Kỳ án giết người 41 năm chưa tìm ra hung thủ: Cựu Điều tra viên trải lòng

Cựu điều tra viên nói rằng ông thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm, còn nợ gia đình bị hại khi không thể trả lại công lý cho mẹ ruột nạn nhân và người con trai mất mẹ khi mới bảy tuổi…

Ông Nguyễn Sỹ Nam, điều tra viên vụ sát hại bà Phan Thị Khanh vào ngày 31-7-1980, cho biết năm 1981, ông trực tiếp đi Hậu Giang truy xét nghi can và Trương Đình Chi (tức Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn) bỏ trốn khỏi địa phương ngay trong đêm.

PV Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với cựu điều tra viên về quá trình điều tra vụ án này.

“Tôi thấy mình thiếu trách nhiệm”

+ Ông Nguyễn Sỹ Nam: Tôi thấy mình thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ trong vụ án mạng này để trả lại công lý cho bà Võ Thị Hồng, mẹ ruột của nạn nhân Phan Thị Khanh; trả lại công lý cho em Đỗ Thanh An, mẹ bị sát hại khi mới lên bảy tuổi… Tôi luôn canh cánh trong lòng dù vụ án đã xảy ra 41 năm.

Ông Võ Ngọc, con trai ông Võ Tê, liên tục gõ cửa khắp nơi đòi một lời xin lỗi cho người cha chịu nhiều hàm oan đã khuất.

Ông Võ Ngọc, con trai ông Võ Tê, liên tục gõ cửa khắp nơi đòi một lời xin lỗi cho người cha chịu nhiều hàm oan đã khuất.

Anh Đỗ Thanh An, con trai nạn nhân, nhiều năm qua vẫn đau đáu câu hỏi: “Ai đã giết mẹ tôi?”. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Anh Đỗ Thanh An, con trai nạn nhân, nhiều năm qua vẫn đau đáu câu hỏi: “Ai đã giết mẹ tôi?”. Ảnh: PHƯƠNG NAM

. Phóng viên: Thưa ông, năm 1981, ông đi Hậu Giang khi đã có trong tay một số chứng cứ, nếu lúc đó “bắt nóng” thì vụ án đã không kéo dài đến bây giờ?

+ Lúc đó tôi đã đề xuất miệng bắt giữ nghi can nhưng lãnh đạo không đồng ý vì chứng cứ còn rất non. Kế hoạch yêu cầu là nếu đã xác định nơi ở của nghi can thì trước mắt phải triệu tập lấy lời khai để đối chứng với các lời khai của nhân chứng; xác định lý do vợ chồng nghi can vừa về Tân Minh mấy ngày, sau vụ án mạng đã rời đi; xác định số lượng, chủng loại vàng, nữ trang bị mất trong vụ án mạng…

Đáng nói Trương Đình Chi chính là người đi báo án nhưng khi thấy lực lượng cảnh sát tập trung đông ở xung quanh hiện trường đã vội rời khỏi Tân Minh. Thời điểm trên, điều tra hình sự thực hiện theo các sắc lệnh, việc giữ người đơn giản hơn nhưng trước khi thực hiện phải xác minh, củng cố hồ sơ là bước đi cẩn trọng của cơ quan điều tra.

. Ông cũng chính là điều tra viên xét hỏi, lấy lời khai ông Võ Tê, người sau này đã được xác định là bị bắt oan?

+ Ông Võ Tê sau khi khai nhận tội ở Công an huyện Hàm Tân thì được di lý lên cơ quan điều tra công an tỉnh. Tôi có ít nhất hai lần phúc cung ông.

Mỗi lần phúc cung, ông Tê lại khẳng định mình không giết người, không phạm tội và không biết số vàng bị mất của nạn nhân trong khi trước đó lại khai nhận. Tuy nhiên, những lời nhận tội của ông Tê hoàn toàn không phù hợp với thực tế hiện trường, vết thương trên tử thi…

Kết quả giám định cho thấy dấu nghi là máu trên cần câu, áo, dao của ông Võ Tê không phải là máu người. Ông Tê không có dấu hiệu bất minh về thời gian và chỉ có mặt ở hiện trường sau khi vụ án xảy ra. Do đó, không thể kết tội ông ấy được và việc bắt ông là sai.

Ám ảnh câu “Con tôi ai giết?”

Tôi nợ gia đình An rất nhiều vì trách nhiệm mình không hoàn thành. Lúc bà ngoại An còn sống và dù tôi đã được điều sang điều tra một vụ án khác, có dịp là tôi ghé thăm. Hai bà cháu, một người mẹ mất con, một người con mất mẹ, thương lắm!

Mỗi lần gặp là mẹ nạn nhân cứ hỏi đi hỏi lại câu “Con tôi ai giết?” khiến tôi luôn ám ảnh, thậm chí có lúc nằm mơ còn nghe văng vẳng bên tai câu hỏi của bà.

Ông Nguyễn Sĩ Nam

  Trương Đình Chi là thủ phạm . Theo ông, hung thủ thực sự của vụ án này là ai?

+ Khi đó, vụ án này là án mạng thứ hai mà tôi thụ lý điều tra. Tôi đã trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai ban đầu. Sau khi đoàn công tác quay về, tôi được lệnh ở lại Hậu Giang, bám chặt địa bàn nhiều ngày liền.

Có điều đặc biệt trong vụ án này là không ai có thể biết nạn nhân có số vàng lớn giữ trong người ngoài người mẹ, bởi căn nhà họ ở rất tồi tàn. Nạn nhân giữ vàng trong người, chỉ khi tắm mới tháo ra nên những người có thể biết nạn nhân có vàng chỉ là những người thân cận.

Vợ chồng nghi can tá túc tại nhà em ruột nạn nhân, ở sát nhà nạn nhân; sau án mạng lập tức rời đi và sau đó sắm xuồng bằng cả một gia tài với số tiền cực lớn lúc đó. Các nhân chứng mô tả chủng loại, số lượng vàng mà nghi can có cũng phù hợp với cung cấp của mẹ nạn nhân.

Tôi có thói quen những công việc trong ngày làm việc với ai, ở đâu tôi luôn ghi chi tiết vào nhật ký và đến bây giờ vẫn còn lưu giữ. Theo tôi, chính Trương Đình Chi là thủ phạm trong vụ án này.

. Thưa, ông vẫn thường xuyên gặp cậu bé Đỗ Thanh An ngày nào?

+ Thỉnh thoảng tôi cũng có gặp An. Hồi đó mỗi lần ghé thăm là mỗi lần muốn rớt nước mắt vì hoàn cảnh của họ. Tôi nhớ có lần gần tết, tôi được đơn vị phân cho quà tết gồm đường, sữa, bánh mứt mang về cho gia đình. Trên đường về quê ăn tết, nhà mình cũng nghèo nhưng không thể nghèo hơn họ nên tôi tặng hết cho hai bà cháu và chúng tôi đều khóc…

Cách đây mấy năm, An tìm đến nhà gặp và tôi thuật lại toàn bộ ghi chép diễn biến vụ án cho An nắm. Tôi rất đồng cảm và thương An…

. Xin cám ơn ông.

Yêu cầu phục hồi danh dự cho ông Võ Tê

Ông Võ Ngọc (con trai lớn của ông Võ Tê - người bị bắt giam oan) cho biết ngày 16-11, ông tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận và trung ương. Trong đơn, ông yêu cầu cơ quan điều tra sớm ra quyết định đình chỉ điều tra cho cha của ông. Từ đó, gia đình sẽ có căn cứ yêu cầu cơ quan gây oan phục hồi danh dự, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại cho 152 ngày giam oan cha của ông.

Theo ông Ngọc, khi xảy ra vụ án ông đã 16 tuổi nên biết rất rõ. “Chiều nào cha con chúng tôi cũng xuống suối câu cá, còn đường vào rẫy bắp của nạn nhân ở hướng ngược lại thì hai bên không thể chạm mặt nhau được. Việc cơ quan điều tra cho rằng cha tôi đang ngồi ở nhà móc mồi vào lưỡi câu thì thấy chị Khanh rồi hỏi thăm là vô lý. Không ai đi câu mà móc mồi trước ở nhà rồi vác cần câu lủng lẳng dây nhợ đi. Người ta, ai cũng phải ra đến suối, chọn chỗ câu rồi mới móc mồi câu cá” - ông Ngọc phân tích.

Ông Ngọc nói không thể kể hết những mặc cảm bị khinh bỉ, bị lên án của gia đình khi cha của ông bị bắt giam về tội giết người, cướp của và có cả chi tiết sàm sỡ nạn nhân, thật đáng xấu hổ.

“Cần sớm kết thúc vụ án đau buồn này. Đừng để vong linh người đã khuất sau 27 năm vẫn còn mang thân phận bị can treo lơ lửng trên đầu” - lá đơn của ông Võ Ngọc nêu. 

***

Ngày 18-11, sau khi Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài về vụ án này, ông Nguyễn Hữu Thông (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Thuận, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội) cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận rất quan tâm vụ việc này.

“Sau khi nhận đơn của gia đình ông Đỗ Thanh An và gia đình ông Võ Ngọc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận sẽ có kế hoạch giám sát”, ông Nguyễn Hữu Thông nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ án sát hại thiếu phụ và nỗi oan của thầy thuốc Nam

Một kỳ án giết người, cướp của kéo dài 41 năm liên quan đến nhiều phận người với những tình tiết, câu chuyện đớn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nam ([Tên nguồn])
41 năm kêu oan cho cha và 41 năm truy tìm kẻ giết mẹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN