Kí ức rùng rợn nơi động quỷ xứ người - Bài 3: Những chiếc "bẫy" người
Việc nhẹ lương cao, được ăn sung mặc sướng, đổi đời nơi xứ người…là những “mồi dụ” mà nhóm buôn người vẽ ra để các nạn nhân "sập bẫy".
Khao khát đổi đời
Trao đổi với Người Đưa Tin, một cán bộ tham gia chuyên án giải cứu các nạn nhân cho biết, ngoài các nạn nhân bị bắt cóc, đa phần những nạn nhân rơi vào tay bọn buôn người đều dính "bẫy" về viễn cảnh đổi đời, có công việc thu nhập cao nơi xứ người.
Chị Minh (30 tuổi, trú tại tỉnh Cần Thơ) là một trong số những nạn nhân như vậy.
Tin những lời đường mật, hứa hẹn lương cao, hàng trăm nạn nhân đã "sập bẫy" đường dây lừa đảo.
Năm 2019, muốn thoát khỏi cuộc sống túng quẫn, chị Minh lên mạng tìm kiếm công việc, ấp ủ xuất khẩu lao động sang Trung Quốc để có thu nhập trang trải cuộc sống, lo cho gia đình. Từ đây, chị vô tình rơi vào bẫy của nhóm tội phạm.
Chị Minh nghe theo lời dụ dỗ, làm các thủ tục nhập cảnh trái phép qua Trung Quốc. Thế nhưng vừa bước chân sang miền đất hứa chị đã bị các đối tượng bắt nhốt trong một tòa nhà cao tầng và ép buộc thực hiện các công việc tiếp khách, lừa đảo… Khi đã hết "date", chị tiếp tục bị bán qua đặc khu kinh tế Bokeo (Lào).
Khi các nạn nhân biết mình bị lừa thì đã quá muộn.
Cứ thế, từ nạn nhân, Minh trở thành kẻ lừa đảo chuyên nghiệp dưới sự đào tạo, kiểm soát của tổ chức. Minh và nhiều nạn nhân khác đều chung số phận, bị "giam lỏng" trong toà nhà cao tầng, làm việc ngày đêm như một cỗ máy, hiếm hoi lắm mới được ngủ, phục vụ mục đích kiếm tiền cho lũ buôn người.
"Mỗi ngày, bọn em làm việc liên tục, chỉ được ngủ vài ba tiếng nhưng không được trả lương hoặc trả nhưng khống chế không cho rút tiền. Chúng dùng roi điện dí vào người, trói tay đánh đập nếu chống đối. Khắp toà nhà đều lắp camera nên chúng em không đủ can đảm bỏ trốn", Minh kể lại với cơ quan chức năng sau khi được giải cứu.
Minh và rất nhiều các nạn nhân sau khi rơi vào tay nhóm tội phạm buôn người, lừa đảo đã phải "nhắm mắt" làm theo sự chỉ đạo của bọn chúng để giữ tính mạng. Mỗi ngày, họ buộc phải lên các trang mạng xã hội và lừa đảo bằng nhiều hình thức, lập những Facebook ảo để tiếp cận những quý bà có điều kiện kinh tế.
Chiêu trò lừa đảo
Đinh Văn Châu, đối tượng được xác định giữ chức vụ Tổ trưởng trong đường dây lừa đảo quốc tế này khai nhận, quá trình Châu làm việc tại tỉnh Bokeo đã quen biết một người bạn. Người này gợi ý sẽ mở công ty riêng nên rủ Châu đến làm việc cùng.
Đinh Văn Châu, đối tượng được xác định giữ chức vụ Tổ trưởng trong đường dây lừa đảo quốc tế.
Thời gian đầu, Châu làm việc như một nhân viên bình thường và không hay biết phía sau hoạt động nhằm mục đích lừa đảo. Sau một thời gian, Châu được công ty trả một số lợi nhuận, chức vụ để giữ lại làm việc. Quá trình làm việc, Châu phải ký hợp đồng với điều khoản nếu muốn về phải đền hợp đồng với số tiền 70 triệu đồng.
Khi được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng, Châu chịu sự quản lý của "sếp" và "cấp trên", nhiệm vụ hàng ngày là lên công ty để giám sát, đôn đốc các nhân viên làm việc.
"Khi được cấp trên giao nhiệm vụ, tôi sẽ thông báo lại cho các nhân viên trong tổ. Tùy thuộc các nhiệm vụ sẽ giao theo ngày hoặc tuần, các nhân viên sẽ được giao đi kết bạn trên mạng xã hội, phải có khách hàng chát mới trong ngày là bao nhiêu người. Quá trình chát tạo tình cảm, niềm tin, mục đích để sau này đưa con mồi vào ứng dụng kêu gọi đầu tư", Châu khai nhận.
Theo Châu, mỗi ngày một nhân viên phải tương tác với 2 khách hàng mới. Những khách hàng này chủ yếu là phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm. Mục đích nhân viên kết bạn với khách hàng để tạo lòng tin, sau khi chín muồi sẽ dẫn khách hàng vào các ứng dụng do công ty viết ra để họ đầu tư và chiếm đoạt tài sản.
Mai (20 tuổi, một nạn nhân được giải cứu) cũng khai với cơ quan điều tra, khi Mai được giới thiệu vào làm việc, được hứa trả lương mỗi tháng 5.000 Nhân dân tệ. Tuy nhiên 2 tháng đầu không có doanh thu, Mai bị phạt, nên tổng số tiền nhận được chỉ 4.000 Nhân dân tệ. Hàng ngày, Mai được quản lý và tổ trưởng giao cho các Facebook ảo để đi nói chuyện với những phụ nữ trung niên ở Việt Nam. Các Facebook ảo thể hiện là doanh nhân thành đạt, giàu có, thường xuyên đăng ảnh ăn chơi ở những nơi sang trọng.
Những công cụ, thiết bị nhóm đối tượng sử dụng để phục vụ mục đích lừa đảo.
Lúc đầu nói chuyện với khách hàng, nhân viên sẽ hỏi năm sinh, quê quán, rồi sau đó mới nói chuyện về hoàn cảnh sống của nhau. Khi khách hàng đã tin tưởng, nhân viên sẽ dẫn khách hàng vào "mua phòng" nộp tiền đầu tư. Trong vòng 3 ngày nếu không có khách hàng tiềm năng nói chuyện, các nhân viên trong đường dây này sẽ bị trừ tiền thậm chí bắt phải chống đẩy, có nhiều nhân viên còn bị đánh đập.
"Nhiều lần em muốn về nhưng bị họ nhốt không cho ra khỏi tòa nhà. Em cũng gọi điện hỏi vay tiền đền hợp đồng để về nhưng không vay được", Mai nói.
Vào cuối tháng 5/2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và lực lượng chức năng của Lào giải cứu, đưa 36 người Việt Nam (trong đó có 22 người Hà Tĩnh) từ đặc khu kinh tế Bokeo. Từ đây, bằng biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra tiếp tục có những thông tin quan trọng về đường mua bán người, lừa đảo xuyên quốc gia, Công an Hà Tĩnh đã báo cáo xin ý kiến cấp trên, mở chuyên án "khủng", quyết tâm quét sạch đường dây...
*Tên các nạn nhân trong bài đã được thay đổi.
Xem thêm Kí ức rùng rợn nơi động quỷ xứ người-Bài 2: Những ngày tháng "địa ngục trần gian"Xem thêm Kí ức rùng rợn nơi động quỷ xứ người-Bài 2: Những ngày tháng "địa ngục trần gian"
Bài cuối: Đánh án ở đặc khu Tam giác vàng
Nguồn: [Link nguồn]
Những tưởng thoát được cảnh nghèo khó, có công việc làm tốt để phụ giúp gia đình nhưng Nga, Hoài, Hạnh không ngờ mình đang bắt đầu sa chân vào "địa ngục trần gian" nơi xứ người.