Kỳ án giết người ở Hà Nam
Vụ án Trần Văn Vót (Hà Nam) những ngày qua được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi Bộ Quốc phòng có văn bản đề nghị Chánh án TAND Tối cao tái thẩm vụ án trên, xóa tội giết người đối với Trần Văn Vót. Điều đặc biệt của vụ án này còn ở chỗ, suốt 24 năm qua, không chỉ bản thân ông Vót mà ngay cả bố đẻ bị hại vẫn một mực kêu oan cho ông.
Ông Trần Văn Vót trong tù.
Kỳ 1: Ném lựu đạn vào người... cùng phe
Hàng chục năm đã trôi qua nhưng nhiều người dân làng Nhân Phúc (xã Phú Phúc, Lý Nhân, Hà Nam) vẫn còn nhớ cái ngày quả lựu đạn oan nghiệt cướp đi tính mạng một người trong làng và đẩy nhiều người vào cảnh tù tội.
Tranh chấp ruộng dẫn đến án mạng
Sự việc bắt đầu từ tranh chấp đất giữa người dân làng Nhân Phúc với người dân làng Thanh Nga, ở cùng hợp tác xã Nhân Phúc. Hai bên nhiều lần xích mích, xô xát. Người phe Thanh Nga từng đánh 7 người Nhân Phúc nhập viện, trong đó ông Trần Văn Vót (SN 1949, Bí thư chi bộ thôn) bị đánh gẫy tay…
Ngày 29/11/1992, người dân 2 bên tiếp tục kéo nhau ra khu vực giáp ranh ném đất đá vào nhau. Bất ngờ, một quả lựu đạn được ném vào khu vực người dân Nhân Phúc, làm anh Trần Hoa Việt (con trai cụ Trần Anh Điền, SN 1932) tử vong, khoảng 20 người Nhân Phúc bị thương. Cụ Điền cho rằng, lựu đạn được ném từ phía người dân Thanh Nga sang, một đồng chí công an có mặt tại đó khi phát hiện đã hô mọi người nằm xuống và đẩy anh Trần Ngọc Chương (người Nhân Phúc) ngã xuống nên anh này không bị thương.
Một nhân chứng khác là ông Lưu Thanh Hải (SN 1965) cho biết, thời điểm đó ông là bảo vệ đồng nên phải có mặt và chứng kiến toàn bộ sự việc. Ông Hải kể lại, khoảng 14h chiều, có gần 100 người Nhân Phúc và gần 10 người Thanh Nga ném đất đá vào nhau. Bất ngờ, ông Hải nhìn thấy làn khói từ phía phe Thanh Nga bay sang và anh Hoà, cán bộ Công an huyện Lý Nhân, hô: “Lựu đạn đấy, nằm xuống”. Rồi một tiếng nổ lớn rung lên…
Hàng chục người lĩnh án
Sau vụ nổ, Công an huyện Lý Nhân khởi tố vụ án, truy nã ông Trần Văn Cự (người Thanh Nga) về tội giết người và tàng trữ vũ khí. Tiếp đó, công an bắt giam một người dân Nhân Phúc là anh Trần Ngọc Thanh (SN 1974, bộ đội nghĩa vụ) để điều tra vụ nổ.
Tháng 5/1993, ông Trần Văn Vót bị bắt để điều tra về hành vi giết người và tàng trữ vũ khí. Theo kết luận điều tra, Trần Văn Vót chính là người tàng trữ và đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh để Thanh ném vào đám đông người dân Nhân Phúc - tức những người cùng xóm, có cùng quyền lợi về ruộng đất và có cả họ hàng với các bị can.
“Với kẻ giết con mình, tôi không thể nhân nhượng, song tôi cũng không thể chấp nhận việc bỏ tù oan người không phải hung thủ”. Cụ Trần Anh Điền |
Tháng 2/1992, TAND tỉnh Nam Hà tuyên phạt Trần Văn Vót án chung thân về các tội giết người, tàng trữ vũ khí trái phép, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội và gây rối trật tự; Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội giết người. Ngoài ra, có 26 bị cáo khác lĩnh án về các tội khác nhau. Trong đó, ông Trần Văn Cự bị tuyên 2 năm tù về tội gây rối trật tự, dù nhiều người dân cho rằng ông Cự mới chính là thủ phạm và từng bị truy nã về tội giết người.
Nhiều bị cáo làm đơn kháng án, kêu oan. Đặc biệt, cụ Trần Anh Điền cũng có đơn kháng cáo, khẳng định người giết con trai cụ không phải anh Thanh, ông Vót mà là từ phía người dân Thanh Nga. Tháng 8/1994, TAND Tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm vụ án, bác các nội dung kháng án, tuyên y án sơ thẩm.
Cụ Điền đã gửi cả trăm lá đơn kêu oan cho những người bị kết án giết con trai mình.
Bố nạn nhân kêu oan cho “hung thủ”
Hơn 20 năm trôi qua, cụ Điền vẫn chưa thể nguôi ngoai khi nhắc đến vụ án. “Với kẻ giết con mình, tôi không thể nhân nhượng, song tôi cũng không thể chấp nhận việc bỏ tù oan người không phải hung thủ” – cụ Điền nói với PV Tiền Phong ngày 2/8.
Nhớ lại sự việc, cụ Điền cho rằng vụ án có những “bất thường” ngay từ đầu. Cụ kể, khoảng 3h sáng công an đưa xác anh Việt về tới đầu làng, họ định mang đi mai táng luôn mà không cho đưa về nhà(?!).
“Tôi kịch liệt phản đối và buộc họ phải đưa về nhà để tôi mai táng theo phong tục. Tôi thấy họ định lấp liếm điều gì đó, có thể do vết thương của con tôi ở phía trước, nếu lựu đạn được ném từ phía sau thì vết thương phải ở sau lưng” - cụ Điền nói. Cụ cho biết thêm, bản thân cụ nhập ngũ năm 1952, tham gia chiến đấu từ kháng chiến chống Pháp đến chiến tranh biên giới…
“Tôi đã tìm hỏi tất cả những người liên quan, họ đều khẳng định hôm đó anh Thanh, ông Vót ở trong làng chứ không ở hiện trường. Những người nói vậy đều là con cháu tôi, không lý gì họ bao che cho kẻ giết người. Trước đó, tôi thấy có tin đồn người Thanh Nga mua súng, lựu đạn để tranh đất nhưng không để ý, sau mới thấy rằng bình thường đánh nhau họ kéo cả trăm người ra mà hôm đó chỉ có vài người. Sau khi con tôi mất, Trần Văn Cự bị truy nã tội giết người và bị bắt nhưng ra toà lại xử tội gây rối và thông báo Cự ra đầu thú tại UBND xã. Chính tôi đã điều tra và xin giấy xác nhận của UBND xã rằng Cự không đầu thú rồi nộp thư ký toà nhưng không được nhìn nhận” – cụ Điền cho biết.
Tại buổi nói chuyện, cụ Điền còn cho biết có rất nhiều bằng chứng, nhân chứng khác cho thấy lựu đạn bay từ phía người Thanh Nga sang chứ không phải do anh Thanh ném. Vì những lẽ đó, hơn 20 năm nay cụ Điền đã gửi cả trăm lá đơn đi khắp nơi, kêu oan cho những người bị kết án giết con trai cụ…
(Còn nữa)