Không mở phiên toà, trả tự do cho "giang hồ mạng" Phú Lê theo quy định nào?
Liên quan đến vụ việc "giang hồ mạng" Phú Lê, theo luật sư, trong quá trình giải quyết vụ án người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.
Như Dân Việt đã đưa tin, trước đó, Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) đã quyết định hủy phiên xét xử sơ thẩm Phú Lê (Lê Văn Phú, 40 tuổi, trú Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và các đồng phạm vào ngày 15/12 tới đây.
Phú cùng đàn em trước đó bị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố tội Cố ý gây thương tích, theo Khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Lý do hủy phiên xét xử do bị hại trong vụ án rút đơn yêu cầu khởi tố. Sau khi bị hại có đơn, Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng đã quyết định đình chỉ xét xử, đình chỉ vụ án làm các thủ tục trả tự do cho 3 bị can. Hiện Phú Lê cùng các đàn em đã về với gia đình.
Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng đã hủy phiên xét xử sơ thẩm với Phú Lê và đồng phạm vì bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, Phú Lê và đàn em đã về với gia đình.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi của Phú Lê và các đồng phạm gây bức xúc cho gia đình hại và dư luận xã hội.
Tuy nhiên với thương tích của nạn nhân dưới 11%, nạn nhân có đơn đề nghị xử lý hình sự cơ quan tố tụng sẽ xử lý theo Khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trường hợp, trong quá trình giải quyết mà người bị hại tự nguyện rút đơn thì vụ án bị đình chỉ. Đây là quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.
Quy định này thể hiện tính nhân văn trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tạo cơ hội cho người phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng mà đã được người bị hại tha thứ.
Pháp luật quy định một số trường hợp sẽ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Một số hành vi được liệt kê trong Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự như: cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, hiếp dâm...
Ngoài ra, loại tội phạm ít nghiêm trọng mà người phạm tội đã thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, xin lỗi người bị hại và người bị hại tha thứ, rút đơn đề nghị xử lý thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.
Trong đó, việc khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 đòi hỏi phải có đơn yêu cầu của người bị hại theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
"Trong quá trình giải quyết vụ án, người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ. Còn trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án", luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, trong vụ án nêu trên người bị hại tự nguyện rút đơn vụ án sẽ bị đình chỉ. Khi vụ án bị đình chỉ mà bị can, bị cáo đang bị tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn là tạm giam để trả tự do cho bị can, bị cáo.
Với những trường hợp phạm tội được liệt kê trong điều luật nêu trên thì quyền quyết định xử lý hay không thuộc về người bị hại. Nếu người bị hại có đơn yêu cầu cơ quan tố tụng mới xử lý, ngược lại trong quá trình tòa án giải quyết trước ngày mở phiên tòa mà người bị hại rút đơn cơ quan tố tụng phải đình chỉ vụ án.
Đây là một quy định pháp luật không mới và phù hợp với luật pháp quốc tế, giao quyền tự định đoạt cho người bị hại trong một số tình huống cụ thể. Tuy nhiên nếu trường hợp phạm tội ở Khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì việc khởi tố không phụ thuộc vào người bị hại.
"Trong vụ án này nếu người bị hại tự nguyện rút đơn Phú Lê và đàn em sẽ được đình chỉ giải quyết và hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hành vi của các đối tượng này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Khi đó, Phú Lê và các đồng phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng", luật sư Cường nói thêm.
Như vậy, khi người bị hại tự nguyện rút đơn, vụ án sẽ bị đình chỉ, cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và thả tự do cho đối tượng đang bị tạm giam (nếu có).
Các đối tượng không bị xử lý hình sự nhưng sẽ bị phạt hành chính và có "tiền sự" được xác định là nhân thân xấu. Nếu sau vụ việc này, Phú Lê còn tiếp tục gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác thì sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Trường hợp người bị hại tự nguyện rút đơn thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng họ, cho họ thực hiện cái quyền là đình chỉ vụ án. Trường hợp này người bị hại không phải chịu trách nhiệm, hay nộp bất cứ khoản phí nào thêm.
Còn trong trường hợp cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy việc rút đơn đề nghị xử lý hình sự là do bị đe dọa, ép buộc hoặc lừa dối thì cơ quan tố tụng sẽ không chấp nhận việc rút đơn này.
Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại trong trường hợp: 1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. 2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. 3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức. |
Nguồn: [Link nguồn]
Toà án đã ra quyết định huỷ phiên xét xử sơ thẩm đối với Phú Lê và đàn em.