“Khủng bố” người chết bằng sơn để đòi nợ có thể bị xử tù
Liên tục “khủng bố” bằng sơn để đòi nợ người chết, người tạt sơn nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì đi tù.
Thời gian qua, liên tục những hành động “khủng bố” bằng sơn, mắm tôm, chất bẩn để đòi nợ khiến nhiều người không còn lạ lẫm.
Công an vào cuộc vụ tạt sơn "khủng bố" đòi nợ... người đã mất
Để xảy ra tình trạng như này một phần cũng do lỗi của “con nợ”, đến hạn không trả tiền, chây ì… khiến chủ nợ phải thuê một nhóm người (có thể là xã hội đen) đến gây áp lực, khủng bố tinh thần bằng sơn, mắm tôm, dầu luyn… buộc “con nợ” phải trả tiền. Nhưng đó là đối với những người đang còn sống.
Mới đây, ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM vừa xảy ra 1 vụ “khủng bố” bằng sơn để đòi nợ, điều đáng nói là người nợ tiền đã chết. Nhóm người này quay sang đòi nợ bà Nguyễn Thị Hương (54 tuổi, chị gái của con nợ).
Sau nhiều lần bị khủng bố, bà Nguyễn Thị Hương buộc lòng phải trình báo sự việc tới cơ quan công an.
Theo bà Hương, đầu năm, gia đình phát hiện em trai của bà tên N.C.H. (hiện đã mất) có nhiều khoản nợ bên ngoài và không có khả năng chi trả. Gia đình không ai biết anh này nợ ai và nợ tổng cộng bao nhiêu.
Theo camera ghi lại, trước khi anh H. mất, nhóm người tiến hành tạt sơn lần đầu tiên vào nhà anh H. xảy ra rạng sáng 29/4.
Tiếp đến, tối 12/5, một nhóm 4 người đi trên 2 xe máy kéo đến trước nhà anh H. la lối, chửi bới, dọa chém nếu anh H. không trả nợ. Không chỉ vậy, nhóm này còn dùng đá ném vào phía bên trong nhà.
Đỉnh điểm, tối 22/5, tiếp tục xuất hiện nhóm 6 người đến nhà anh H. (lúc này chỉ có vợ và đứa con anh H. ở nhà) mở cổng rào xông vào đập phá nhà cửa. Quá hoảng loạn, vợ, con anh H. phải bỏ chạy khỏi nhà để thoát thân.
Do ở sát vách nên sau khi anh H. mất đi, nhà bà Hương trở thành mục tiêu hướng đến của nhóm đòi nợ khiến cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn.
Nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Trung Tiệp (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì người nào có hành vi: “Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trước khi xảy ra hành vi vi phạm.
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp (đoàn luật sư TP.Hà Nội).
Trong trường hợp, cơ quan chức năng điều tra, xác minh có dấu hiệu tội phạm thì người ném chất bẩn vào nhà người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu có các tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điều luật thì người phạm tội có thể bị xử phạt mức cao nhất lên đến 20 năm tù.
Luật sư Tiệp nói thêm: Về trách nhiệm dân sự, theo quy định tại Điều 584, Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người vi phạm gây thiệt hại còn phải bồi thường thiệt hại về tài sản như: giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Cùng trao đổi về vấn đề này, luật gia Trần Quang Hòa (Hòa Bình) cho biết: Theo quy định của pháp luật thì người nào vay tài sản thì người đó phải có nghĩa vụ trả nợ, nếu tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Luật gia Trần Quang Hòa (Hòa Bình).
Trong sự việc này, nếu có giấy tờ, tài liệu chứng minh anh H. là người vay tiền thì anh H. phải có nghĩa vụ trả nợ. Trừ trường hợp anh H. vay tiền để thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì “vợ, chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này” (Điều 27 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định).
Hoặc trường hợp anh H. mất đi nhưng có tài sản và có di chúc để lại thì người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, quy định tại khoản 1 Điều 615 BLDS năm 2015.
Sau cùng, luật gia Hòa nhấn mạnh, cần làm rõ có việc anh H. vay nợ hay không, cụ thể vay của ai, thời gian nào, số tiền bao nhiêu. Bên cho vay có thể tiến hành khởi kiện ra tòa để yêu cầu giải quyết. Trường hợp đòi nợ không đúng cách như đã nêu ở trên, người đi đòi nợ có thể bị xử phạt hành chính, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nguồn: [Link nguồn]
Liên tục trong thời gian dài, một gia đình ở huyện Hóc Môn, TP.HCM bị nhiều người tới đập phá, tạt sơn khủng bố vì...