói hai tay chị T vào cổ và kéo lên đỉnh đồi. Chị T vừa khóc, vừa nói mất một bên hoa tai, sẽ bắt đền Tiến.
Lo sợ sự việc bại lộ, Tiến dật giải khăn chị T quấn trên đầu rồi siết cổ nạn nhân cho tới chết. Gây án xong, Tiến lấy nốt bên hoa tai của nạn nhân rồi ra về. Từ lời khai của Tiến, cơ quan công an đã thu được chiếc bông tai của nạn nhân được Tiến giấu tại nhà mình.
Sau hơn 700 ngày không ngừng nghỉ, cuối cùng Công an tỉnh Yên Bái cũng làm rõ được một trong những vụ án khó nhất xảy ra ở địa bàn thưa vắng người. Sau này, với hành vi tội ác của mình, Tiến bị TAND tỉnh Yên Bái kết án tử hình.
Sự mất tích bí ẩn của cô gái trẻ dần trôi vào quên lãng thì bỗng một ngày, những cơn gió từ đỉnh núi Lở mang theo...
Nguồn: [Link nguồn]