Kỳ án bà giết cháu: “Người chết” trở về!

Cô gái này là nhân vật chính trong vụ án cả ngàn người quá khích tham gia đào bới khu vườn và đánh cả công an để tìm xác vì người ta đồn thổi rằng cô bị ông bà nuôi giết chết, chôn xác sau vườn.

Trưa 15/2, thượng tá Nguyễn Văn Tảo, trưởng Công an huyện Cai Lậy (Tiền Giang), giật mình khi nghe báo tin cô Nguyễn Thị Trâm (20 tuổi) - người đã mất tích bốn năm qua - vừa về nhà ở xã Tân Hội khiến người dân địa phương ngỡ ngàng kéo đến xem.

Ông Tảo chỉ đạo điều tra viên lập tức xác minh. Đến chiều cùng ngày, công an đã xác định Trâm đúng là nhân vật chính trong vụ án cả ngàn người quá khích tham gia đào bới khu vườn và đánh cả công an để tìm xác của cô.

Nghi Trâm bị giết rồi chôn xác, cả ngàn người đào bới

Sau khi hay tin Trâm xuất hiện, người nhà của ông bà Võ Văn Quân (68 tuổi) và Nguyễn Thị Ngàn (69 tuổi, cùng ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hội) đã đến công an xã để tận mắt kiểm chứng xem có đúng là Trâm, người cháu nuôi của ông bà hay không.

Họ biết chính xác là Trâm và đề nghị Trâm về nhà để ông bà gặp mặt. Nhưng vì sợ xảy ra chuyện không hay khi có quá nhiều người tụ tập, bàn tán nên Trâm đề nghị công an cho gặp ông bà nuôi của mình ở trụ sở công an.

Người thân của ông Quân, bà Ngàn thì không chịu, muốn đưa Trâm về nhà. Vì thế, Công an huyện Cai Lậy phải đưa Trâm ra xe về lại TP.HCM chờ dịp khác.

Chúng tôi trở lại gia đình ông Quân, bà Ngàn. Nơi đây vẫn còn dấu tích của cuộc đào bới, đập phá của nhiều người vào tháng 7/2009 vì cho rằng ông Quân giết cháu nuôi mới 16 tuổi rồi chôn xác trong vườn.

Vụ việc được đồn thổi đến mức cả ngàn người ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... tìm đến xem gây nên tình trạng mất an ninh trật tự nghiêm trọng suốt cả tuần. Nhiều người quá khích còn đánh cả lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, ổn định trật tự khi đó.

Kỳ án bà giết cháu: “Người chết” trở về! - 1

Nhiều người dân chứng kiến vụ đào bới tìm xác Trâm tháng 7-2009 - Ảnh: T.Tú

Ông Quân mừng rơi nước mắt khi hay tin Trâm về gặp công an làm giấy chứng minh nhân dân, nhưng cũng buồn vì không được gặp mặt cháu. Nhìn ra vườn loang lổ do bị đào bới trước đây, ông Quân ngậm ngùi kể lại câu chuyện mà suốt bốn năm qua vợ chồng ông mang tiếng giết cháu, chôn xác.

Ông chậm rãi: “Hôm đó tui đi làm trong ruộng và bị đau bụng nên nhờ vợ tui mua thuốc mang vô giùm. Đường đi tối thui không về được nên bả ở lại với tui và điện báo cho cháu Trâm ở nhà một mình phải đóng cửa cẩn thận. Ai ngờ đêm đó nó mất tích luôn. Tui nhờ người trong gia đình đi báo công an về việc Trâm mất tích và hỗ trợ tìm giúp. Ai dè nửa tháng sau tai họa ập đến”.

Khoảng đầu tháng 7/2009, hàng chục người, rồi hàng trăm người ở đâu bỗng dưng kéo tới nhà la hét cho rằng vợ chồng ông Quân lấy mũ bảo hiểm đánh chết Trâm rồi chôn xác dưới đầm sau nhà. Tin đồn này cứ thế lan truyền từ người này sang người khác, từ huyện Cai Lậy lan sang tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp. Thế rồi nhiều người vào vườn nhà ông Quân đào bới, đập phá lu bể, tài sản... để tìm xác Trâm.

Sau đó, Công an huyện Cai Lậy, Công an tỉnh Tiền Giang phải huy động rất đông cảnh sát cơ động đến can thiệp, ngăn chặn vụ đào bới vô căn cứ này. Những người quá khích còn đánh công an để quyết tâm thực hiện ý đồ đào bới, đập phá nhà ông Quân, bà Ngàn. Vụ việc đã được cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố hơn 10 bị can về tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.

Kết quả điều tra của Công an huyện Cai Lậy khẳng định không có cơ sở xác định ông Quân, bà Ngàn giết Trâm rồi chôn xác phi tang mà chủ mưu vụ này là Lê Thị Điệp ở gần nhà ông Quân. Hai gia đình này có mâu thuẫn tranh chấp đất đai.

Thời điểm Trâm mất tích thì con chó của ông Quân chết dưới ao bốc mùi hôi thối nên bà Điệp tung tin cho rằng Trâm bị giết chôn xác trong vườn. Trước áp lực của cả ngàn người suốt nhiều ngày liền, gia đình ông Quân phải bỏ xứ đi lánh nạn.

Sau đó bà Điệp bị TAND huyện xử hơn ba năm tù và vừa được trả tự do trước Tết Quý Tỵ. Mặc dù vậy gia đình ông Quân, bà Ngàn vẫn mang tiếng giết cháu gần bốn năm qua vì Trâm vẫn biệt tích.

Trâm bỏ đi chứ không bị giết

Có mặt tại Công an xã Tân Hội trưa 15/2 khi điều tra viên đang ghi lời khai của Trâm, chúng tôi nghe cô thuật lại chuyện bỏ nhà ra đi từ tháng 6/2009.

Trâm được sinh ra trong một gia đình có hai chị em. Năm lên 5 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha Trâm đã nhờ ông Quân, bà Ngàn nhận làm cháu nuôi. Còn đứa em trai thì cha Trâm cũng cho một gia đình khác rồi bỏ đi biền biệt.

Quá trình sống với ông bà, Trâm được nuôi dưỡng cho đi học đến lớp 9 nhưng do học lực kém nên Trâm đã nghỉ học phụ giúp gia đình. Do là cháu nuôi trong gia đình nên Trâm thấy khó chịu trong cách cư xử của một người chú hay ghé thăm mỗi khi ở nhà một mình nhưng không thể nói được với ai. Một phần vì ông bà hay la mắng, thi thoảng có đánh nên Trâm quyết định bỏ nhà lên Sài Gòn kiếm sống.

Ngày ông Quân và bà Ngàn đi ruộng làm không về được, Trâm quyết định bỏ nhà đi. Khoảng 4g sáng, Trâm gom một ít đồ đạc đi bộ từ nhà ra đường đón xe đi TP.HCM làm việc đến tận bây giờ và hoàn toàn không hay biết gì về những chuyện xảy ra với ông bà nuôi của mình vì không đọc báo, không xem truyền hình và cũng không được nghe ai kể.

Khi đến bến xe miền Tây, Trâm được những người xe ôm giới thiệu việc làm ở nhiều trung tâm, Trâm làm một số nơi nhưng không được trả tiền lương, mãi đến năm 2011 mới được một cô tên Nga (ngụ Q.5) nhận về làm việc hơn một năm qua.

Từ thông tin của Trâm và Công an huyện Cai Lậy, chúng tôi liên hệ với Công an Q.5 (TP.HCM) và tìm được địa chỉ của bà Huỳnh Thị Thu Nga (45 tuổi, quê Tiền Giang). Bà Nga là chủ một cửa hàng ở đường Trịnh Hoài Đức (P.13, Q.5, TP.HCM).

Theo lời kể của bà Nga, tháng 9-2011 do nhu cầu cần lao động, bà Nga có đến một trung tâm giới thiệu việc làm gần bến xe miền Tây (Q.6) và nhận Trâm về làm việc.

Do không có giấy tờ tùy thân nên bà Nga hỏi han chuyện gia đình và được Trâm kể về hoàn cảnh gia đình cho đến lúc bỏ nhà ra đi, chứ không hề biết thông tin ở quê nhà và được bà Nga quan tâm chăm sóc như con cháu trong nhà.

Cuối năm 2012, tình cờ Trâm gặp lại một người bạn gái cùng xóm tên Ánh cũng làm thuê gần cửa hàng bà Nga và được Ánh kể lại vụ lùm xùm lúc Trâm bỏ nhà đi. Mãi đến lúc đó Trâm mới biết chuyện ông bà nuôi của mình đang mang tiếng giết cháu chôn xác phi tang oan ức.

Nghe xong, Trâm hốt hoảng kể lại cho bà Nga nghe. Để biết rõ hơn, bà Nga cũng mời Ánh đến nhà kể lại rành mạch câu chuyện ở xã Tân Hội sau khi Trâm bỏ nhà ra đi.

“Khi hiểu ra câu chuyện, tôi thúc giục dẫn Trâm về lại nhà và đến công an địa phương làm giấy chứng minh nhân dân đồng thời làm sáng tỏ mọi việc” - bà Nga kể. Do bận bịu buôn bán cuối năm nên bà Nga thống nhất sau tết sẽ đưa Trâm về quê làm lại giấy chứng minh nhân dân.

Dự định mồng 9 mới đi nhưng có lẽ do nôn nóng biết chuyện của ông bà nuôi nên Trâm tự về quê một mình vào sáng mồng 6. Bà Nga cũng cho biết Trâm là một cô gái ngoan hiền, làm việc chăm chỉ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Bình - Minh Tiến (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN