Kỳ án "hai phích nước"
Bị cột tội oan ăn trộm hai cái phích nước, bốn chàng trai ở Phú Thọ hơn 20 năm đi đòi danh dự và công lý, rồi cái kết thấm đẫm vị ngọt đầy nước mắt khi nỗi oan khuất của họ chạm đến tay những người cầm bút Tiền Phong.
Ông Xuân cùng tác giả xem lại tờ báo 13 năm trước viết số phận và cuộc hành xác đi đòi công lý của mình
Năm 1982, rời quân ngũ đánh Tàu khi 21 tuổi, chàng trai Phạm Thanh Xuân trở về quê lúa Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ, như bao trai làng ngày ấy, sẽ làm ruộng, lấy vợ, sinh con và có mái nhà riêng. Ước mơ bình dị của anh Xuân chỉ ngắn ngủi tày gang khi bị Công an huyện về bắt còng tay. Nhà ông Tuần khá giả ở cái xóm nghèo bị mất trộm hai cái phích nước - vật dụng tài sản lớn ngày ấy, và anh Xuân bị tình nghi. Ba thằng bạn thân của anh là Cao Quang Trung, Tạ Gia Tĩnh, Hoàng Mạnh Tấn, đều là bộ đội cùng xuất ngũ trở về cũng bị bắt, chỉ đơn giản là bốn chàng trai này buổi tối thường đi tán gái làng cùng nhau, nên ắt là đồng bọn!
Vụ trộm phích chấn động quê nghèo. Xuân là nghi can vì hồi nhỏ hay táy máy quả bưởi trái ổi hàng xóm. “Ông đại úy điều tra oánh tôi nát cả cái điếu cày, đau lắm, còn bảo treo cả bốn anh em ra vườn bạch đàn dọa đánh chết. Sợ thế thì cứ phải khai bừa là trộm phích chứ” - ông Xuân kể lại mà dáng người như còn muốn run lên khi nhớ cái điếu phang thẳng vào sườn mình. Bốn chàng trai từ đồng đội trở thành đồng… bọn. Lời khai vênh nhau, phích thì truy tìm không thấy, Tòa vẫn xử khi thấy hồ sơ vụ án ghi đã nhận tội, người lĩnh 18 tháng, kẻ 9 tháng, phải đền cho nhà ông Tuần hơn 31.000 đồng - số tiền mua được cả mảnh đất ở thành phố Việt Trì bây giờ - tương đương trị giá hai phích nước ngày xưa.
Cơm tù vài tháng thì họ bỗng được thả về. Hóa ra Công an huyện tóm được một kẻ trộm trâu xã bên, hắn khai thêm chính là thủ phạm trộm hai cái phích. Phích được tìm về cho gia chủ. Nhưng xóm nghèo không hiểu hết vì chả ai nói về chuyện đứa trộm trâu, vậy là cứ ghét mặt “mấy thằng đi tù về”.
Anh Tĩnh may mắn tìm được việc làm ở huyện khác. Anh Tấn lang thang xuống TP Việt Trì cách nhà 6km làm đủ nghề mưu sinh. Anh Xuân thì chả tán được cô nào ở làng thế là xô dạt đến khu tập thể nhà máy Dệt, nơi có nhiều nữ công nhân ế chồng nên cũng kiếm được vợ và ở đó cho đến tận bây giờ mà mãi không dám về làng. Anh Trung chả còn biết đi đâu, nhà nghèo quá, dư chấn vụ án vơi đi anh mới lấy được vợ. Con anh cứ bị trẻ làng trêu chọc. Sau này con gái lớn đi làm cóp tiền mua cho bố cái Way an-pha, bố Trung cứ dựng giữa nhà mà chả dám đi vì không làm được bằng lái, ra đường sợ bị phạt. Rồi thằng con đi học trường quân đội không được xét kết nạp đảng vì bố có án…
Không thể kể hết hệ lụy tồi tệ của vụ án. Đằng đẵng 20 năm với cái xe đạp và cái túi xác rắn đựng đơn thư, ông Xuân rong ruổi đòi minh oan. Những bữa cơm độn sắn, cả bới thùng rác tìm thức ăn, ngủ vỉa hè, và làm thuê bất cứ việc gì trên con đường đạp xe, da ông chai sạn chỉ mong sớm được minh oan, để về quê mà không bị tiếng “Xuân phích”! Khi gặp ông ở cổng Tỉnh ủy Phú Thọ năm 2005 lúc cõng đơn kiện, PV Tiền Phong cảm nhận sự đau khổ tột cùng của người đàn ông mới 43 tuổi mà đã như lão nông lục tuần. Loạt phóng sự bắt đầu. Nhà báo Đinh Anh Tuấn khi đó đã gọt rũa từng câu chữ trong bài báo của tôi trước khi bản thảo đưa lên thư ký tòa soạn. Và anh cùng viết những bài về sau với chất sắc bén của một cây viết điều tra hàng gạo cội làng báo.
Ông Xuân những ngày đi kêu oan và tìm đến PV Tiền Phong
Được thả về, 20 năm sau họ vẫn là “bị cáo”! Tòa tỉnh mở phúc thẩm tuyên hủy án sơ để điều tra, xét xử lại, nhưng không phiên tòa nào mở nữa. Chặng đường chiếc xe đạp cà tàng của ông Xuân trải qua như dài ra mãi. Phú Thọ có lần đáp đơn họ, nói là bốn ông “không bị coi là có tội” nhưng cũng “không thuộc đối tượng của Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai”. Ông Xuân thay mặt đồng bạn, gom được đồng lẻ nào lại lóc cóc bắt xe đi Hà Nội kêu đơn. Cái túi đơn oan cứ đầy mãi lên những bản phô tô, còn sức ông như muốn cạn dần…
Những cơ quan tố tụng đã có dấu hiệu đổ lỗi nhau sau khi có loạt phóng sự của Tiền Phong. Năm 2005, Tòa tỉnh Phú Thọ còn tuyên bố không có căn cứ xét xử vụ án nữa. Tiền Phong đáp lại, bốn bị cáo này không bị coi là có tội, song họ cũng không “bị coi” là không có tội, bởi chưa có quyết định tố tụng cuối cùng, còn cả làng cả tổng đều biết họ từng bị nhốt ngục! Không đâu có tiền lệ bắt giam, truy tố, xét xử rồi để lơ lửng không kết luận. Viện kiểm sát tỉnh thì khẳng định Tòa tỉnh phán như trên là không đúng...
Cuối cùng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ đã quyết định triệu tập hội nghị tư pháp. Có lẽ đó là nút thắt đáng nhớ đối với cả Tiền Phong và bốn người đàn ông oan ức. Tờ báo được đặt trên bàn các đại biểu tham dự, thống nhất phải giải quyết nhưng Bí thư nói ông Xuân hãy thông cảm và chia sẻ với khó khăn, hạn chế vì bài toán khó giải. Ông Xuân đứng lên nói rằng “Tôi sẽ rút đơn nếu ông Bí thư trả lời được câu này: Người Mỹ trút bom hóa học lên người vô tội Việt Nam, hậu quả khủng khiếp. Tổng thống thời ấy đã chết. Vậy sao giờ ông Tổng thống Bush vẫn phải gánh trách nhiệm giải quyết? Giờ ông Bí thư chỉ đạo kiên quyết xử lý, làm được vậy thì không chỉ đảm bảo lợi ích và danh dự hợp pháp của chúng tôi, mà còn đảm bảo danh dự cho chính các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ...”!
Người đàn ông ít học nói những lời chắc hơn cả thép khiến hội nghị lặng đi. Hóa ra những ngày lao lý kêu oan, ông đã thuộc làu từng điều khoản luật hình, tìm đọc bao nhiêu sách báo.
Những cơ quan tố tụng Trung ương đã phải vào cuộc. Cái kết ngọt thấm cay nước mắt của ông Xuân đã đến. Cái ngày 5/6/2006 Viện KSND huyện Lâm Thao về ủy ban xã Cao Xá tổ chức công khai xin lỗi, cả xã dường như đã kéo đến chứng kiến. Danh dự lấy lại, hơn 600 triệu đồng bồi thường cho bốn công dân từ… hai cái phích nước. Câu đầu tiên khi phát biểu, ông Xuân nghẹn lời nói cảm ơn PV Tiền Phong vì tờ báo đã giúp ông và đồng đội, giúp những người dân vẫn giữ được niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Được mời tham dự hôm ấy, tôi cũng cảm thấy vinh dự khi viết 11 bài báo trong vụ việc, thầm ngẫm về nghề cầm bút bằng lương tâm và trách nhiệm của mình, mà như được tiếp sức muôn phần…
Cũng từ ấy, một loạt vụ oan sai khác trong toàn quốc bung ra, bàn rộ trên các trang báo. Oan khuất và công lý đã được trả lại cho đời, ông Xuân hằng ngày đi đẽo gạch thải ở các bãi ven thành phố Việt Trì. Dầm dãi nắng mưa gom đủ 4 vạn gạch mà đến năm ngoái mới xây được ngôi nhà hai tầng bây giờ khi đã chạm tuổi 60.
Ðã có lần chính đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy đến thăm một khu đất quy hoạch của Thành phố bắt gặp ông Xuân đang hì hụi đẽo gạch. Vị lãnh đạo nói với những cán bộ quanh mình rằng không bao giờ được phép coi thường tiếng nói của người dân và sự hiểu biết của họ… |
Vì mấy con bò, ông Dương Văn Hòa - một người dân ở tỉnh Quảng Trị đã phải chịu án oan 10 năm, cơ ngơi sự nghiệp gây...