Kỳ án hơn 100 vụ trộm két sắt (P cuối): Người bán hàng rong cần mẫn

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 12

Dù đã xác định được nghi can, tuy nhiên qua làm việc với địa phương, Công an Quảng Bình chưa thu được thông tin nào về đối tượng này. Nghi phạm là kẻ ít xuất hiện, một tấm ảnh nhận dạng của hắn cũng không có.

Vụ trộm két sắt trong đêm tại Lâm trường Kiến Giang (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) khiến công an xâu chuỗi lại hàng chục vụ việc có thủ đoạn tương tự trên cả nước mà chưa bắt được hung thủ. 

Lần này, dù nhóm đạo chích đã rất chuyên nghiệp nhưng chúng vẫn để lại dấu vết. Dấu vết sinh học ấy rất nhỏ, nhưng cũng đủ để Công an Quảng Bình truy được danh tính của nghi phạm số 1, đó là Trần Văn Điệp (SN 1964, trú tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). 

Theo thông tin từ quê đối tượng thì Điệp bỏ đi làm ăn xa mấy chục năm trời, rất ít có mặt ở địa phương. Chính vì thế, lý lịch của đối tượng này khá “mù mờ”, ngay cả tấm ảnh nhận diện cũng không có. 

Thời điểm này, công tác rà soát nhằm tìm ra Điệp được Công an Quảng Bình phối hợp với các tỉnh thành khác và đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an diễn ra quyết liệt. 

Cùng lúc ấy, tại huyện Đà Tẻ (Lâm Đồng) cũng xảy ra một vụ trộm với thủ đoạn giống ở Quảng Bình. Công an Lâm Đồng xác định nghi can có tên là Hoàng Song Bằng. Qua trinh sát, các anh tìm được tấm ảnh đối tượng chụp chung với một người phụ nữ. Bức ảnh được gửi cho Công an tỉnh Quảng Bình, từ đây các anh xác nhận, kẻ có tên là Hoàng Song Bằng thực chất là Trần Văn Điệp. Như vậy, những manh mối đầu tiên của kẻ “vô hình” đã dần sáng tỏ.

Những manh mối về Điệp cũng chỉ ra kẻ “song hành” cùng gã trong các vụ trộm là Đặng Văn Ngọc (SN 1968, trú tại Bình Sơn, Quảng Ngãi). Tới thời điểm này, hai nghi phạm chính thức lộ diện. Cuộc truy bắt những kẻ “chuyên nghiệp” bắt đầu. 

Điệp và Ngọc (Ảnh tư liệu)

Điệp và Ngọc (Ảnh tư liệu)

Điệp được mệnh danh là kẻ “vô hình” bởi lẽ hắn không có bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào. Gã sử dụng nhiều số điện thoại, ít liên lạc với người thân. Đặc biệt mỗi lần “đi tỉnh” gây án, hai đối tượng sẽ đóng giả thành người bán hàng rong, không chọn lưu trú ở nhà nghỉ hay khách sạn để xoá dấu vết. Trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 8/2023, các trinh sát phát hiện Điệp có hành trình di chuyển phức tạp. Hắn đi lại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, không cố định một nơi. 

Đến cuối năm 2023, công an nhận được thông tin, Điệp đã quay trở lại Quảng Bình. Một kế hoạch vây bắt nhanh chóng được triển khai. Một ngày cuối năm, trên đường phố Quảng Bình xuất hiện người đàn ông đang đẩy xe hàng rong, dáng vẻ nặng nhọc. Bất ngờ từ đâu xuất hiện mấy người đàn ông áp sát. Một người gọi to “anh Điệp”. Người đàn ông bán hàng rong giật mình quay lại. Khi chiếc khẩu trang được gỡ xuống, các trinh sát nhận ra đây chính xác là kẻ họ đang tìm. Điệp bị bắt giữ lập tức. 

Công an thu giữ trong người Điệp nhiều dụng cụ phục vụ việc trộm cắp tài sản, 3 chiếc điện thoại mà gã hay dùng để liên lạc với đồng phạm. Vài ngày sau, đối tượng Ngọc cũng bị bắt giữ. 

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận đã gây ra vụ trộm két sắt ở Lâm trường Kiếm Giang. Lần này quay lại Quảng Bình là để thực hiện thêm vụ trộm khác. 

Điệp cho hay, trước khi “hành động”, gã cùng Ngọc mua hai lọ thuốc độc và lập lời thề nếu ai bị bắt thì người kia sẽ tự vẫn. 

Nhóm siêu trộm này thừa nhận trong suốt gần 20 năm chúng đã gây ra hơn 100 vụ trộm két sắt ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điệp cũng khai, khi đến một địa phương nào đó, Điệp và Ngọc đóng vai là người đi bán quần áo dạo, cắt móng tay, móng chân, bán tăm, bông… rồi đến công sở, xí nghiệp, nông trường… để tìm cách trộm. 

Khi xác định được nơi để trộm, các đối tượng đến những tiệm mua xe máy, xà beng, các vật dụng để thực hiện hành vi. Trộm xong là trốn thoát ngay khỏi tỉnh, thành vừa gây án, tìm đến nơi khác bán xe hoặc tiêu hủy xe, chia nhau tiền và mỗi người đi một nơi không động tĩnh gì. 

Trần Văn Điệp sinh sống ở cô nhi viện từ lúc 9 tuổi, sau đó vì trộm cắp vặt trên đường phố nên bị đưa vào trại giáo dưỡng để cải tạo. Tại đây gã gặp Ngọc. Lớn lên một chút, Điệp liên tục đi tù với 3 tiền án về trộm cắp. Năm 1985, Trần Văn Điệp chấp hành xong án phạt tù nhưng không trở về địa phương mà bắt đầu thay hình đổi dáng, thay tên đổi họ và liên hệ gặp Ngọc để cùng nhau rong ruổi khắp các tỉnh, thành trộm cắp tài sản.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 12

Nguồn: [Link nguồn]

Suốt gần 20 năm, hai gã đàn ông dưới vỏ bọc của người bán hàng dạo đã gây ra hơn 100 vụ đột nhập, trộm két sắt. Trong ngần ấy thời gian, chưa một lần hai tên tội phạm này để lại dấu vết khiến chúng được ví như “kẻ vô hình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Sơn ([Tên nguồn])
Kỳ án hơn 100 vụ trộm két sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN